Lặng người trước hình ảnh con trai hiếu thảo ôm người mẹ 82 tuổi ốm yếu ra bờ sông chuyện trò mỗi ngày
Cho dù có sắt đá đến mấy, thì khi nhìn thấy những hình ảnh người đàn ông Trung Quốc 51 tuổi hàng ngày bế mẹ già 82 tuổi ốm yếu ra bờ sông hóng mát dưới đây, chắc chắn trái tim người ta cũng sẽ trở nên yếu mềm.
Những ngày gần đây, ông Trương Vĩnh Khang, 51 tuổi, ở thành phố Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bỗng nhiên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, sau khi bức ảnh ông ôm người mẹ 82 tuổi ốm yếu ngồi bên bờ sông được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Nhắc đến sự nổi tiếng bất đắc dĩ này, ông Trương không khỏi ngại ngùng, bởi đó là việc ông vẫn thường làm trong suốt nhiều tháng qua. Ông không ngờ có người đã chụp lại khoảnh khắc ấy rồi chia sẻ cho bạn bè với bao lời tung hô, tán tụng.
Có thể trong mắt nhiều người, việc con trai hiếu thuận bế mẹ ra bờ sông hóng gió là một điều gì đó quá xa vời, thế nhưng đối với hàng xóm của ông Trương, điều này đã trở thành một lẽ thường tình mà họ được chứng kiến mỗi ngày.
Năm 2014, khi biết mẹ bị mắc bệnh tim mạch, ông Trương đã dồn hết tâm sức chăm sóc cho bà. Ban đầu, bà vẫn còn có thể co duỗi chân tay, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã gần như bất động, chỉ nằm liệt trên giường và không thể đi lại, thậm chí là không thể nói được.
Kể từ ngày mẹ bị mắc bệnh phải nằm một chỗ, bất luận bận rộn đến mấy, ông Trương đều sang thăm mẹ 2 lần mỗi ngày. Vì không sống trong cùng 1 ngôi nhà, nên buổi sáng ông thường dậy sớm hơn để có thể ghé qua thăm mẹ rồi mới tất tả chạy đi làm. Đến lúc tan ca, ông cũng không lập tức về nhà với vợ con, mà phải qua nhà mẹ trước tiên.
Công việc quen thuộc hàng ngày của ông Trương là bế mẹ từ tầng 4 xuống nhà, theo sau là một người giúp việc tận tụy, trên tay cầm chiếc ghế gỗ nho nhỏ. Tuy mẹ đã già cả, thân hình cũng trở nên gầy yếu, nhưng người đàn ông 51 tuổi vẫn phải tốn khá nhiều sức lực mới đưa được mẹ đi hết 4 tầng lầu. Ông Trương thường bế mẹ ra bờ sông ngồi, rồi kể cho bà nghe về những thay đổi của thành phố, hay về cuộc sống cũng như công việc của mọi người trong gia đình.
Người mẹ già yếu có vẻ rất hứng thú với những câu chuyện của con trai mình. Đôi khi, bà gắng gượng "ừ" một tiếng, hoặc dùng ngón tay cái chạm nhẹ vào người con như để tán thưởng, cổ vũ con nói tiếp. Điều này khiến cho ông Trương có cảm giác như đang được trở về tuổi thơ, được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ và được hưởng thụ cảm giác yên bình khi được mẹ xoa lưng vỗ về.
Có những lúc quá bận rộn, dù không thể ngồi nói chuyện trên trời dưới bể với mẹ, nhưng ông vẫn phải ghé qua nhà nhìn mẹ một chút rồi mới yên tâm đi làm việc khác.
Người con hiếu thuận chia sẻ, tất cả những việc ông làm không có gì đáng để mọi người ca tụng, bởi đó đều là việc mà ông nên làm. Ông cho biết: "Mẹ yên bình thì tôi mới yên tâm được. Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường ôm tôi trong vòng tay như vậy, bây giờ tuổi mẹ đã cao thì đến lượt tôi ôm lại mẹ rồi."
Đối với ông Trương, việc để mẹ nằm yên trong lòng mình, rồi được cầm lấy đôi tay gầy gò của bà là cả một niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là việc có ý nghĩa nhất mà ông có thể làm cho mẹ. Ông cảm thấy những cử chỉ tiếp xúc thân mật như vậy sẽ đem đến cho mẹ cảm giác an toàn và trở thành nguồn động viên lớn lao để bà vượt qua bệnh tật của tuổi già.