Trước đây, cư dân mạng không lạ gì với phong trào khoe mẹ, khoe bà,
khoe chị em trong nhà, với rất nhiều chia sẻ thú vị và câu chuyện xúc động.
Cô nàng 16 tuổi Phạm Ngọc Thiên Thư (ở Biên Hòa, Đồng
Nai) cũng muốn làm gì đó ý nghĩa để dành tặng 2 người phụ nữ em yêu thương kính
trọng nhất là mẹ và bà ngoại, nên em đã chia sẻ hình ảnh của họ lên mạng xã hội.
Không ngờ bức ảnh đã nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo chị em, cùng những
lời chúc mừng, động viên tích cực:
“Nhìn mẹ em mặc đồ như thế
này chắc không ai biết là mẹ em bị khiếm thị đâu nhỉ.Lúc em còn nhỏ cứ chở mẹ đi bằng cái
xe martin cà tàng, vô shop mua đồ thì không ai bán. Đi cắt tóc thì cắt chẳng ra
gì, em nói thì họ bảo là "Mù thì cần gì cắt cho đẹp" ... Đi xe buýt
thì họ cứ sợ mình không trả tiền vé nên thái độ rất ư khó chịu. Và cũng nhờ câu
nói "mù này mù nọ" và thái độ xem thường của mọi người xung quanh mà
mẹ em đã thay đổi, giờ nhìn còn trẻ hơn em luôn”.

Chị em trầm trồ ngưỡng mộ khi xem bức ảnh chụp bà và mẹ của Thiên Thư.
Ai cũng ngạc nhiên bởi mẹ và bà của Thiên Thư quá trẻ trung so với tuổi thật, cả về ngoại hình lẫn phong cách thời trang. Theo như cô
bé chia sẻ thì mẹ em năm nay mới 41, còn bà ngoại đã bước sang tuổi 65. Trong mắt
Thư, họ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, xứng đáng được dành tặng những lời yêu
thương nhất. Thế nhưng, ẩn sau nụ cười tươi tắn trẻ trung của 2 người phụ nữ ấy
là cả một câu chuyện rất dài và buồn, khiến hàng ngàn người xúc động. Để có được
diện mạo bất chấp thời gian và nụ cười hạnh phúc như vậy, mẹ của Thư đã vượt
lên số phận, bằng nghị lực phi thường, không chỉ thay đổi bản thân mà còn thay
đổi cả ánh nhìn của tất cả mọi người xung quanh, được tôn trọng và ngày càng
xinh đẹp hơn.
Cô học sinh nhỏ tuổi có những chia sẻ khá sâu sắc,
đong đầy tình yêu thương trân trọng dành cho mẹ của em:
“Mẹ
em tên Phạm Thị Phương Uyên. Ngày xưa khi sanh mẹ, bà ngoại bị mắc hơi, lại cộng
thêm bệnh ban năm 3 tuổi nên mắt mẹ bị kéo màng mây màu xanh, một thời gian ngắn
sau không nhìn thấy gì nữa. Ông bà đông con, nhà nghèo không chạy chữa được nên
mẹ em bị mù từ nhỏ.
Năm
mẹ 24 tuổi, đi thực tập gặp ba em, lúc đó đang dạy học ở Trung tâm nuôi dạy trẻ
khuyết tật Đồng Nai, ba em cũng khiếm thị. Sau một thời gian tìm hiểu thì ba mẹ
cưới nhau năm 2000. Rồi em ra đời, vài năm sau có thêm em gái nữa, gia đình rất
vui vẻ dù không giàu có gì.
Lúc
em còn nhỏ, có bao nhiêu tiền mẹ cũng sắm hết đồ đạc quần áo cho 2 chị em, còn mẹ
toàn mặc đồ cũ. Mẹ hay ốm, ở nhà miết nên mặc đồ luộm thuộm. Em đạp xe chở mẹ
vô shop mua đồ, người ta nhìn mẹ rồi toàn kêu không có tiền ra chỗ khác mà mua,
ở đây mắc lắm, mua không nổi đâu. Mẹ em im lặng không nói gì hết. Dẫn
mẹ đi cắt tóc ở tiệm gần nhà, người ta cắt lỉa chỉa không đều, em nói là sao
chú cắt cho mẹ con không đẹp vậy? Chú đó bảo là mù thì cần gì đẹp, cắt vậy cho
gọn là được rồi, ai thèm để ý. Lúc ấy mẹ em cũng im lặng luôn.
Rồi
có bữa xe đạp bị hư, em phải đón xe buýt đi lễ ngày Chủ nhật, đi cùng mẹ, họ
kéo mẹ em lên với thái độ rất khó chịu, còn bảo không có tiền thì mời xuống xe.
Lúc đó mẹ mới nói: “Tôi đi xe trả tiền đàng hoàng chứ có ăn quỵt của ai?”. Về tới
nhà, mẹ khóc, hỏi em là con ơi, nhìn mẹ xấu lắm hay sao mà họ lại nói vậy hả
con? Mẹ không thấy đường nhưng mà mẹ có ăn cắp trộm cái gì của ai đâu, sao họ lại
bảo vậy. Em buồn lắm…
Năm
lên lớp 8, em xin đi phụ bán đồ ở shop quần áo, đi làm rồi em bắt đầu biết chọn
quần áo rồi phối kiểu cho mẹ. Tóc tai thì có cô bạn mẹ làm thợ nên em tả kiểu,
rồi nhờ cô làm giúp. Mẹ em bắt đầu mặc đồ bộ kiểu, sau dần dần ngày càng đẹp
hơn, còn trang điểm nữa. Mẹ về quê ăn đám cưới, mấy người hay bảo mẹ em là con
mù này con mù nọ hồi xưa, giờ nhìn mẹ em im lặng không nói được gì. Mẹ bảo em rằng
chính mình phải ráng phấn đấu thì người ta mới phục”.

