Đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời vì đột quỵ, bác sĩ BV Việt Đức bày cách để không biến mình thành tỷ phú khu… nghĩa trang

PV,
Chia sẻ

Trên thực tế, căn bệnh này xuất hiện khá nhiều ở người cao tuổi, đặc biệt ở nam giới với những áp lực trong công việc và cuộc sống nên có thể bị đột quỵ ập tới bất cứ lúc nào.

Thông tin “cha đẻ” bộ phim Ngọc trong đá, Cô thủ môn tội nghiệp đột ngột ra đi ở tuổi 63 đã khiến giới làm phim nói riêng và những người yêu nghệ thuật nói chung đều cảm thấy tiếc nuối, bàng hoàng. Một người em kết nghĩa xác nhận đạo diễn Trần Cảnh Đôn đã qua đời vì đột quỵ vào tối ngày 21/10.

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu báo động, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất sẽ giảm khả năng tử vong và tàn phế. Trên thực tế, căn bệnh này xuất hiện khá nhiều ở người cao tuổi, đặc biệt ở nam giới với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống nên có thể bị đột quỵ ập tới bất cứ lúc nào. 

Thống kê cho thấy, 1/3 số ca đột quỵ rơi vào độ tuổi 40-45. Nam giới có nguy cơ cao gấp 4 lần nữ giới. Đặc biệt, bệnh gây hậu quả nặng nề, hơn 50% tử vong, 45% sống sót gặp di chứng tàn phế.

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức), giải pháp tốt nhất để "né tránh" căn bệnh này chính là thực hành những giải pháp dự phòng.

- Thu xếp đi kiểm soát sức khoẻ định kỳ sớm nhất có thể. Đặc biệt quan tâm đến các thông số như đường máu, mỡ máu, huyết áp… để kịp thời điều chỉnh ngay. Mỗi gia đình cũng nên sắm một cân sức khoẻ và một máy đo huyết áp để theo dõi trọng lượng và huyết áp định kỳ cho các thành viên trong nhà.

- Xây dựng và duy trì những thói quen tốt cho sức khoẻ hằng ngày như không hút thuốc lá, giảm rượu mạnh, ngủ trước 23h và dậy sớm, thể dục thể thao mỗi ngày. Lưu ý, nếu trời lạnh, mọi người không nên dậy quá sớm, nhớ khởi động nhẹ nhàng trên giường trước khi tung chăn ngồi dậy và mặc ấm khi ra khỏi nhà. Vận động thể chất mỗi ngày, cố gắng giảm cân nặng nếu quá cân… là những điều rất quan trọng giúp dự phòng biến cố này.

- Tránh những thói quen không tốt trong ăn uống làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim như ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm xào-rán-quay-nướng, thịt nguội, xúc xích hay những thực phẩm đóng hộp công nghiệp. Chúng ta nên tạo thói quen ăn sáng đủ đầy, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít. Ưu tiên thực phẩm kho nhạt-luộc-hấp-nấu canh-salad, nguyên liệu nên ưu tiên các loại hạt, rau, củ, quả, cá tươi.

- Tránh ngồi lâu một tư thế vì rất dễ hình thành những cục huyết khối bắn đi gây tắc mạch não, mạch vành, mạch phổi. Khi ngồi máy bay, ô tô đường dài, ngồi làm việc lâu cứ 60 phút rời khỏi vị trí, vận động ép giãn cơ thể, vươn thở, co duỗi tay chân dăm phút.

- Tránh tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, điều chỉnh liều lượng và thời điểm dùng thuốc, đặc biệt thuốc huyết áp, thuốc điều chỉnh nhịp tim, mỡ máu, tiểu đường…

- Tránh những động tác gắng sức đột ngột như bê vật nặng, bê chậu cây cảnh, bê vali trên đường chuyền sân bay, nâng tạ, tập luyện gắng sức trong thời gian ngắn…. Tốt nhất mọi động tác vận động đều cần nhẹ nhàng tăng dần và khởi động trước.

