Đánh trống ngực liên hồi chứng tỏ yếu tim

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Nhiều người nghĩ đánh trống ngực là do hồi hộp hay lo sợ. Nhưng các bác sĩ chỉ rõ đây có thể là triệu chứng yếu tim và đưa ra cách điều trị bằng sóng tần số radio.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Linh, Viện Tim mạch Việt Nam, cấu tạo tim người gồm tâm thất và tâm nhĩ. Đánh trống ngực (rung nhĩ) là tình trạng tâm nhĩ đập rất nhanh và hỗn loạn. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm.

Biến chứng nguy hiểm

Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh. Khi đó nhịp tim của bệnh nhân có thể lên đến 350 nhịp/phút, trong khi bình thường là 60 - 80 nhịp/phút. Trạng thái tâm nhĩ rung mà không co bóp làm cho máu ứ lại, dễ dẫn đến hình thành những cục máu đông, là nguyên nhân gây đột quỵ và tắc mạch máu. Ngoài ra, rung nhĩ mạn tính khiến tim co bóp thiếu hiệu quả, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim.

Do tâm nhĩ đập nhanh và hỗn loạn nên bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, nhức đầu, khó thở… Rung nhĩ thường gặp ở người lớn tuổi và tăng dần theo lứa tuổi. Trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi nhưng tăng lên tới 1,5% - 2% ở người trên 80 tuổi.


“Nguyên nhân chính gây rung nhĩ là do các bệnh về mạch vành và van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim phổi mạn tính. Nói cách khác, rung nhị mạnh chứng tỏ tim yếu”, tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, Viện phó Viện Tim mạch, cho biết.

Phương pháp chữa tiệt căn

Để trị bệnh rung nhĩ, Việt Nam đã áp dụng tiến bộ mới nhất của thế giới là dùng sóng tần số radio. Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh cho biết, các điện cực được đưa vào trong buồng tim và ghi điện đồ bằng hình ảnh không gian 3 chiều qua đó xác định được điểm xuất phát rối loạn nhịp tim. Sau đó, sóng có tần số radio sẽ được đưa vào qua đầu các điện cực và phát sinh nhiệt để triệt bỏ những điểm gây rối loạn.

Trước đây, các bác sĩ thường điều trị nội khoa bằng thuốc để phục hồi trở về nhịp tim cơ bản. Có một số trường hợp không phục hồi về được nhịp tim cơ bản, các bác sĩ sẽ dùng máy sốc điện một chiều, dùng dòng điện rất cao tác động đến cơ tim, đưa về nhịp cơ bản, sau đó dùng thuốc để duy trì nhịp.

Với những trường hợp không khống chế được bằng thuốc, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ nút nhĩ thất, sau đó đặt máy tạo nhịp tim. Tuy nhiên, các cách này đều chủ yếu điều trị triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên.

Trong khi đó, dùng sóng radio hoàn toàn không phải mở ngực bệnh nhân. Phương pháp này được Viện Tim mạch áp dụng từ năm 2009 và tới đây Viện sẽ xây dựng riêng một khu can thiệp sớm để sử dụng rộng rãi phương pháp này.
Chia sẻ