Đan Lê tâm sự về thời niên thiếu: Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong gia đình thường xuyên bị bố đánh và mẹ mắng "Đồ sâu bọ"
"Hoàn cảnh của tôi có cá biệt hơn đôi chút. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đơn thân, bố mẹ tôi rạn vỡ khi tôi 10 tuổi, 6 năm sau bố mẹ tôi mới chính thức ly hôn..."
Đan Lê, sinh năm 1983, được biết đến là một MC và diễn viên. Vượt qua nhiều sóng gió trong tình yêu và hôn nhân, hiện nay cô đã tìm được hạnh phúc bình yên bên chồng Khải Anh và 2 cậu con trai kháu khỉnh.
MC Đan Lê luôn gây ấn tượng với khán giả bởi gương mặt đẹp, nụ cười tươi tắn cùng gu thời trang tinh tế và nhẹ nhàng, nữ tính. Tuy nhiên, cô gây bất ngờ khi tiết lộ về tuổi thơ lớn lên trong gia đình đơn thân và từng chịu cảnh "bố vụt liên tục vào đúng cánh tay mà gãy tan nát cả cái chổi quét nhà, tay tôi sau đó sưng phồng lên như bị bỏng" và "mẹ ít đánh hơn, nhưng những lúc điên quá sẽ tát và mắng là “Đồ sâu bọ”.
Đan Lê nghẹn ngào chia sẻ về tuổi thơ của mình sau khi xem xong chương trình "Cha mẹ thay đổi":
"Thời niên thiếu của tôi đây rồi
Tôi đã thốt lên như thế trong đầu khi mới xem đến phút thứ 8 của chương trình này.
Tôi nghĩ, chẳng riêng thời niên thiếu của tôi, đó sẽ là thời niên thiếu của hàng tỷ, hàng tỷ đứa trẻ qua nhiều thế hệ.
Hoàn cảnh của tôi có cá biệt hơn đôi chút. Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đơn thân, bố mẹ tôi rạn vỡ khi tôi 10 tuổi, 6 năm sau bố mẹ tôi mới chính thức ly hôn. Điều đó có nghĩa, tôi sống trong bối cảnh ngột ngạt của gia đình suốt 6 năm và cùng với đó mẹ tôi - người chăm lo chính cho tôi sẽ phải một mình gánh 2 vai, vừa vất vả hơn, vừa chuyên quyền hơn (Vì không có ai để chia sẻ hay bàn bạc) và cũng áp đặt hơn (Tôi nghĩ áp đặt cũng đúng, vì muốn dân chủ, muốn thảo luận, muốn trao đổi, tôn trọng con cái phải có thời gian, phải bình tĩnh.
Còn mẹ tôi - người phụ nữ mới 33 tuổi đã một nách 2 con, vừa lo kiếm tiền vừa chăm con, lại phải trải qua cú sốc hôn nhân, tình cảm ở thời đại 30 năm về trước... thì khó có thể bình tâm được).
Giống như người mẹ trong clip này, một giáo viên dạy nhạc, chị muốn con mình học nhạc. Mẹ tôi là một kế toán, mẹ cũng muốn tôi trở thành một kế toán.
Không phải nối nghiệp gì đâu (gia đình tôi công nhân viên chức quèn) mà vì mẹ tôi nghĩ đơn giản, kế toán là việc mẹ tôi giỏi nhất, mẹ có thể giúp tôi, hướng dẫn tôi.
Đây cũng là một nghề dễ kiếm việc, kể cả khi không phải người giỏi nhất thì tôi cũng vẫn có thể xin việc, sống một cuộc đời an toàn. (Tức là xuất phát điểm mong muốn của mẹ tôi giống như người mẹ này và rất nhiều người mẹ khác:“Nhưng rõ ràng ý mình là tốt mà”. “Vì lo cho con, nên mình yêu cầu con cố gắng học hành”. "Vì muốn con vững vàng trong cuộc sống” “Muốn nó chỉn chu mọi thứ để sau này nó có cuộc sống tốt hơn” ...).
Trớ trêu thay, tôi không hề có khiếu với những con số. Ác mộng của tôi là thi toán, tôi không thể nhớ nổi những dãy số có 6 chữ số trở lên khác nhau, tôi không thuộc được các công thức, các hằng đẳng thức, rồi phân số, số thập phân, hầm bà lằng gì đó ... đến giờ nhắc lại vẫn còn toát mồ hôi hột.
Thật sự với tôi, học các môn tự nhiên mệt hơn đi cày. Đã có lần mẹ tôi hỏi:“Học hay hót phân?”, tôi chọn vế thứ 2.
Suốt cuối những năm cấp 2, rồi cấp 3 và sau đó là lên cả Đại học với tôi là những chuỗi ngày dằn vặt, đấu tranh, bị đàn áp, đấu tranh rồi lại bị thuyết phục (kèm theo cả đàn áp).
Tôi đam mê nghệ thuật từ khi còn rất nhỏ, tôi thích hát, múa, biểu diễn... nhưng tôi chưa bao giờ được học bất cứ thứ gì liên quan đến nghệ thuật, tất cả tôi chỉ học mót, nhìn người ta rồi bắt chước. Vậy mà tôi luôn được tuyển vào đội văn nghệ và đi thi khắp nơi có giải.
