Bộ phim của tôi:

"Daisy": Nếu yêu ai đó, xin hãy ngỏ lời!

Hải Anh,
Chia sẻ

"Nếu yêu ai đó, xin hãy ngỏ lời!" - đó là một lời nhắn nhủ chợt đến với bạn khi bạn xem xong "Daisy".

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng những mối tình đơn phương cũng có nét đẹp riêng của nó: nét đẹp của sự câm lặng. Đó là nét đẹp khi bạn lặng lẽ ngắm nhìn một ai đó, tận hưởng nụ cười của họ như thể nụ cười ấy dành riêng cho mình; quan tâm đến họ dù họ không bao giờ biết; bảo vệ họ mặc cho họ chẳng bao giờ nhận ra... Tình đơn phương có đôi khi biến bạn trở thành con người cao thượng, vị tha và kiên nhẫn hơn. Thế nhưng có một điều mà tôi luôn chắc chắn rằng, tình đơn phương sẽ khiến bạn đau khổ, tình đơn phương cũng có thể gây ra những bi kịch mà bạn không bao giờ ngờ tới.

Có một mối tình đơn phương như thế diễn ra trong Daisy -  một bộ phim được quay ở Amsterdam (Hà Lan), của đạo diễn Hồng Kông (Lưu Vĩ Cường) nhưng đậm chất Hàn Quốc với dàn diễn viên "trong mơ" như Jun Ji Hyun, Jung Woo Sung, Lee Sung Jae...



"Daisy" (2006) trailer

Chủ nhân của mối tình đơn phương trong phim là Park Yi (Jung Woo Sung), một gã sát thủ chuyên nghiệp có nụ cười đẹp trai như tài tử. Park Yi, một cách rất tự nhiên và tình cờ đã đem lòng yêu một cô họa sĩ đường phố có nụ cười trong veo Hye Young (Jun Ji Hyun). Park Yi thuê một căn hộ giữa quảng trường Amsterdam chỉ để ngày ngày, từ ô cửa sổ nhà mình, gã có thể thoải mái ngắm nhìn cô họa sĩ miệt mài trên giá vẽ, nở nụ cười với khách du lịch hay nhâm nhi một tách cà phê lúc chiều muộn.



Vì yêu cô họa sĩ, gã sát thủ suốt ngày ám mùi thuốc súng cũng tập tành trồng hoa cúc dại, thứ hoa đã bắt đầu cho tình yêu của gã và cô. Gã gửi hoa cúc dại đến trước cửa nhà cô mỗi ngày, vào đúng 4h15' buổi chiều (tượng trưng cho ngày 15/4 - ngày cô họa sĩ mở triển lãm tranh). Park Yi trồng hoa cúc dại vì mỗi lần ở cạnh thứ hoa đó, gã tưởng như có thể quên đi mùi thuốc súng trên người mình. Và gã đã mơ, một ngày gã gặp cô, cô gái ấy cũng phảng phất mùi hoa cúc dại...


Thế nhưng khi ngày ấy còn chưa kịp đến, một người đàn ông lạ mặt khác đã đến bên cô và thế vị trí của gã. Trái với gã, người đàn ông đó là Jung Woo (Lee Sung Jae) - một cảnh sát Hàn Quốc làm việc cho Interpol. Cô họa sĩ đem lòng yêu anh cảnh sát Jung Woo và nghĩ anh chính là người đàn ông bí mật hàng ngày gửi hoa cúc dại đến trước cửa nhà mình. Còn Park Yi, gã lại chìm vào bóng tối cô đơn đậm đặc mùi thuốc súng của đời gã, ghen tỵ khi thấy nụ cười trong veo của cô họa sĩ bây giờ đã có chủ...



Mối tình câm lặng của Park Yi mãi cũng chẳng thể nói ra, dù nhiều thay đổi sau đó đã khiến gã có cơ hội lại gần cô gái mà gã yêu. Gã đã ở bên cô trong những lúc cô đau đớn và tổn thương nhất, chăm sóc và bảo vệ cho cô bằng tất cả những gì gã có, chỉ có điều duy nhất mà gã không thể làm được, đó là một lời nói "anh yêu em"...

Daisy là một câu chuyện tình buồn, một câu chuyện cũ mà bạn có thể đã gặp qua trong những kịch bản phim nào đó. Tình tiết phim và cả đoạn kết bi kịch hoàn toàn có thể đoán trước được, nhưng có lẽ điều đó vẫn không thể ngăn bạn khỏi những giọt nước mắt khi xem phim.



Có thể nói điều được làm tốt nhất trong bộ phim này chính là những hiệu ứng hình ảnh. Bối cảnh Amsterdam trở nên hòa hợp tuyệt vời với câu chuyện, kiến trúc gothic của đường phố hòa quyện trong những gam màu xám ảm đạm, màu trắng tinh khiết của những bông cúc dại hay màu xanh vô tư trong vắt của nền trời. Thi thoảng, bối cảnh di chuyển từ Amsterdam đến ngôi làng trong hồi ức của Park Yi và Hye Young, cùng cánh đồng hoa cúc dại bạt ngàn đẹp như tranh vẽ.



Yếu tố màu sắc của các loài hoa cũng được sử dụng như một bức thông điệp trong Daisy. Nếu như màu đen của hoa tulip - thứ hoa được đặt trước cửa nhà Park Yi mỗi khi hắn được ông chủ giao nhiệm vụ tượng trưng cho bóng tối và những tội ác thì màu trắng của hoa cúc dại tượng trưng cho tình yêu và khát vọng. Những bông hoa nhỏ xinh ấy cũng trong sáng và đẹp đẽ như mối tình mà Park Yi dành cho cô họa sĩ, và cũng là khát vọng được hoàn lương, được sống trong thế giới "không thuốc súng" của tên sát thủ.

"Hey" - ca khúc nhạc phim "Daisy" (2006)

Tiết tấu phim chậm, tựa hồ như một bản nhạc cổ điển u sầu - thứ nhạc mà gã sát thủ rất thích nghe. Thoại phim ít và chủ yếu tập trung vào lời kể của các nhân vật. Tuy diễn xuất của dàn diễn viên khó có thể chê nhưng nhân vật của họ chưa đủ độ sâu. Ngoài ra kịch bản phim cũng luôn khiến người xem có một cảm giác "thiếu vắng điều gì đó", những yếu tố giúp họ có thể "cảm" được phim như một bi kịch của đời thực chứ không phải một câu chuyện hoàn toàn màn ảnh.



Dẫu vậy, đây vẫn là một bộ phim đáng xem, đặc biệt với những fan của điện ảnh châu Á, của Jung Woo Sung, Jun Ji Hyun. Hơn thế nữa, đây cũng là một câu chuyện rất đáng suy ngẫm về tình yêu đơn phương. Mối tình câm lặng của Park Yi trong phim rất đẹp, nhưng là cái đẹp trong đau đớn và bi kịch. Nỗi đau ấy đặt cho người xem một câu hỏi, rằng có nên chăng, nếu yêu ai đó, xin hãy ngỏ lời? Nếu yêu ai đó, hãy dũng cảm bước qua những ranh giới vốn tưởng rằng không thể. Nếu yêu ai đó, hãy chân thật với họ và với chính trái tim mình. Bởi nguồn gốc của rất nhiều đau khổ và bi kịch trên đời đều bắt nguồn từ sự im lặng...
Chia sẻ