Cô gái nhỏ Phạm Ngọc Thiên Thư với câu chuyện về người mẹ mù gây xúc động cho hàng ngàn người.
Nghe Thư kể chuyện mà rơi nước mắt lúc nào không biết.
Hành trình lột xác của người mẹ khiếm thị ấy quá xúc động, truyền cảm hứng mạnh
mẽ cho tất cả những ai có cơ hội được chứng kiến, lắng nghe. Một người phụ nữ đầy
nghị lực, dũng cảm và có tâm hồn đẹp. Hiện mẹ của Thiên Thư đang làm trưởng Hội
phụ nữ, Hội người mù xã Tân Hạnh, TP. Biên Hòa, cô cũng có công việc chân
chính, kiếm tiền bằng nghề massage tẩm quất. Dù không nhìn thấy gì nhưng cô
Uyên không phiền đến ai, từ khi bị mù cô đã quen với việc làm mọi thứ một mình,
từ vệ sinh cá nhân đến dọn dẹp nhà cửa. Quần áo thì Thư chọn cho mẹ, màu sắc,
kiểu dáng, rồi mẹ em cảm nhận bằng tay. Đối với cô gái nhỏ, mẹ luôn là người đẹp
nhất, tuyệt vời nhất. Điều quý giá nhất là Thư có mẹ trên đời, vừa dịu dàng vừa
nhân hậu.
“Mẹ
em khéo tay lắm. Sáng dậy mẹ tết tóc cho 2 chị em đi học, ủi sẵn quần áo. Mẹ nấu
ăn cũng ngon nữa, tất cả mọi thứ mẹ đều cảm nhận rất kỳ diệu. Mẹ bảo em con gái
lớn phải biết nấu ăn may vá, em thì lại vụng về, nên mọi thứ em biết đều do mẹ
dạy hết.
Hồi
bé nhà không có búp bê chơi, mẹ toàn lấy giấy rồi cắt thành hình búp bê, xong cắt
cả quần áo cho búp bê mặc, 2 chị em em thích lắm. Đồ bị rách hay chật, mẹ tự
tháo ra rồi may lại như mới luôn. Nói mẹ may bằng tay chẳng mấy ai tin. Mẹ dùng
sợi dây đàn nhỏ, gấp làm đôi rồi lấy đó xỏ chỉ qua, không cần ai giúp hết”.
Ngoài mẹ thì bà ngoại cũng là người mà Thiên Thư yêu
thương vô cùng. Bà cũng hiền và quan tâm chăm sóc con cháu. Ai cũng khen mẹ em
giống bà ngoại, 2 người trẻ trung như nhau. Có lẽ bởi 2 con người hồn hậu ấy sống
vừa chất phác vừa thật thà, lúc nào cũng lạc quan, dạy dỗ con cháu chu đáo, nên
dung mạo ngày càng đẹp lên.

Bố mẹ Thiên Thư đều khiếm thị, nhưng lại có tâm hồn đẹp và nghị lực vươn lên khiến người khác khâm phục.
Tấm gương nghị lực vượt lên số phận của cô Phương
Uyên đã khiến nhiều người cảm phục, rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Bài học
thấm thía nhất, đắt giá nhất chính là việc không nên đánh giá người khác qua vẻ
bề ngoài. Cho dù họ là người khuyết tật, họ xấu xí, hay là ngoại hình có bất kỳ
vấn đề gì, ai cũng có lòng tự tôn riêng, và nhiều khi chúng ta đều nghĩ sai về
họ, bởi chúng ta chỉ đứng bên ngoài thế giới của họ mà thôi, làm sao đánh giá
được người khác chỉ bằng cái liếc mắt? Cô Uyên đã dạy con gái những điều rất
hay rằng: “Mình phải thật tự tin vào chính bản thân. Không ai là hoàn hảo cả,
được cái này thì mất cái kia. Nhưng mình phải biết tự hào vì điều đó, hãy nghĩ
rằng mình còn may mắn hơn nhiều người khác”.
Đúng vậy, làm phụ nữ ai cũng cần phải đẹp, đẹp để tự
tin hơn, để được mọi người xung quanh tôn trọng hơn. Nếu không có ngoại hình bắt
mắt, hãy cho người khác thấy được tâm hồn đẹp đẽ của mình, tôn trọng mình vì
nhân cách và lối sống cao cả. Chẳng có người phụ nữ nào xấu, chỉ có người phụ nữ
không biết cách tôn vinh giá trị vẻ đẹp bản thân. Không có chuẩn mực nào chính
xác cho cái đẹp của phái yếu, nó có thể đến từ nhiều phương diện khác nhau.
Song, hãy nhìn vào câu chuyện của mẹ Thiên Thư, cô ấy đã bù đắp khuyết điểm bản
thân bằng nhân cách của mình, với nhiều quan điểm sống đúng đắn, tích cực. Cô bị
mù, nhưng không vì thế mà cô sống trong bóng tối. Người khác chê bai ra sao, cô
càng lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn, sống tốt hơn, cải thiện cách ăn
mặc, trò chuyện với mọi người, nhờ thế nên ai cũng thấy cô xinh đẹp trẻ trung
hơn, toát lên vẻ thân thiện, cuốn hút. Phụ nữ tuổi nào thì cũng cần đẹp để nhận
về những giá trị cuộc sống tương xứng, để được tôn trọng và ngưỡng mộ. Nhớ nhé
chị em!