Đám cháy tan, những giọt nước mắt còn ở lại
Người ta gọi lính chữa cháy là những người “kỳ lạ” lắm. Những người toàn “ngược chiều” trong cuộc sống này.
Chiều 1/8/2022, những tiếng còi xe chữa cháy vang lên, khẩn thiết, khắc khoải trong cái nóng bỏng rát ở Thủ đô Hà Nội, những người lính chữa cháy tức tốc đến hiện trường làm nhiệm vụ nhanh như làn gió. Và cũng trong buổi chiều định mệnh ấy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chúng tôi bàng hoàng, đau đớn, hụt hẫng trước tổn thất tinh thần quá lớn khi 3 đồng chí đã hy sinh…
Khó có thể nói hết được cảm xúc của chúng tôi khi ấy. Khi mà ngập tràn News feed các mạng xã hội, các trang truyền thông, báo chí là những dòng tin, những hình ảnh thương tâm, mất mát lớn lao và đau xót từ vụ cháy. Gắn bó với nghề bao năm, lang thang theo bước chân những người lính chữa cháy trên khắp mọi miền đất nước, thấu hiểu công việc của họ bao nhiêu thì mỗi lần nghe tiếng chuông báo cháy và tiếng còi xe “ra trận”, tâm trạng tôi lại đầy những lo toan, nhức nhối:
Mỗi đoàn xe ra tuyến lửa
Tim ta nhức nhối, nghẹn ngào
Giữa trùng khơi kia biển lửa
Ai biết sinh tử lúc nào..
Khói độc chất ngất tầng cao
Đồng đội đang ở nơi nao
Cứu cái còn trong cái mất
Khi giông bão lửa thét gào...
Ai đã từng gắn bó với lính chữa cháy, từng ăn những bữa cơm cùng họ; từng ngồi trên chiếc xe chữa cháy khi đến hiện trường; từng chứng kiến những giây phút họ giành giật sinh mạng của người dân trước tử thần trong trùng vây biển lửa dưới cái nóng hàng nghìn độ; từng chứng kiến họ ngâm mình trong dòng nước sâu, chảy xiết trong giá lạnh tới 0ºC để cứu người hay tìm kiếm thi thể nạn nhân; từng chứng kiến họ đu mình trong “sợi dây sinh tử” để xuống dưới hang sâu, vực thẳm kiếm tìm từng thi thể đang thối rữa hay giải cứu nạn nhân trong môi trường thiếu dưỡng khí và ôxy… mới có thể cảm nhận được những hy sinh lớn lao không nói thành lời từ những cống hiến lặng thầm của họ vì bình yên cuộc sống.
Lính chữa cháy - họ cũng là những con người bằng thịt, bằng xương, sinh ra từ dân, vì dân mà phục vụ, vì dân mà hy sinh. Giản đơn là vậy đó. Khi thực hiện nhiệm vụ, chuyện trầy xước, thương tích, di chứng, thậm chí phải hy sinh cả sinh mạng của chính mình để mang lại bình yên cho cuộc sống là những lẽ thường tình…
Theo báo cáo của Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 884 vụ cháy, trong đó lực lượng Công an trực tiếp tham gia chữa cháy 848 vụ, cứu nạn, cứu hộ 430 vụ, cứu được 288 người, hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người; phát hiện, xử lý trên 3.600 trường hợp vi phạm. Nhiều vụ cháy gây chết nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình nhưng nguyên nhân chỉ xuất phát từ thói quen, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ…
Bao nhiêu vụ cháy và tai nạn, sự cố là bấy nhiêu những vất vả, hy sinh lặng thầm của lính chữa cháy. Bao nhiêu vụ cháy và tai nạn, sự cố là bấy nhiêu lần những giọt nước mắt rơi theo cấp số nhân.
Đám cháy tan, tai nạn, sự cố qua rồi nhưng những giọt nước mắt vẫn còn ở lại… Đó là những giọt nước mắt tiếc nuối, xót xa trước những thiệt hại về vật chất từ vụ cháy của những người dân, chủ cơ sở nơi xảy ra cháy. Tài sản tích cóp cả đời có thể chỉ một phút bất cẩn mà tan thành tro bụi.
Những giọt nước mắt tiếc nuối, xót của, những bàn tay trắng bới lật tàn tro tìm những gì còn sót lại trong tro tàn, đổ nát đầy ám ảnh. Đó là những đau đớn đến tột cùng khi vụ cháy xảy ra cướp đi sinh mạng của biết bao người.
Chứng kiến đau đớn của những người ở lại khi mất đi người thân của chính mình, những tiếng gào thét đớn đau đến xé lòng, những hình ảnh thương tâm đầy ám ảnh như chạm, như khắc vào tâm can người ở lại. Mất của, mất nhà, mất tài sản vì cháy, nổ là một chuyện nhưng thiệt hại về người là mất mát lớn lao nhất, không gì bù đắp được.