- Tránh để cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là người già. Sau khi tỉnh giấc chưa vội tung chăn rời khỏi giường hoặc sau tiệc rượu chưa vội "lao" ra đường ngay. Luôn xoa lòng bàn tay bàn chân vào nhau hoặc khởi động cơ thể trong chăn một lúc trước khi ra ngoài hoặc cần mặc ấm trước khi rời tiệc.

- Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bệnh lý tim mạch, rung nhĩ, loạn nhịp tim, tăng cân béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, ít vận động thể thao, tiểu đường, người có tiền sử người thân bị tai biến-nhồi máu, người đang chữa ung thư, người bị bệnh thận mạn tính hoặc bị bệnh hệ thống-miễn dịch, phụ nữ có tiền sử bị tiểu đường thai nghén hoặc tiền sản giật, người nằm lâu sau phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật ổ bụng...) cần tạo thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm. Đặc biệt nhóm những người mang các bệnh lý trên cần khám chuyên khoa tim mạch cũng như xây dựng kế hoạch loại bỏ dần những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được (giảm rượu, bỏ thuốc lá, tăng thể thao…).

- Nếu có điều kiện và cẩn thận, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động chụp cắt lớp vi tính khảo sát mạch vành tim, chụp cộng hưởng từ sọ não mạch máu não, siêu âm động mạch cảnh hai bên... để phát hiện sớm những bất thường trong hệ thống mạch máu nếu có.

- Chủ động thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, lạc quan và hãy luôn trân quý từng ngày được sống. Căng thẳng kéo dài sẽ kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch.

Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh con cháu không được bỏ qua những dấu hiệu báo trước dù mơ hồ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để xử lý kịp thời tai biến như đột ngột đau nhức đầu hoặc đang ăn cơm tự nhiên rơi đũa hoặc lắp bắp nói khó (dấu hiệu của đột quỵ) hoặc tự nhiên đổ gục... Hoặc có thể kiểm tra nhanh thêm những dấu hiệu như lưỡi lệch một bên, khó khăn khi huýt sáo, méo miệng, không nói tròn vành chữ A. Trong trường hợp như vậy, người nhà nên gọi cấp cứu 115 ngay để đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất có thể.

“Được khoẻ mạnh có mặt trên cuộc đời này để gặp gỡ mọi người đã là một hạnh phúc rồi. Xin đừng quá mải mê theo đuổi những danh vọng mà đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống. Đừng biến mình trở thành tỷ phú khu… nghĩa trang”, bác sĩ Trần Quốc Khánh nhắn nhủ.

Chuyên đề đặc biệt " Sống khỏe - Quà tặng cháu con " do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hợp tác với Công ty Truyền thông VCCorp và Mạng xã hội Lotus thực hiện, giúp cho người cao tuổi có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân một cách dễ dàng thông qua nhiều hình thức thông tin và tư vấn. Bên cạnh đó, chuyên đề cũng kỳ vọng góp một phần nhỏ bé vào sứ mệnh thức tỉnh giới trẻ, giúp họ bớt mải mê vùng vẫy với vùng trời của riêng mình mà quên đi ông bà, cha mẹ.

Không bó hẹp trong một chủ đề hay một tuyến nội dung nhất định nào, chuyên đề "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" sẽ được thể hiện đa dạng dưới mọi hình thức và triển khai đồng loạt trên nhiều nền tảng. Tất cả đều hướng tới một mục đích duy nhất là giúp người cao tuổi tự tin sống vui - khỏe - có ích, để những nguồn cảm hứng tích cực không ngừng được truyền tải từ thế hệ trước đến thế hệ sau, để từng gia đình nhỏ thêm hạnh phúc và sau cuối là để một Việt Nam an vui, khỏe mạnh.

 - Ảnh 4.

Chia sẻ