Uớc mơ dang dở của 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh thân mình cứu 8 người trong vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội
3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh cứu sống 8 mạng người, vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến người ta khắc khoải khôn nguôi...
Sáng 2/8, nhiều người thân, anh em họ hàng, đồng nghiệp đang có mặt tại khu tập thể C3 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, nơi gia đình chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Đình Phúc - một trong 3 chiến sĩ tử vong trong vụ cháy, để động viên thăm hỏi.
Chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc: Đứa con trai duy nhất, giỏi 2 thứ tiếng
Căn nhà tập thể của gia đình Phúc chỉ rộng vài chục mét vuông, cũng là nơi gia đình làm cơ sở kinh doanh đồ ăn chay. Hàng ngày Phúc thường tranh thủ thời gian phụ mẹ làm đồ để bán hàng.
Chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc
Thời gian này, em là sinh viên trường Đại học Hà Nội đang bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Công an. Ngoài ra chàng trai còn được nhiều bạn bè biết đến bởi giỏi hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ của chiến sĩ Phúc, đau buồn ngồi khép mình trong căn nhà, bà chỉ còn đủ sức gật đầu mỗi khi có người đến.
Theo người mẹ, gia đình có 3 chị em, trên Phúc có 2 chị, Phúc là con út trong gia đình, cha mất sớm nên từ bé em đã có ý thức học tập và chăm ngoan, học rất giỏi. Phúc mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành giảng viên ngoại ngữ hoặc đi du học Nhật Bản.
Bà Hạnh cho biết thêm, tháng 2/2022, Phúc bắt đầu thực hiện nghĩa vụ tại lực lượng Cảnh sát PCCC Công an quận Cầu Giấy. Từ khi đi nghĩa vụ đến nay, con trai bà Hạnh ít về nhà, chỉ thỉnh thoảng có công việc gì thì tạt qua một lát.
“Từ ngày ấy, bữa cơm cuối cùng gia đình ăn cùng nhau cũng là ngày đưa con đi nghĩa vụ. Thấy con năng nổ, có trách nhiệm và được rèn luyện nghiêm túc, tôi cũng mừng vì môi trường của người lính sẽ giúp con trưởng thành, nào ngờ…”, bà Hạnh đau buồn.
Nói xong, người mẹ tự an ủi về sự ra đi quá vội vàng của con trai và nói rằng, cuộc sống và công việc gì cũng có những rủi ro, không ai lường hết trước được nên khi con mất, bà rất đau đớn nhưng được an ủi phần nào vì con đã hy sinh cao cả trong lúc cứu người, thi hành nhiệm vụ.
“Tôi nghĩ không ai có thể đoán trước được điều gì, nếu cứ nghĩ và sợ thì chắc chắn con sẽ không lao vào nguy hiểm để cứu người, sự cố bất ngờ là điều không ai mong muốn.
Ai ở trong hoàn cảnh của tôi lúc này cũng rất đau xót. Tôi cũng phần nào được an ủi và tự hào vì con tôi và đồng đội đã biết hy sinh sự sống của mình để cứu người khác, không phải cứu 1 người mà là 8 người nên tôi rất tự hào về con”, bà Hạnh xúc động.
Trung úy Đỗ Đức Việt: Cha thẫn thờ nhận tin dữ của con trai
Còn tại nhà tang lễ Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, nhiều người cũng đang có mặt để phối hợp lo các thủ tục cuối cùng cho Trung úy Đỗ Đức Việt. Lúc này cha của Trung úy Việt với gương mặt thẫn thờ, thi thoảng ông mới dám nhìn về phía trong nơi thi thể con trai đang được quàn.
Trung úy Đỗ Đức Việt
"Tôi nhận được thông báo, chú ơi, cháu nghe tin Việt đi chữa cháy gặp nạn, chú đến bệnh viện ngay nhé", người cha thuật lại câu nói qua điện thoại rồi gạt nước mắt.
Sau cuộc điện thoại ấy, người cha bắt xe ôm đến bệnh viện, trên đường chỉ nghĩ con mình bị thương, nhưng đến nơi thì thấy mọi người báo tin buồn.
"Dù gia đình lo lắng nhưng biết con rất thích nghề lính cứu hỏa, chúng tôi chỉ biết ủng hộ. Chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ ra đi như vậy", người cha nói.
Trung tá Đặng Anh Quân: Mẹ già có mỗi đứa con để trông chờ
Tại gia đình Trung tá Đặng Anh Quân, người bạn của anh cho biết, đã làm việc cùng anh Quân 17 năm trong nghề chữa cháy. Cả hai cùng nhau trải qua bao nhiêu nhiệm vụ, từ những vụ cháy nhỏ, đến những vụ cháy lớn lúc nào anh Quân cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
“Tôi không thể tin được khi nhận tin báo Quân qua đời, lúc đầu tôi chỉ nghĩ mọi người bị thương thôi, thế mà trong một ngày tôi mất đi 3 đồng đội”, người bạn kể lại.
Anh Quân là người hiền lành, hòa nhã. Trong cuộc sống, anh hay quan tâm mọi người, còn trong công việc là người cẩn thận, nghiêm khắc.
“Mọi người nhìn có thể thấy, hàng xóm láng giềng đến rất đông, hằng ngày anh ấy sống với mọi người thân thiện lắm, sự việc không may xảy đến là một mất mát rất lớn với ngành chữa cháy, bạn bè và gia đình".
Bà Nghiêm Thị Minh (84 tuổi), người hàng xóm tiếc nuối, chia sẻ, anh Quân là người hiền lành, thân thiện, gặp người lớn lễ phép chào hỏi. Mất bố từ nhỏ, anh sống rất tình cảm, hiếu thảo với mẹ.
“Mẹ già có đứa con trai để trông vào, giờ nó mất rồi không biết bà ấy sống như thế nào đây”, bà Minh thở dài chia sẻ.
Trung tá Đặng Anh Quân
Chia sẻ với PV, ông Đặng Văn Thu (SN 1963), chú họ của Trung tá Đặng Anh Quân, cho biết, anh Quân sinh năm 1977, khi lên 3 tuổi thì anh Quân mồ côi cha.
Cha của anh là một nông dân, sinh ra và lớn lên ở phường Láng Thượng, khi đó là làng Láng nổi tiếng với đặc sản húng Láng. Trong một lần mua vôi về xây nhà, cha của anh Quân ngã xuống hố và tử vong sau đó.
Nhà có hai anh em, em gái của Trung tá Quân sinh năm 1978. Hai anh em đều do người mẹ tần tảo chăm nuôi từ nhỏ.
Trước đó, khoảng 13 giờ 15 ngày 1/8, Trung tâm chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận tin báo xảy ra vụ cháy tại quán karaoke ISIS đã điều động 10 xe chữa cháy cùng hơn 60 cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thuộc Công an Q.Cầu Giấy và các đơn vị lân cận đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn.
Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hướng dẫn, cứu hộ 8 người ra ngoài an toàn, sau đó quay lại để cứu hộ, cứu hỏa. Khi 3 chiến sĩ lên tầng 4 thì cầu thang bị sập, cắt đứt đường vòi chữa cháy, đồng thời trần nhà sập xuống đè vào người khiến cả 3 chiến sĩ hy sinh tại chỗ.
Ngay sau vụ việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới lực lượng Công an nhân dân và gia đình ba cán bộ, chiến sĩ Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc.
Sáng nay, Chủ tịch Hà Nội cũng có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy, tham mưu, đề xuất khen thưởng để truy tặng 3 chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ.