Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em nói về câu chuyện của Bella: "Cộng đồng nên cùng nhau lên tiếng để bảo vệ trẻ"
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, không phải cứ tách bé ra khỏi mẹ là điều tốt nhất cho trẻ vì trẻ có quyền được sống với bố mẹ.
Cậu chuyện của hotgirl Bella đang khiến nhiều người quan tâm khi dư luận canh cánh câu hỏi: Liệu con trai Bella sẽ phát triển ra sao khi có một người mẹ tha con đi lang thang khắp nơi, chuyên quỵt tiền người khác và sẵn sàng phả khói thuốc vào mặt con mới đầy tháng tuổi? Chúng ta có thể làm những gì để giúp đỡ mẹ con Bella, nhất là đứa bé thoát khỏi tình trạng này?
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt nam.
Trẻ cần được chăm sóc tốt nhất
Theo bà Hồng, trong xã hội hiện nay nhiều cha mẹ đang vi phạm vào việc lạm dụng trẻ em. Thực tế trong xã hội có nhiều người mẹ sinh con ra nhưng lại không dành cho con mình như một đứa trẻ bình thường được hưởng cái quyền của trẻ em.
"Người ta lười biếng làm ăn, dùng chính đứa con của mình trục lợi, lấy tình thương hại của người khác, đem chúng đi ăn xin, lang thang... để lấy tiền nuôi con", bà Hồng đưa ra một ví dụ.
Riêng nói về trường hợp Bella, bà Hồng cho rằng, không phải cứ tách bé ra khỏi mẹ là điều tốt nhất cho trẻ vì trẻ có quyền được sống với bố mẹ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, qua các clip được chia sẻ trên mạng, bà nhận thấy Bella dù là một cô gái đã có con nhưng tính cách và hành vi khác với những người bình thường, với những bà mẹ khác.
"Ví dụ, phụ nữ thì thường chú ý đến bảo vệ sức khoẻ của mình và con trẻ, nếu, ở nông thôn có gia đình phải cách ly trong vòng 1-6 tháng không muốn cháu mình gặp người lạ, hoặc giữ môi trường ổn định để trẻ phát triển tốt. Nhưng trong trường hợp này, em bé còn non nớt, nhưng bị mẹ đưa đi khắp nơi; một số nhà hảo tâm đã giúp đỡ để cô ấy có chỗ ở ổn định nhưng cô ấy không chấp nhận.", bà Hồng nói.
Chia sẻ thêm về quyền trẻ em, bà Hồng cho hay: "Em bé mới sinh ra là một cơ thể rất non nớt, chúng ta phải đảm bảo môi trường sống của em yên lành, tập cho trẻ thói quen về ăn ngủ, nhất là những tháng đầu đời rất quan trọng. Một em bé còn sơ sinh mà đưa đi chỗ này chỗ kia như thế, tiếp xúc nhiều người dễ lẫy nhiễm dịch bệnh không đáng có. Ngoài ra còn theo dõi sự phát triển về cân nặng tăng giảm như thế nào để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, giờ ăn, ngủ… nhưng với sinh hoạt của Bella đi lại nhiều, ăn ngủ thất thường thì làm sao em bé có một cơ thể khoẻ mạnh như những trẻ khác.
Đó là chưa nói đến việc mẹ có cho bé tiêm chủng đúng lịch, có biết là trẻ em cần tiêm đúng ngày đấy cần phải đưa trẻ đi tiêm phòng… Những điều này đều ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển của con trẻ. Ngoài ra, cô hút thuốc lá bên cạnh đứa con mới hơn 1 tháng là điều rất đáng lên án."
Bà Ninh Thị Hồng cũng lo ngại rằng, bây giờ trẻ còn bé thì mới nói đến vấn đề chăm sóc, phát triển cơ thể. Nhưng khi em bé bắt đầu bập bẹ tập nói, thì người mẹ chính là người giáo viên đầu tiên của con, người mẹ dạy cho con những câu nói đầu tiên, những ý thức đầu tiên, nếu tính cách người mẹ bất thường thì khó có thể dạy con mình phát triển tốt.
Trường hợp của Bella đang được các nhà xã hội học đánh giá là không bình thường
Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, dù như vậy nhưng để can thiệp vào việc này thì cũng không phải là dễ dàng. Vì mục đích cao nhất là phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, mà người dành đầu tiên là bố mẹ. Chỉ trừ khi bố mẹ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự an toàn của con thì pháp luật có can thiệp. Nhưng can thiệp như thế nào, bằng cách nào thì phải có cơ sở, căn cứ chứ không thể nói rằng, chúng ta vì lo sợ cho em bé mà giằng con ra khỏi vòng tay bố mẹ.
"Trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1.6.2017, quy định trẻ em có rất nhiều quyền, trong đó có quyền được sống chung với cha mẹ, và chỉ vì lợi ích tốt nhất của trẻ thì pháp luật mới hạn chế quyền nuôi dưỡng của cha mẹ với con. Nghị định 56 hướng dẫn thi hành Luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trong tình trạng đặc biệt. Như vậy, Nhà nước và xã hội có thể can thiệp được, nhưng can thiệp như thế nào, giao trách nhiệm can thiệp cho ai, UBND cấp xã phường nơi cô Bella cư trú cần có biện pháp cụ thể. Nhưng với tình trạng cô ấy nay đi chỗ này, mai đi chỗ khác thì UBND nào sẽ phát hiện tình trạng này để đưa ra phương án hỗ trợ tốt nhất, kịp thời can thiệp…", Phó chủ tịch Hội Bảo vệ trẻ em nói.
Cộng đồng phải cùng lên tiếng nếu em bé bị lạm dụng
Về phương án tạo điều kiện tốt nhất cho hai mẹ con, Bà Hồng nhấn mạnh: "Theo tôi, với vụ việc này thì thứ nhất những người thân của cô Bella Đoàn hãy lên tiếng, hoặc bằng tình cảm thuyết phục cô ấy là đã có con thì nuôi con phải như thế nào, phải về nhà với người thân để người thân giúp đỡ, chăm sóc. Ngay cả người mẹ cũng đang còn yếu, con cũng yếu, thì được sự chăm sóc của người thân là tốt nhất."
"Thứ hai là cộng đồng tiếp xúc với cô Bella khi phát hiện những hành vi nguy hại đến cháu bé, chẳng hạn như trong clip cô Bella hút thuốc lá phì phèo bên cạnh bé, thì anh bảo vệ hoặc người nào đó báo cho công an. Khi đó, biên bản về việc vi phạm của Bella về việc hút thuốc lá ở nơi cấm, trước mặt trẻ em dù đó là con cô mới được lập ra. Tiếp theo, nếu thấy cô ấy đặt con ở những chỗ nguy hiểm, không an toàn cho bé thì phải gọi điện, làm chứng để ký đơn, gửi đến UBND xã, phường sở tại. Từ đó, dần dần, nhiều lần vi phạm và có biên bản thì lúc ấy cơ quan chức năng mới có cơ sở để bàn bạc, thảo luận, đưa ra giải pháp tốt nhất cho cháu bé."
Theo bà Hồng: "Chúng ta không nói là "bó tay" nhưng không được làm điều gì mà pháp luật không cho phép, chúng ta phải thận trọng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có đường dây nóng bảo vệ trẻ em 18001567, nếu ai nhìn thấy thì báo cho đường dây, họ sẽ ghi lại và báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, xã phường gần nhất. Khi nhiều người báo, lên tiếng, xử phạt nhiều lần, UBND xã phường lên tiếng hoặc cơ sở y tế chứng minh được bệnh tật thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để xác định. Khi cộng đồng đều lên tiếng thì chúng ta sẽ có biện pháp xử lý trường hợp cô Bella", bà Ninh Thị Hồng nhận định.".
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em đưa ra lời khuyên về trường hợp Bella.
Về việc cộng đồng đăng tải những thông tin về Bella, Bà Hồng cho rằng cần cân nhắc vì một số người muốn nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi bằng hành động kỳ quặc để mọi người quan tâm, thể hiện là mình khác người. Nếu mọi người quan tâm quá thì đánh đúng vào mục đích của người đó sẽ trở thành tác hại.
Các cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em không phải là lúng túng trong vụ việc Bella mà trách nhiệm không quy định rõ ràng, nếu xử lý cũng được, và không xử lý thì không sao. Còn nếu gửi đơn đến đơn vị rồi mà không xử lý thì là sai.
Vụ việc này có nhiều đơn vị có thể xử lý, can thiệp được, như UBND xã phường, Công an phường, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, hội Phụ nữ, hội Bảo vệ quyền trẻ em… nhiều người xử lý được dễ dẫn đến không ai xử lý, trách nhiệm bị đá qua lại.
"Với trường hợp Bella, những người tiếp xúc với mẹ và con thì khi nào có trường hợp mang tính nguy cơ như hút thuốc lá trước mặt con thì phải báo cho công an ngay đó để họ lập biên bản, có căn cứ để xử lý.
Nếu không thì những clip, thông tin chỉ là những phản ánh, trao đổi, cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ để xử lý." Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, bày tỏ.