Đại diện Tổng đài Quốc gia 111: Số cuộc gọi đến năm 2021 cao hơn mọi năm, bạo hành trẻ em có dấu hiệu gia tăng mạnh
Qua câu chuyện về bé gái 3 tuổi đã phải trải qua khi sống cùng người tình của mẹ, đại diện Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) lên tiếng kêu gọi mỗi người dân khi có nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, cần gọi đến tổng đài 111 để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bé gái 8 tuổi ở TP.HCM, bé gái 3 tuổi ở Hà Nội, 2 vụ việc bạo hành trẻ em gây chấn động liên tiếp xảy ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuối năm Tân Sửu. Hành vi của những "mẹ kế", "cha dượng" nhẫn tâm đã tạo nên làn sóng phẫn nộ lớn. Bên cạnh đó, dư luận cũng lên án chính những người trong cuộc, những ông bố, bà mẹ trong cả 2 vụ việc trên đã không làm gì để bảo vệ con mình.
Bạo hành trẻ em có dấu hiệu gia tăng mạnh
Liên quan đến nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông Cục Trẻ em, đơn vị quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã bày tỏ lo ngại vấn đề này đang "nóng" và có dấu hiệu gia tăng mạnh những năm gần đây.
"Mỗi năm đơn vị tiếp nhận hơn 500.000 cuộc gọi liên quan đến quyền trẻ em. Tổng đài 111 cũng đã phối hợp cùng cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý giải quyết hàng nghìn vụ việc.
Thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trẻ em dừng việc đến trường và chuyển sang học online. Việc trẻ ở nhà nhiều cũng khiến bố mẹ con cái mâu thuẫn nhau, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh cấp 2, 3.
Có gia đình con ở nhà lâu bị ảnh hưởng tâm lý, người dân cũng gọi điện đến phản ánh đến Tổng đài. Ca khẩn cấp đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ chúng tôi phải kết nối trực tiếp với công an ngay để tách trẻ ra khu vực không an toàn đó. Số lượng cuộc gọi đến Tổng đài năm nay (2021) tăng hơn mọi năm", ông Hiệu chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị mẹ kế bạo hành tử vong thương tâm, hay mới đây nhất vụ việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội, ông Hiệu cho biết những ngày qua rất nhiều cuộc gọi đến Tổng đài 111. Có người gọi bày tỏ bức xúc mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm, có người gọi vì tò mò "Tổng đài có hoạt động không"…
"Chúng tôi rất đau xót, thương tâm chia sẻ qua sự việc bé 8 tuổi và bé 3 tuổi ở Hà Nội, lỗi người lớn ở đây rất nhiều. Với tư cách là người công tác bảo vệ trẻ em chúng tôi muốn Nhà nước nhanh chóng quan tâm bố trí được nguồn nhân lực bảo vệ trẻ em của các địa phương, đảm bảo tốt công việc quản lý, đánh giá được trẻ em để quản lý tốt hơn, tránh sự việc đau lòng.
Thời gian gần đây người dân gọi điện tới trung tâm rất nhiều. Vụ việc đau lòng gần đây hầu như cơ quan chức năng không biết, chính vì vậy theo tôi việc đánh giá được nguy cơ cực kỳ quan trọng.
Nếu cán bộ chuyên trách địa phương kiểm soát tốt, người dân chỉ cần báo tin thì muộn nhất khoảng 1 tiếng công an khu vực, cán bộ Phòng Lao động Xã hội đến làm việc ngay", ông Hiệu bày tỏ.
Nhiều trẻ bị xâm hại ngay trong gia đình nên rất khó để phát hiện
Phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông Cục Trẻ em cho hay, hiện nhân viên tư vấn Tổng đài 111 tại các vùng đang quá tải bởi số ca can thiệp quá nhiều trong khi nhân lực mỏng.
"Mới đây, Cục trưởng Cục trẻ em đã trực tiếp cùng họp giao ban để có những giải pháp cụ thể trong công tác ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ. Tại Hà Nội chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên trực Tổng đài thường xuyên, liên tục gọi điện xử lý các ca can thiệp.
Với tư cách là người làm Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em chúng tôi rất tiếc vì không biết những vụ việc đau lòng đã xảy ra, nếu Tổng đài 111 biết câu chuyện hoàn toàn khác", ông Hiệu chia sẻ.
Ông Hiệu mong muốn thời gian tới có đủ nguồn nhân lực, vật lực để có thể đánh giá được trẻ nằm trong nhóm nguy cơ, nguy cơ cao. Từ đó quản lý được nhóm trẻ này để tránh được việc đau lòng mà hầu như năm nào cũng có.
"Với mỗi người dân, chúng ta không nên thờ ơ mà phải có trách nhiệm với cộng đồng. Chưa cần người dân phải làm thay công việc của cơ quan chức năng, họ thấy vụ việc liên quan đến trẻ bị xâm phạm việc rất đơn giản đó là thông báo với cơ quan chức năng, thông báo Tổng đài về những gì mắt mình nhìn thấy, nghe thấy về những trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành.…
Như vậy công dân đã hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội. Việc còn lại cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận, xử lý", ông Hiệu chia sẻ thêm.
Ông Hiệu kêu gọi: "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của gia đình, người thân thích, hàng xóm, cộng đồng dân cư, vì có vụ việc trẻ em bị tổn hại ngay trong gia đình nên khó phát hiện để can thiệp kịp thời.
Khi có nghi ngờ xâm hại trẻ em, người dân cần gọi đến tổng đài 111 để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp. Tất cả thông tin của người dân, của trẻ em phản ánh đến cơ quan chức năng cũng như tổng đài 111 đều được bảo mật và xử lý ngay".
Qua câu chuyện về vụ bé gái 3 tuổi đã phải trải qua khi sống cùng người tình của mẹ khiến tất cả lặng người. Từ một đứa trẻ vui vẻ, khỏe mạnh nay nằm im trên giường bệnh không rõ sống chết...Vì vậy, việc chăm lo, lên tiếng bảo vệ trẻ em không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người dân trong xã hội khi nhìn thấy những vụ việc xâm hại quyền trẻ em, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, kể cả trên môi trường mạng.