Đó là những giọt nước mắt của cộng đồng người dân trên khắp mọi miền đất nước bày tỏ sự tiếc thương vô hạn, những nuối tiếc xót xa sau mỗi vụ cháy với những gì đã mất. Đó là những giọt nước mắt vỡ òa trong vui mừng, hạnh phúc của cộng đồng khi những người lính chữa cháy thành công “cứu cái còn trong cái mất”, “tái sinh” cho biết bao người giữa biển lửa hay sự cố giữa trùng khơi…
Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện trên môi của lính chữa cháy khi họ truyền hơi thở, nhường mặt nạ cho dân, cõng dân vượt qua biển lửa, tái sinh người dân thêm một lần nữa. Là những giọt nước mắt mặn đắng bờ môi lính chữa cháy khi mặt mũi lấm lem khói bụi, thương tích đầy mình, bàn tay lột từng mảng da đau đớn lửa hung tàn đang hoành hành mà nơi đó còn nhiều người, nhiều tài sản các anh chưa cứu được. Là những giọt nước mắt ngậm ngùi, đau xót, tự dằn vặt, trách mình khi mỗi vụ cháy hay tai nạn, sự cố xảy ra mà thiệt hại tính mạng của người dân, các anh không giải cứu được…
Và hôm nay, thêm một lần nữa, đám cháy tan rồi, giặc lửa đã lui nhưng nước mắt vẫn tuôn rơi mãi, nghẹn ngào trái tim đồng đội và người thân, nhân dân trong đớn đau mất mát. Các anh - 3 người lính chữa cháy quả cảm đã ra đi mãi mãi trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chiều ngày 1/8/2022.
“Khó có thứ ngôn từ nào tả xiết, khó có hạn định thời gian và chính sách nào bù đắp, lấp đầy nỗi đau của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và những đứa trẻ mất cha. Nỗi đau đầy hơn khi người thiếu phụ mất đi chỗ dựa duy nhất của đời mình. Nỗi đau còn hiện diện trên mọi trang báo, trong hàng vạn dòng trạng thái của mỗi người dân trong những ngày qua. Bên tượng đài, những đoá hoa lặng lẽ đặt xuống, cũng bởi những tấm lòng đang trĩu nặng xót xa”…
Lính chữa cháy không đơn thuần là cầm lăng, cầm vòi phun nước vào đám cháy… Người ta gọi lính chữa cháy là những người “kỳ lạ” lắm. Những người toàn “ngược chiều” trong cuộc sống này. “Người ta chạy đi mình chạy lại”. Người ta thoát ra khỏi hiểm nguy thì mình lại lao vào. Người ta chạy xuống thì mình chạy ngược lên tầng cao. Người ta vứt bỏ những gì xung quanh để chạy đi cho nhanh khỏi chỗ nguy hiểm thì mình lại chạy vào mang, vác, bưng bê, ôm lấy tất cả vào lòng rồi lấy thân mình mà che chở. Người ta quý từng hơi thở thì mình lại truyền hơi thở của chính mình giành giật lấy từng sinh mạng trước tử thần…
Trước mỗi tai nạn, sự cố xảy ra, nạn nhân thường cầu nguyện Đức Phật từ bi hay là “thiên sứ” đến giải cứu cho họ. Đức Phật và “thiên sứ” vô hình không thấy được, chỉ có những người lính chữa cháy bằng thịt, bằng xương, lao vào khói lửa che chở và tái sinh. Sự xuất hiện của họ đem lại niềm hy vọng được cứu thoát đối với người không may trong cơn hoạn nạn.
Họ là những người mà mỗi lần nghe chuông báo cháy, tiếng còi xuất quân, chẳng bao giờ có đủ thời gian nói lời tạm biệt với vợ, với mẹ, với con mình… Không người thân nào chắc chắn lời nói của họ với mình có phải là lời cuối không trước mỗi trận chiến đấu với giặc lửa. Họ là những người mà tôi biết rằng, đã rất nhiều lần phải trải qua những cuộc đấu tranh tâm lý khủng khiếp, những ám ảnh khủng khiếp sau mỗi vụ chữa cháy, cứu nạn.... những câu chuyện chẳng bao giờ được kể.
Họ là như vậy đó. Những người lính luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Thứ năng lượng sẵn sàng xông pha, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chở che từ những sinh linh bé nhỏ vì bình yên cuộc sống. Dường như, họ được sắp đặt trong cuộc đời mình một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả - sứ mệnh của những “thiên sứ” giữa đời thường. Sự ra đi của họ để đổi lấy bình yên, để tái sinh cho bao người được sống.
Dẫu rằng không ngăn được những giọt nước mắt xót đau vẫn nghẹn ngào tuôn chảy không chỉ hôm nay mà còn ở mai sau, nhưng vẫn mong rằng chúng ta - những người ở lại sống sao cho xứng đáng để sự ra đi của các anh không vô nghĩa, để cuộc sống này hạn chế đi những giọt nước mắt tuôn rơi sau mỗi vụ cháy…
Hà Nội, 4/8/2022
Một ngày Thu buồn.