"Đặt lên bàn cân" vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech
Vaccine của công ty AstraZenceca là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ hai được phê chuẩn sử dụng khẩn cấp ở Anh, sau vaccine của Pfizer/BioNTech.
Ngày 30/12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca PLC, có trụ sở tại Cambridge (Anh) phối hợp với Đại học Oxford sản xuất.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý ở châu Âu vẫn tỏ ra lo ngại về loại vaccine này vì trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra một số nhầm lẫn. Cụ thể là những người tham gia thử nghiệm vaccine của AstraZeneca ban đầu chỉ được tiêm nửa liều, sau đó mới được tiêm liều đầy đủ.
Vaccine của AstraZeneca hiệu quả ra sao?
Theo dữ liệu tạm thời, hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong việc ngăn ngừa Covid-19 là 70,4%. Trong khi đó, vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và đối tác BioNTech của Đức, loại vaccine đã được phê duyệt tại Anh, có hiệu quả là 95%.
Theo dữ liệu tạm thời, hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong việc ngăn ngừa Covid-19 là 70,4% (Ảnh: AFP)
Theo Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA), vaccine có hiệu quả ít nhất 52,7% sau khi tiêm xong liều thứ nhất và hiệu quả đối với người tiêm hai liều đầy đủ là 73% từ 22 ngày sau liều đầu tiên.
Cơ quan này khuyến cáo nên tiêm nhắc lại từ 4-12 tuần sau khi tiêm liều đầu tiên, do hiệu quả của vaccine sẽ lên đến 80% trong khoảng thời gian 3 tháng giữa các liều, một quan chức của MHRA cho biết.
“Liều vaccine đầu tiên mang lại hiệu quả bảo vệ trong một thời gian ngắn giữa hai liều. Liều thứ hai sẽ tăng cường phản ứng miễn dịch và cung cấp một phản ứng miễn dịch lâu bền hơn”, Đại học Oxford, đối tác của AstraZeneca cho biết.
Quá trình thử nghiệm vaccine của AstraZeneca vào tháng 11 đã xảy ra một số nhầm lẫn khi những người tham gia thử nghiệm ban đầu chỉ được tiêm nửa liều, sau đó mới được tiêm liều đầy đủ.
Trong nhóm 1, các tình nguyện viên được tiêm một nửa liều vaccine và 1 tháng sau đó là một liều đầy đủ. Kết quả nhóm này đạt tỷ lệ hiệu quả 90%. Đối với nhóm còn lại, các tình nguyện viên được tiêm 1 liều vaccine đầy đủ và 1 tháng sau đó là một liều đầy đủ. Kết quả nhóm này đạt tỷ lệ hiệu quả 62%.
“Loại vaccine này gây lo ngại vì đã có những sai lầm trong quá trình thử nghiệm. Những sai lầm đó dẫn đến có những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng phức tạp hơn nhiều so với hai loại vaccine của Moderna và Pfizer. Và điều quan trọng là hiệu quả của nó thấp hơn”, một quan chức của Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) nói với Reuters.
Sự khác biệt giữa các loại vaccine
Theo Reuters, sự khác biệt giữa vaccine của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech nằm ở công nghệ, giá cả và quá trình lưu trữ.
Vaccine của AstraZeneca mang vector của virus, được sản xuất từ một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng ở tinh tinh.
Trong khi đó, vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng một công nghệ mới đưa những thông tin RNA (mRNA) vào những giọt chất béo nhỏ để chỉ thị cho tế bào tạo ra protein đột biến.
Công ty AstraZeneca cam kết loại vaccine này sẽ có giá chỉ vài USD một liều và sẽ bán mà không thu lợi nhuận. Vaccine của Pfizer/BioNTech lại có giá cao hơn, từ 18,40-19,50 USD/liều. Vaccine của công ty Moderna, loại vaccine đã được phê duyệt ở Mỹ, có giá lên tới 37 USD/liều.
Theo Reuters, vaccine của AstraZeneca có thể được bảo quản, vận chuyển ở điều kiện làm lạnh bình thường, vì vậy có giá thành rẻ hơn và dễ sử dụng hơn vaccine của Pfizer/BioNTech, vốn yêu cầu được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ thấp -70 độ C.
Liệu các nước khác có phê duyệt vaccine của AstraZeneca?
Khi Anh phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech vào đầu tháng 12, điều này đã gây áp lực với các cơ quan quản lý ở những quốc gia khác. Ngay sau đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phê duyệt loại vaccine này. Tuy nhiên, việc cấp phép vaccine này chỉ mang tính ngắn hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh khẩn cấp hiện nay, có thể được thu hồi hoặc điều chỉnh tùy thuộc hiệu quả và an toàn thực tế sử dụng sau đó. Vaccine của Moderna sau đó cũng nhận được sự chấp thuận của Mỹ.
Việc Anh phê duyệt vaccine của AstraZeneca nhằm thu hút được nhiều người được tiêm chủng một cách nhanh chóng, trước khi có câu trả lời về hiệu quả và liều lượng tối ưu.
“Việc phê duyệt khẩn cấp nhanh chóng ngầm thể hiện rằng Anh chấp nhận rủi ro về hiệu quả thấp hơn của vaccine của AstraZeneca so với vaccine của Pfizer/BioNTech”, Claire-Anne Siegrist, trưởng khoa tiêm chủng và miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết.
Theo một quan chức của EMA, loại vaccine này khó có thể được phê duyệt tại châu Âu trước cuối tháng 1/2021. Một quan chức hàng đầu của Đức hôm 30/12 cho biết, ông vẫn mong đợi một “quyết định nhanh chóng” của châu Âu vì quá trình rà soát sớm đã được tiến hành tốt.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ cũng đang thảo luận về việc phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca, với sự hợp tác của Viện Huyết thanh của Ấn Độ.
Ai sẽ được tiêm loại vaccine nào?
Theo Reuters, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh sẽ không cho người dân lựa chọn tiêm loại vaccine nào.
Tuy nhiên, với một số loại vaccine hiện đã có sẵn, các quốc gia cần phải quyết định xem ai nên tiêm loại vaccine nào, bởi một số người có thể muốn tiêm loại vaccine có hiệu quả cao hơn.
Các chuyên gia cho biết, sự khác biệt giữa hiệu quả của mỗi loại vaccine là đáng kể, điều này dẫn đến những lựa chọn khó khăn.
“Ở những quốc gia có sẵn cả vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, họ sẽ phải quyết định tiêm vaccine có hiệu quả thấp hơn cho ai”, ông Siegrist nói.
Thomas Mertens, người đứng đầu STIKO, ủy ban chuyên gia về sử dụng vaccine của Đức nói với Reuters rằng, nhóm của ông có kế hoạch sẽ giải quyết vấn đề này “trong tương lai gần” và hy vọng sẽ có một chiến lược cụ thế đối với nguồn cung vaccine hạn chế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sự lựa chọn đó có thể là “điều xa xỉ” đối với các nước chưa thể mua được vaccine.
“Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi không có đủ số lượng vaccine để tiếp cận với tất cả những người có nhu cầu. Mọi loại vaccine đều có hiệu quả tương đối tốt. Những loại có hiệu quả từ 60-70% nên được đưa vào sử dụng, khi độ an toàn của nó được chứng minh”, Thomas Klimkait, giáo sư và nhà nghiên cứu của Đại học Basel, người đang thực hiện dự án vaccine ngừa Covid-19 của Thụy Sĩ cho biết.
Theo Reuters