"Lang băm" thời đại số: Dấu hiệu nhận diện nhanh bác sĩ rởm trên mạng xã hội
Hãy tỉnh táo trước khi để mạng sống của mình rơi vào tay những "lang băm thời đại số"!
Trong thời đại công nghệ số, không khó để bắt gặp những người tự xưng là bác sĩ, chuyên gia tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt trêm TikTok, Facebook hay các hội nhóm tư vấn sức khỏe online.
Lừa người bệnh bằng cách khoác lên mình chiếc áo blouse, họ tự nhận là chuyên gia, là bác sĩ giỏi, ngang nhiên tư vấn bệnh tình, kê đơn thuốc như một người có chuyên môn thực thụ. Đã rất nhiều người với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nhẹ dạ tin theo và "sập bẫy" mua thuốc điều trị để rồi cuối cùng tiền thì mất, bệnh càng thêm nặng.
Với những "lang băm thời đại số", những kẻ trục lợi trên nỗi lo của bệnh nhân, đẩy họ vào vòng nguy hiểm bằng các thông tin y khoa thiếu căn cứ, chúng ta nhận diện bằng cách nào? Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn nhận diện nhanh bác sĩ rởm trên mạng xã hội:

1. Mập mờ thông tin về bằng cấp, nơi làm việc
Một bác sĩ thật sự sẽ có chứng chỉ hành nghề, nơi công tác cụ thể. Trong khi đó, bác sĩ rởm/bác sĩ giả danh thường chỉ xưng hô chung chung, không có giấy tờ chứng minh chuyên môn.
Thậm chí, bác sĩ rởm thường tự phong danh hiệu như "chuyên gia hàng đầu", "thần y", khoe bằng cấp, chứng chỉ nhưng không có nguồn kiểm chứng.
Trong khi đó, một bác sĩ thật sự hiếm khi tự quảng bá bản thân quá đà mà không dẫn chứng cụ thể những thứ cơ bản như nơi công tác, giấy phép hành nghề.
2. Hứa hẹn chữa khỏi 100% bệnh nan y một cách chắc chắn
Y khoa là lĩnh vực phức tạp, không ai dám cam kết 100% chữa khỏi các bệnh như ung thư, tiểu đường hay đột quỵ chỉ bằng những cách đơn giản. Nếu thấy ai đó tuyên bố "chữa khỏi hoàn toàn" mà không cần thăm khám trực tiếp, đó là dấu hiệu đáng ngờ và bạn cần dừng lại. Có bệnh thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế - đó là cách tốt nhất để bạn được chữa trị kịp thời và can thiệp đúng cách.
3. Quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng, thậm chí dùng lời lẽ phóng đại
Hiện nay, lợi dụng sự phát tán nhanh chóng của MXH mà nhiều người đã bất chấp để trục lợi bằng việc giả danh bác sĩ, thần y. Họ không chỉ tư vấn bệnh mà còn luôn kèm theo việc bán thuốc, thực phẩm chức năng. Thậm chí, họ dám cam kết phóng đại như "chắc chắn khỏi", tán dương thuốc, thực phẩm chức năng quá mức, quảng cáo sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thể thần dược có thể chữa bách bệnh. Và tất cả những thông tin họ tung ra chỉ là những lời tự thần thánh hóa. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, hãy tỉnh táo.

Trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đều nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của y bác sĩ trong quảng cáo. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế để nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, uy tín của ngành y tế.
4. Đưa ra những thông tin giật gân, thiếu cơ sở khoa học
Trên Tiktok hiện nay, một số bác sĩ rởm đang làm theo cách này để câu view, thu hút người dùng. Lợi dụng người có bệnh mong được chữa khỏi hoặc những người thiếu hiểu biết, các bác sĩ rởm này tung ra những tuyên bố kỳ lạ như "ăn cái này gây ung thư ngay lập tức" hoặc "uống nước này thải độc toàn thân", "uống nước này chữa được bách bệnh"... mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng khoa học đáng tin cậy, vô căn cứ.
Họ còn có thói quen biến những kiến thức y khoa phức tạp thành những đoạn clip ngắn, đơn giản hóa vấn đề, khiến người xem hiểu sai. Họ thích tung tin giật gân, phi khoa học, lan truyền những cách chữa bệnh phản khoa học như uống nước lá cây thay vì dùng thuốc, chữa ung thư bằng thực phẩm "thần kỳ".
Bác sĩ chân chính sẽ luôn "nói có sách, mách có chứng". Để chẩn đoán, điều trị bệnh họ sẽ tuân thủ đúng và đầy đủ quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế.
5. Tư vấn đủ mọi bệnh trên đời
Những bác sĩ rởm này thường đăng bài liên tục trên các trang cá nhân. Họ tư vấn đủ thứ bệnh từ cảm cúm đến bệnh ung thư, như là một "bác sĩ biết tuốt". Nếu bạn gặp phải những trường hợp này trên MXH hãy cảnh giác và đừng tin theo. Bác sĩ chân chính thường chỉ chia sẻ những kiến thức hữu ích trong phạm vi chuẩn mực và đúng lĩnh vực họ được đào tạo. Ví dụ, bác sĩ da liễu thì không nói về tim mạch...

Làm thế nào để tránh bác sĩ rởm trên mạng xã hội?
Trước khi tin vào bất kỳ ai tự xưng là bác sĩ trên mạng, hãy:
- Kiểm tra thông tin bác sĩ: Tra cứu tên trên cổng thông tin của Bộ Y tế để xác minh bằng cấp, nơi công tác.
- Chỉ tin vào nguồn chính thống: Website của bệnh viện, tổ chức y tế uy tín, không nghe theo lời quảng cáo tràn lan.
- Không mua thuốc trên các shop bán hàng online không rõ nguồn gốc: Bất kỳ loại thuốc nào cũng cần có đơn từ bác sĩ.
- Cảnh giác với những "lời hứa thần kỳ": Không có phương pháp nào chữa khỏi bệnh ngay lập tức mà không cần kiểm tra y tế.
- Hãy đến cơ sở y tế khi có bệnh: Nếu thấy nghi ngờ, hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám để được tư vấn trực tiếp.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe tổng quát định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của các bệnh lý, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị kịp thời.
Mạng xã hội mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng là nơi tồn tại vô số cạm bẫy. Khi nói đến sức khỏe, sai lầm nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Đừng để sự cả tin khiến bạn trở thành nạn nhân của những bác sĩ rởm trên mạng xã hội. Hãy trở thành người bệnh thông minh, chỉ tin tưởng vào các bác sĩ có chuyên môn thật sự, có giấy phép hành nghề và làm việc tại các cơ sở y tế uy tín. Sức khỏe là vốn quý nhất - đừng đánh đổi nó vì những lời đường mật trên mạng!
(Ảnh minh họa: AI)