Cứu sống bệnh nhi 3 tuổi bị vỡ phình mạch não
Vừa qua, khoa Ngoại Thần Kinh- Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã can thiệp và điều trị thành công trường hợp bé gái bị xuất huyết não do vỡ phình mạch não.
Đặc biệt, bệnh nhi là bé gái chỉ mới 34 tháng tuổi, bé nhập viện theo hẹn để đóng tồn tại ống động mạch - di tật bẩm sinh ở tim. Tuy nhiên sau can thiệp dị tật ở tim, bệnh nhi lơ mơ, giảm tri giác, da tái xanh, đồng tử 2 bên mất cân xứng. Bệnh nhi được đánh giá cẩn thận, chụp CTscan sọ não khẩn ghi nhận tình trạng xuất huyết dưới nhện lan toả. Sau khi hồi sức tích cực, chống phù não, đặt dẫn lưu não thất ra ngoài để giảm áp lực nội sọ, tri giác bé được cải thiện hơn.
Nhận định trong trường hợp này, khả năng lớn là do vỡ túi phình mạch máu não. Do đó, bệnh nhi được tiến hành chụp mạch máu não xoá nền DSA để đánh giá cấu trúc mạch máu não, và kết quả cũng không nằm ngoài dự đoán. Bệnh nhi có túi phình ở động mạch não sau bên phải, và túi phình này bể ra gây nên tình trạng xuất huyết này.
Túi phình mạch máu não trước can thiệp
Bệnh nhi được hội chẩn để lên phương án điều trị thích hợp. Do vị trí khó khăn, phẫu thuật khó tiếp cận, vì vậy can thiệp mạch được ưu tiên lựa chọn. Và đặt biệt, trong lần can thiệp nội mạch được tiến hành vài ngày sau khi khảo sát DSA, túi phình đã tăng kích thước hơn, và tiềm tàng nguy cơ tái vỡ, nếu không điều trị kịp thời. Những ống thông, dây dẫn siêu nhỏ được luồn vào mạch máu, tiếp cận được túi phình và tắc hoàn toàn túi phình bằng những vòng xoắn kim loại.
Sau can thiệp, sức khoẻ bé ổn định và phục hồi dần.
Túi phình mạch máu não sau can thiệp
Theo ThS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhi Đồng 2, xuất huyết não ở trẻ em là bệnh tự phát với rất nhiều nguyên nhân nhưng 2 nguyên nhân thường gặp nhất ở căn bệnh này là do thiếu vitamin K đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và đối với những bệnh nhi trên 6 tháng tuổi thường là do bẩm sinh hoặc những bất thường về mạch máu não. Bệnh có khả năng để lại di chứng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời.
Nguyên nhân khiến cho trẻ thiếu vitamin K có thể do sinh thiếu tháng, sinh non hoặc không được tiêm vitamin K phòng ngừa. Để phòng ngừa thiếu vitamin K, trẻ thường được chích ngừa sau khi sinh. Nhưng cũng có một số trường hợp sau khi tiêm ngừa vitamin K trẻ vẫn có thể mắc phải xuất huyết não vì một nguyên nhân khác.
Do mắc phải các bệnh lý khác: Viêm mạch máu não; Rối loạn đông máu; Cơ địa bệnh lý tim mạch; Các bệnh lý huyết học gây chảy máu não; Bệnh lý Moya Moya (một căn bệnh vừa với phát hiện trong năm 2012)...
Vì đây là căn bệnh có nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhi rất cao, nhất là trong những trường hợp bệnh nhi đã bị xuất huyết não, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo nên nhập viện càng sớm càng tốt khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ trên.
Trong trường hợp bệnh nhi nhập viện cấp cứu khi tình trạng bệnh đã tạm thời ổn định, bác sĩ điều trị sẽ bắt đầu thực hiện những phương pháp kiểm tra để tìm ra nguyên nhân nền dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ như: chụp cắt lớp, chụp mạch máu não, MRI… Việc chẩn đoán bằng hình ảnh sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về nguyên nhân và tình trạng bệnh của bệnh nhi và chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất cho các bé.
Xuất huyết não ở trẻ em khác đối với người lớn ở điểm là bệnh không có các để phòng ngừa nhưng có điểm chung là bệnh sẽ để lại di chứng cho bệnh nhi rất cao như:
Liệt nửa người động kinh Không nói được do 1 phần não bị tổn thương (bị tổn thường ở phần ngôn ngữ) Liệt các dây thần kinh sọ, có trường hợp bị tạm thời nhưng cũng có thể bị vĩnh viễn. Bệnh nhi rơi vào tình trạng đời sống thực vật. Bệnh nhi có thể tử vong khi tình trạng xuất huyết quá nặng. Trẻ có thể mắc phải nhiều di chứng cộng lại hoặc chỉ một trong những di chứng trên. Nhưng cũng có những trường hợp may mắn sau khi điều trị trẻ khỏe mạnh lại bình thường và không mang theo bất kỳ một di chứng nào.
Các bác sĩ khuyến cáo để hạn chế gặp phải những di chứng trên bệnh nhi cần được chẩn đoán, điều trị sớm, đúng và kịp thời.