Dân công sở xôn xao chuyện thưởng dịp nghỉ lễ
Ngày lễ 2/9 đã cận kề. Ngoài việc bàn nhau về chuyện được nghỉ mấy ngày, đi chơi ở đâu, như thế nào, chủ đề xôn xao nhất được dân công sở nói đến những ngày gần đây chính là chuyện tiền thưởng.
Đa dạng mức thưởng
Trên các diễn đàn, hàng loạt topic được lập ra xôn xao về chuyện thưởng 2/9. Mọi người rào rào hỏi nhau xem năm nay được thưởng bao nhiêu, thưởng như thế nào, có bị cắt thưởng hay không?
Theo truyền thống, ngành ngân hàng vẫn là ngành chi "đậm tay" nhất cho nhân viên trong việc thưởng dịp lễ này. Trước đây, các ngân hàng thưởng cho nhân viên rất "đậm". Năm nay, nhiều ngân hàng lao đao, mức thưởng cũng giảm đi. Tuy nhiên, những ngân hàng thuộc top trên vẫn chi cho nhân viên một khoảng tiền thưởng kha khá.
Nhiều nhà băng thuộc các ngân hàng “top” chia sẻ: "mức thưởng của ngân hàng mình là nửa tháng lương, tương ứng từ 2 triệu đồng tới hai chục triệu đồng tùy vị trí, thâm niên". Hầu hết các ngân hàng cỡ trung khác cũng chi cho nhân viên 1 triệu đồng hoặc ít cũng phải 500 ngàn đồng cho dịp 2/9. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng được như vậy.
Trên diễn đàn dành riêng cho các banker, một thành viên chia sẻ : “Ngân hàng mình lương còn cắt giảm, lấy đâu ra tiền thưởng cho nhân viên ngày này”. Một bạn khác bình luận “Ngân hàng mình không bao giờ có khái niệm thưởng 2/9; 30/4 gì hết”.
Thưởng mùng 2/9 đang là chủ đề khiến dân công sở xôn xao - (Ảnh minh họa).
Mức thưởng lễ ở các doanh nghiệp khá đa dạng, chủ yếu vẫn là thưởng 200 - 500 ngàn đồng. Có nơi cắt luôn, không có thưởng. Như công ty X, đợt nghỉ 2/9 năm ngoái, mỗi nhân viên được 500 ngàn đồng, nhưng năm nay trong thông báo về lễ 2/9 từ phòng nhân sự, đơn giản chỉ có lịch nghỉ 3 ngày, không nhắc tới chuyện thưởng khiến mọi người đều có chút hụt hẫng.
Vô vàn hình thức thưởng
Hình thức thưởng 2/9 của các doanh nghiệp cũng rất đa dạng, phong phú. Đa số là thưởng tiền, trực tiếp đưa tiền mặt hoặc đổ tiền vào ATM cho nhân viên. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều hình thức thưởng độc đáo.
Công ty của chị Liên (Hà Nội) thưởng cho nhân viên 200 ngàn đồng kèm với một hộp bánh trung thu do dịp lễ Quốc Khánh năm nay sát với ngày rằm tháng 8. Công ty anh Hùng (Bình Dương) thì tặng cho mỗi nhân viên một két nước ngọt, nhân tiện giải phóng luôn kho hàng ế ẩm của công ty. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tổ chức cho nhân viên đi du lịch, hoặc đi ăn một bữa liên hoan. Tuy nhiên, chính sách ai không đi không được hoàn tiền lại làm khá nhiều người phải chịu thiệt. Chị Hoa (Hải Phòng) chia sẻ: “2/9 công ty chẳng thưởng gì, chỉ cho nhân viên tụ họp ăn một bữa buffet. Hôm đó gia đình mình có việc bận không đi được, sếp cũng không cho nhận tiền. Tự dưng mất không mấy trăm ngàn thưởng.”
Ngoài thưởng tiền, các công ty còn vô vàn hình thức thưởng độc đáo - (Ảnh minh họa).
Theo khảo sát, hình thức được nhiều công ty ưa chuộng nhất năm nay để thưởng dịp lễ này là tặng nhân viên sản phẩm của chính công ty mình. Theo như các sếp nói, đó là việc làm nhằm ủng hộ công ty, làm tăng thêm văn hóa công ty. Còn theo cán bộ công nhân viên, đó chẳng qua là việc làm nhằm "giải phóng" hàng ế, hàng tồn kho mà thôi. Anh Dũng (TP. Hồ Chí Minh) làm việc cho một công ty cà phê còn kể: “Trong gói quà công ty tặng tôi, có những hộp cà phê chỉ còn 4, 5 tháng nữa là hết hạn sử dụng.”
"Tiền thưởng thì ít, tiền tiêu thì nhiều"
Đó là lời than vãn của đa số dân công sở những ngày sát lễ.
Theo thống kê, giá vé xe tại các bến xe trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng 40% trong dịp lễ này. Với mức thưởng chỉ khoảng 2 - 3 trăm ngàn đồng, thậm chí nhiều công ty không có tiền thưởng, hầu như dân công sở ngoại tỉnh không đủ để trang trải chi phí tàu xe về quê. Chưa kể dịp 2/9 năm nay gần với rằm trung thu nên nhiều chị em công sở đã rục rịch tính chuyện mua quà biếu sếp. Lúc đó, khoản thưởng nếu có khó mà bù lại được khoản chi.
Chị Hương – một nhân viên công ty truyền thông tại Hà Nội chia sẻ: “2/9 cả vợ cả chồng cộng lại được thưởng 500 ngàn đồng. Vợ chồng con cái dắt díu nhau về quê nội ở Nghệ An. Tiền vé cả đi cả về vị chi gần 2 triệu. Nhà tôi “móm” nặng. Đấy là chưa kể tới tiền quà cáp cho gia đình ở quê cũng tiêu tốn kha khá".
Một số người còn thêm khoản "thưởng lễ cho ô sin" và tiền tàu xe cho ô sin về quê. Một nickname trên diễn đàn W chia sẻ "Hai vợ chồng chẳng được thưởng đồng nào mà phải chi 500 ngàn đồng cho ô sin về quê. Chưa kể tiền vé tàu cho bà ấy về quê mất 150 ngàn đồng. Vợ chồng đi tong gần triệu đồng."
Sếp thưởng một, nhiều người phải "đi" lại sếp mười, tính đi tính lại đâm ra lỗ vốn - (Ảnh minh họa).
Ngày lễ, nhiều gia đình có nhu cầu đi chơi, đi du lịch. Năm nay được nghỉ 3 ngày liền, các gia đình muốn đi chơi xa một chút. Khu vực miền Bắc, mọi người đổ xô về các vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, hoặc lên Sa Pa hưởng không khí mát mẻ. Người dân TP. Hồ Chí Minh thì lựa chọn Đà Lạt, Vũng Tàu làm điểm dừng chân cho dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, việc các khu du lịch lợi dụng ngày lễ để tăng giá cũng là một vấn nạn khiến mọi người phải đau đầu. Với số tiền thưởng ít ỏi, tiền lương bị cắt giảm, tính toán để có một kỳ nghỉ vui vẻ, phải chăng là một bài toán cực kỳ khó.