Đàn ông Trung Quốc cổ đại vì nghèo khổ nên không thể lấy vợ, họ phải làm sao để có người nối dõi tông đường?

HY LI,
Chia sẻ

Chế độ "Điển hôn" giúp những người đàn ông khổ cực cưới được vợ nhưng cũng thể hiện sự bất lực của xã hội Trung Quốc cổ đại.

Hầu hết những người đàn ông thời hiện đại đều thèm muốn được như người xưa có tam thê tứ thiếp. Nhưng họ lại không biết, thời cổ đại luôn có một sự thật đau lòng, chính là những nam nhân nghèo khổ sẽ không thể cưới được vợ. 

Cổ nhân rất xem trọng người nối dõi, Mạnh Tử có viết: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", nghĩa là bất hiếu có 3 loại, không có hậu duệ nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất. Từ đó có thể thấy rõ, thời cổ đại hoàn toàn không thể chấp nhận được chuyện không có con nối dõi. 

Vậy thì những đàn ông nghèo khó ngày xưa không đủ khả năng cưới vợ thì làm thế nào để có người nối dõi tông đường?

Vào thời nhà Nguyên thịnh hành một chế độ gọi là "Điển hôn". "Điển" trong từ "Điển đáng", nghĩa là cầm cố, thế chấp. "Điển hôn" mang ý nghĩa là một cuộc hôn nhân cầm cố. Chế độ hôn nhân này xuất hiện lần đầu ở thời nhà Hán nhưng đến thời nhà Nguyên mới phổ biến hơn. 

Đàn ông Trung Quốc cổ đại vì nghèo khổ nên không thể lấy vợ, họ phải làm sao để có người nối dõi tông đường? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vì gia cảnh túng thiếu, một số người đàn ông sẽ đưa vợ mình vào tiệm cầm đồ và cầm cố như một món hàng. Người phụ nữ đó sẽ rời khỏi tiệm cầm đồ nếu có người đưa ra mức giá phù hợp. Khi cô về gia đình của người mới, cô sẽ đảm nhận mọi trách nhiệm của một người con dâu trong nhà như giặt giũ, nấu nướng, quét nhà, gánh nước, đồng thời còn thực hiện nghĩa vụ nối dõi tông đường.

Mặc dù "Điển hôn" chỉ là một cuộc hôn nhân tạm thời nhưng cũng rất chú trọng vào các nghi lễ. Ngoài ra, "Điển hôn" còn bao gồm quá trình lập một "hợp đồng hôn nhân", trên hợp đồng ghi rõ thời gian, tiền thế chấp và giao kèo giữa các bên liên quan.

Thời gian "thuê" vợ thường từ 3 đến 5 năm và giá "thuê" tùy thuộc độ tuổi của người vợ và thời gian "thuê". Họ không được phép gặp gỡ và chung sống với người chồng ban đầu của mình. Một khi hợp đồng được thiết lập thì không thể bị phá bỏ.

Đàn ông Trung Quốc cổ đại vì nghèo khổ nên không thể lấy vợ, họ phải làm sao để có người nối dõi tông đường? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau khi sinh con, gia đình kia sẽ đưa người phụ nữ trở lại tiệm cầm đồ. Cô ấy sẽ tiếp tục ở đó, chờ một gia đình khác đến đưa đi. Cứ như thế, một vòng lặp xuất hiện không có điểm dừng. Những người phụ nữ ấy không chỉ không có quyền tự do cá nhân mà đến đứa bé mà họ đứt ruột đẻ ra cũng không còn là con của họ nữa. Đứa bé thuộc về gia đình đã từng đưa họ đi, thậm chí họ còn không có quyền đến thăm con mình. 

Mặc dù chính quyền nhà Nguyên đã hạ lệnh cấm chế độ hôn nhân này nhưng nó vẫn thường xuyên diễn ra trong dân gian. Đến cuối thời nhà Thanh, chế độ "Điển hôn" vẫn không hoàn toàn bị xóa bỏ. 

Đàn ông Trung Quốc cổ đại vì nghèo khổ nên không thể lấy vợ, họ phải làm sao để có người nối dõi tông đường? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Con người ngày nay xem chế độ hôn nhân này là hành vi đáng lên án nhưng vào thời cổ đại, họ xem đó là chuyện thường tình. Thời nhà Thanh, ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang, người dân gọi "Điển hôn" là "Điển thủy diện", người dân Liêu Ninh gọi là "Đáp hỏa" còn người Cam Túc gọi đó là "Tựu thê".

Chế độ hôn nhân này không những thiếu tôn trọng phụ nữ mà còn hủy đi nhân tính. Nó thể hiện sự bất lực của những kẻ nghèo hèn cũng là bi kịch của người phụ nữ thời cổ đại. Đối với những kẻ dám dùng vợ mình đổi lấy tiền bạc, e rằng khi người vợ về già cũng sẽ không được đối xử tốt.  

Nguồn: Toutiao, KKnews

Chia sẻ