Bây giờ lớn rồi, hiểu đời hơn, tôi biết mẹ tôi quãng thời gian ấy chắc đau khổ với tôi lắm. Mẹ chạy vạy khắp nơi, gửi gắm tôi tất thảy các thầy cô dạy Toán - Lý - Hoá. Có thầy còn là Trưởng khoa Trường Kinh tế Quốc dân, vì thương quý mẹ tôi lắm mà phải nể tình kèm 1:1 Toán cấp 3, cho đứa học lực trung bình như tôi.
Tôi như “Cóc bỏ đĩa”, tức là mẹ cứ bắt mình, để vào cái đĩa Toán - Lý - Hoá (sau này có giảm yêu cầu xuống còn Toán - Văn - Ngoại ngữ), được ít lâu tôi lại nhảy ra hát hò với múa may quay cuồng.
Cuối cùng mẹ tôi cũng phải nhượng bộ tôi 1 phần, mẹ đồng ý cho tôi thi ban C với các môn tôi có thể học tốt hơn (trung bình trên 8; 9) là Văn - Sử - Địa. Tôi thi thừa điểm Phân viện Báo Chí và Tuyên Truyền lúc bấy giờ, nhưng phải đến năm thứ 2, khi chúng tôi phân ngành, cuộc đời tôi mới được “cứu vớt”.
Nhờ ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, mẹ cho phép tôi chuyển sang học Truyền hình dù đã đăng ký vào Báo viết. Ở Truyền hình có sự giao thoa giữa mong muốn của 2 mẹ con tôi. Không phải ngành nghề liên quan đến nghệ thuật - Nhưng vẫn có tính biểu diễn.
Chuyện sau đó như thế nào chắc nhiều người cũng đã biết.
Còn tôi, trong ký ức, tôi đã có một thời niên thiếu đầy nước mắt bởi sự ương bướng của mình (Cụ thể là không tuân theo sắp xếp của bố mẹ. Mà làm sao nghe lời được khi mong ước của tôi và bố mẹ là không giống nhau). Tôi là đứa con gái bị đánh đòn nhiều nhất trong những đứa con gái mà tôi biết. Tất nhiên hoàn cảnh cũng có 1 phần tác động (khi cha mẹ không hạnh phúc, họ dễ trút bực tức lên đầu con cái, chúng ở gần và không biết phản kháng). Tụi con trai thường hay bị đánh vì nghịch ngợm, còn tôi, tôi hay bị đánh vì lì.
Có lần tôi bị bố đánh, tôi ngồi yên 1 chỗ, giơ cánh tay lên đỡ, bố tôi chỉ vụt liên tục vào đúng cánh tay đó mà gãy tan nát cả cái chổi quét nhà, tay tôi sau đó sưng phồng lên như bị bỏng, tôi vẫn ngồi đấy, không kêu, không nói 1 lời, chỉ chảy nước mắt. Lũ bạn tôi thì bám đầy ngoài cửa sổ, khóc lóc thảm thiết xin tha cho tôi. Bố tôi sau đó có lẽ vì bất lực mà không đánh nữa, tôi mới đứng lên.
Sau này, tôi vẫn nhớ về những trận đòn và tự hỏi: Sao mình không kêu khóc, sao mình không tỏ ra sợ hãi hoặc xin lỗi, kể cả những lỗi không phải của mình cho xong ... nếu biết làm vậy, có lẽ tôi đã không ăn đòn nhiều thế. Mẹ ít đánh tôi hơn, nhưng những lúc điên quá sẽ tát và mắng tôi là “Đồ sâu bọ”. Đấy là điều tôi nhớ nhất. Đau hơn cả tát.
Chuyện là thế, nhưng có lẽ, tình yêu của những đứa con đối với cha mẹ luôn thuần khiết, như cách 2 đứa con tôi, chúng yêu tôi, dù đôi khi tôi cũng chịu di chứng của quyền làm mẹ. Hoặc giả, cũng có thể do tôi may mắn, tôi may mắn vì mẹ không bỏ rơi tôi, vì bẩm sinh tôi đã có sức mạnh trong thể chất và tinh thần, tôi có thể đau và quên, đau rồi lành liên tục chứ không trở nên cay nghiệt. Nhưng điều đó không có nghĩa tất cả những đứa trẻ như tôi sẽ có kết cục giống tôi.
Ở những tháng năm mà lúc ấy tôi cho rằng đen tối, tôi có thể ấm ức, có thể oán trách ông trời, thậm chí có thể muốn chết, nhưng chưa bao giờ oán hận cha mẹ mình. Tôi thương mẹ tôi nhất. Tôi sợ mẹ tôi buồn nhất. Điều tôi muốn chỉ là mẹ có thể hiểu và tôn trọng quyết định của tôi hơn - dẫu quyết định đó có không giống ý mẹ tôi.
Tôi mong mẹ dũng cảm, không suy diễn, ít chạnh lòng (dù biết khó) khi đọc những dòng này. Mẹ hãy tin rằng, tôi hiểu và trân trọng những vất vả mà mẹ phải vượt qua khi một mình nuôi tôi khôn lớn.
Đó là số phận, không thay đổi được, tôi chấp nhận và biết ơn vì những gì đã qua mang tôi đến ngày hôm nay.
Tôi chia sẻ câu chuyện này với một tâm thế bình an, không hề trách cứ. Chỉ là tôi nghĩ: Luôn có nhiều cách khác để đi đến đích. Hi vọng câu chuyện của mình, của chị Trang, sẽ góp phần nhỏ thay đổi cuộc đời những đứa trẻ trong tương lai. Dẫu cách của mẹ tôi cũng đủ giúp tôi trưởng thành vững vàng.