Cựu thành viên T-ara tự tử sau khi tố chồng cũ đánh đập dã man: Bạo lực gia đình đáng sợ thế nào?
Cựu thành viên T-ara, nữ ca sĩ Ahreum, đã tự tử sau khi tiết lộ bản thân là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Cựu thành viên T-ara tự tử
Đêm 26/3, tờ Osen đưa tin nữ ca sĩ Ahreum (cựu thành viên T-ara) vừa tự tử ở nhà riêng, khiến cộng đồng mạng không khỏi choáng váng. Theo nguồn tin, nữ ca sinh năm 1994 đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm. Tình hình hiện tại của cựu thành viên T-ara sau khi nhập viện vẫn chưa được tiết lộ.
Osen cho hay nguyên nhân Ahreum quyết định tự tử đến từ hàng loạt biến cố, áp lực trong cuộc sống. Ngay trước đó, nữ thần tượng còn tiết lộ việc là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ahreum khẳng định bị chồng cũ - doanh nhân Kim Young Geul - đánh đập dã man ngay trước mặt các con, khiến cô gặp chấn thương dai dẳng.
Không chỉ vậy, cựu thành viên T-ara cũng tố doanh nhân Kim Young Geul bạo hành hai con trai dã man. Nữ ca sĩ cho biết chồng cũ xem các con như đồ vật: "Kim thường xuyên quăng con trai út mới hơn một tuổi lên giường, còn đánh đập, đuổi con trai lớn mới bốn tuổi mỗi khi thằng bé làm ồn trong lúc vợ con anh ta đang ngủ... Việc hắn ta đánh vào đầu tụi nhỏ và gây ra những vết bầm tím cho hai bé khiến tôi choáng váng".
Chưa có kết luận về những lời tố cáo của Ahreum. Tuy nhiên, bạo lực gia đình từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong xã hội, có thể để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho nạn nhân.
Bạo lực gia đình là gì?
Theo chuyên trang tâm lý Psychology Today, bạo lực gia đình xảy ra khi một người luôn cố gắng kiểm soát bạn đời của mình bằng cách lạm dụng thể chất, tình dục hoặc cảm xúc. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ định nghĩa bạo lực gia đình là "một kiểu hành vi lạm dụng trong bất kỳ mối quan hệ nào được một đối tác sử dụng để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát đối với một đối tác thân thiết khác".
Theo luập pháp Việt Nam, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Bạo lực gia đình có thể diễn ra ở khía cạnh thể chất hoặc tâm lý và nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Nó có thể bao gồm các hành vi nhằm mục đích đe dọa, gây tổn hại về thể chất hoặc kiểm soát đối tác.
Xúc phạm, đe dọa, lạm dụng về mặt cảm xúc và ép buộc tình dục đều cấu thành bạo lực gia đình. Một số thủ phạm có thể sử dụng trẻ em, vật nuôi hoặc các thành viên khác trong gia đình làm đòn bẩy tinh thần để khiến nạn nhân làm điều họ muốn. Nạn nhân của bạo lực gia đình bị suy giảm giá trị bản thân, lo lắng, trầm cảm và cảm giác bất lực nói chung mà có thể cần thời gian và thường là sự giúp đỡ của chuyên gia để vượt qua.
Bạo lực gia đình tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ.
Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ. Trong số đó, 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).
Tuy nhiên, có thể những con số trên chưa phản ánh đầy đủ tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay. Theo kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (công bố năm 2020), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%.
Đây là cuộc điều tra chọn mẫu với tổng số 5.976 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp. Dù vậy, những kết quả nêu trên cho thấy tình hình bạo lực với phụ nữ nói riêng và bạo lực gia đình nói chung diễn ra trên thực tế nhiều hơn so với con số 297.498 vụ trong giai đoạn 2009-2019 (theo báo cáo của các tỉnh, thành trong cả nước).
Bạo lực gia đình tác động đến nạn nhân như thế nào?
Có thể mất nhiều thời gian để nạn nhân của bạo lực gia đình nhận ra hoàn cảnh của họ. Lạm dụng thường để lại những dấu vết trên cơ thể, từ vết bầm tím, gãy xương cho đến khó thở và run rẩy không chủ ý.
Bạo lực gia đình là nguyên nhân gây thương tích phổ biến nhất cho phụ nữ, thậm chí còn dẫn đến nhiều thương tích hơn cả tai nạn ô tô. Hậu quả về thể chất có thể là ngắn hạn, chẳng hạn như vết bầm tím, đau đớn và gãy xương, hoặc lâu dài, chẳng hạn như viêm khớp, tăng huyết áp và bệnh tim mạch…
Nạn nhân bạo lực gia đình cũng có thể phải chịu những ảnh hưởng tâm lý ngắn hạn và dài hạn, bao gồm cảm giác bối rối hoặc tuyệt vọng, trầm cảm, lo lắng, hoảng loạn và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Vượt qua bạo lực gia đình
Rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng là một thách thức đặc biệt lớn. Quá trình này bao gồm việc thừa nhận hành vi lạm dụng đang xảy ra, tìm kiếm sự hỗ trợ để rời đi một cách an toàn và xử lý trải nghiệm cũng như nỗi đau hoặc nỗi sợ hãi còn lại.
Những người sống sót sau bạo lực gia đình có thể dần xây dựng lại lòng tự trọng đã bị tổn hại trong mối quan hệ. Phát triển một hệ thống hỗ trợ, thực hành cách tự chăm sóc bản thân và thảo luận kinh nghiệm với chuyên gia sức khỏe tâm thần đều có thể giúp ích.