Đã lựa chọn đứng trên bục giảng, xin đừng để “cái đầu nóng và trái tim lạnh” đem đến những hành động đáng tiếc
Một số giáo viên trẻ chọn cách hành xử với chính các em học sinh của mình bằng những phương pháp phản giáo dục, để rồi chẳng còn câu nói “mỗi ngày tới trường là một ngày vui” hay “cô giáo như mẹ hiền”…
Từ vụ việc cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giặt giẻ lau bảng và sự nhức nhối của toàn xã hội
Những ngày gần đây dư luận được dịp xôn xao khi biết tới sự việc một cô giáo trẻ ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vì em này nói chuyện riêng trong lớp. Thông qua báo chí tìm hiểu, sự việc trên diễn ra tại trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng).
Sau khi gia đình em Phạm Phương A. (học sinh lớp 3A5) thấy em có nhiều biểu cảm bất thường nên gặng hỏi thì được biết em bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng hình thức vắt nước giặt giẻ lau bảng bắt uống. Tính chất nghiêm trọng của sự việc đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Hiện tại, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (chủ nhiệm lớp 3A5) đã bị cắt hợp đồng giảng dạy. Tuy nhiên, dư luận vẫn cảm thấy có phần quan ngại, xót xa khi gửi gắm con em mình tới trường. Các bậc phụ huynh thực sự bối rối trước những hồi chuông được gióng lên báo động trong chính môi trường sư phạm mà mỗi ngày mỗi giờ mình vẫn gửi gắm con em tới đó.
Trước sự việc này, vụ "cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh học sinh" cũng đã từng làm chấn động dư luận. Cụ thể, cô giáo tên Nhung là giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) đã áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối.
Thông qua những hình phạt này có một số em học sinh bị ảnh hưởng tâm lý, sợ sệt và hoang mang không dám tới trường. Từ đó, nhiều phụ huynh bức xúc nên đã tìm đến trường tạo áp lực dẫn đến chuyện cô giáo quỳ để xin lỗi mong được cho qua.
Theo như các phụ huynh phản ánh, cô Nhung thường xuyên có hình thức phạt học sinh bằng cách quỳ gối nhiều lần, có lần 10 phút, có lần cả tiết học; cô cũng dùng thước đánh vào tay học sinh; gọi học sinh là thằng.
Trên đây đều là những sự việc đau lòng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề giáo trong nhận thức của toàn xã hội. Bên cạnh đó còn là những tranh cãi trái chiều về cách hành xử của một bộ phận những người đứng trên bục giảng, được học sinh thương mến gọi là cô, là thầy.
Khi thầy cô lên bục giảng và chọn đối xử với học sinh của mình bằng "cái đầu nóng, trái tim lạnh"
Cả hai sự việc đau lòng kể trên có một số điểm chung như sau: Một là các giáo viên đều còn khá trẻ, tuổi đời cũng như tuổi nghề còn non nớt. Hai là hình phạt mà các cô giáo đưa ra cho các em học sinh của mình đều trong một phút nóng giận mất khôn.
Có thể thấy một điều thương tâm rằng, thay vì dùng "trái tim nóng và cái đầu lạnh" xử lý tình huống trong giảng dạy, các cô giáo kể trên đã áp dụng "cái đầu nóng cùng trái tim lạnh", khiến các em học sinh của mình trở nên hoảng sợ, chấp nhận hình phạt trong sự sang chấn tâm lý nặng nề, có những em còn không dám đến trường vì quá sợ hãi.
Vẫn biết học sinh được gia đình gửi gắm cho nhà trường là để học tri thức và rèn luyện nhân cách, đạo đức làm người. Và người ta thường nói "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", nghĩa là ở lứa tuổi của các em, ngoài việc bồi đắp tri thức, các em cũng đang ở độ tuổi cũng cần được uốn nắn bởi những nhà giáo có tầm và có tâm.
Đáng tiếc là một số giáo viên trẻ lại chọn cách hành xử với chính các em học sinh của mình bằng những phương pháp phản giáo dục, không được khuyến khích xuất hiện trong môi trường sư phạm. Để rồi chẳng còn câu nói "mỗi ngày tới trường là một ngày vui" hay "cô giáo như mẹ hiền" nữa. Thậm chí sau khi chứng kiến hoặc trải qua những hình phạt kể trên, nhiều em học sinh còn cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ về cô giáo, khi nghĩ về việc cắp sách tới trường mỗi ngày.
Sẽ ra sao nếu thầy cô không kiềm chế được cơn giận, không dùng tình thương để dạy trẻ?
Trẻ em là thế hệ mầm non tương lai của đất nước, và các em cũng là những trang vở trắng tinh khôi nhất. Cho nên bất cứ những tác động nào từ gia đình hay môi trường sư phạm đều sẽ ít nhiều có ảnh hưởng tới nhận thức và sự phát triển của các em.
Nếu ngày hôm nay chúng ta trao cho các em một nụ cười, ngày mai sau chúng ta sẽ nhận về cả vườn hoa trái trĩu trịt thơm hương. Còn nếu như ngày hôm nay chúng ta trao cho các em những giọt nước mắt, những hoảng loạn tâm lý, những sợ hãi về môi trường giáo dục, thì ngày mai sau chúng ta có thể sẽ nhận về một thế hệ cục cằn, thô lỗ và thiếu văn hóa trong ứng xử với cộng đồng.
Người lớn là tấm gương của trẻ nhỏ, thầy cô lại là những tấm gương gần gũi nhất đối với các em khi tiếp xúc với các em 8 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần. Gia đình đã hết lòng gửi gắm con em mình tới trường tới lớp, với từng người thầy người cô cũng là mong muốn con em mình được dạy dỗ bằng thương yêu, được chăm sóc bằng cả tấm lòng.
Đã chọn nghề giáo nghĩa là phải biết mình gánh trên vai những thế hệ tương lai của đất nước. Không có gì nhọc nhằn hơn nghề giáo, nhưng cũng chẳng có bất cứ nghề nghiệp nào cao quý hơn nghề giáo. Bởi vì "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy".
Giá như những cô giáo trẻ trong những sự việc đau lòng kể trên nén lại một chút tức giận, bình tĩnh để suy xét sự tình một chút, dùng tình yêu thương để dạy dỗ học trò của mình thì chắc có lẽ mọi chuyện không bị đẩy đi quá xa như vậy.
Vẫn biết các thầy cô giáo cũng giống như những người bình thường khác, cũng biết tức giận, cũng biết nóng nảy. Nhưng mong rằng trước khi tìm cách trút xả cơn thịnh nộ giận dữ của mình lên các em học sinh, mỗi người làm nghề đều biết trân trọng hơn cái nghề mà mình đang làm: nghề trồng người!