Cựu nữ đô vật số 1 VN: Sợ thành gánh nặng nếu lấy chồng
10 năm nằm một chỗ tựa như 10 năm “tra tấn” cả tinh thần lẫn thể xác đối với vận động viên Lê Thị Huệ. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, Huệ đã không cô đơn khi có bàn tay chăm sóc của mẹ, sự quan tâm của người thân, bạn bè và có lúc, tình yêu cũng đã chợt đến bên chị…
Niềm hi vọng chưa bao giờ tắt
Có mặt ở bệnh viện Thể thao Việt Nam từ ngày 23/7 để tập phục hồi chức năng, vận động viên (VĐV) vật Lê Thị Huệ, người từng bị chấn thương nặng dẫn đến liệt nửa người 10 năm trước cảm thấy thật ấm áp trong sự chăm sóc của các y bác sĩ và những người thương yêu cô chân thành.
Cô gái bất hạnh bị liệt nửa người trước SEA Games 22 từng nghĩ đến việc buông xuôi để không làm phiền mẹ già và gia đình, đã chậm rãi đi được những bước khó nhọc từ cuối năm 2003. Tuy nhiên, những cảm giác cho đôi tay và sự chuẩn xác trong cử động chưa trở lại với Huệ. 10 năm qua, Huệ sống nhờ vào sự chăm sóc của mẹ, bà Lường Thị Hường đã già yếu.
Các bác sĩ đang giúp Huệ tập đi tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Huệ đi lại khó khăn, đôi nạng trên vai cô chưa đủ để nâng đỡ những đau đớn thể xác và những mệt mỏi, bất lực của tinh thần. Việc ăn uống của cô đều là mẹ chăm lo. Thậm chí, do hệ tiêu hóa của Huệ còn rối loạn, ngay cả những việc như đi tiểu tiện, đại tiện hàng ngày, cô cũng phải nhờ đến mẹ.
Thế nhưng, Huệ không buông xuôi. Cô tự tập đi, tập đứng, tập vận động đôi tay và bàn chân. Cho đến hôm nay, khi đến Bệnh viện Thể thao Việt Nam, bước chân Huệ còn run rẩy, đôi tay chưa hành động đúng theo mong muốn của trí não nhưng nụ cười đã trở lại trên đôi môi, trong ánh mắt của Huệ.
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Văn Phú - Phó giám đốc, Trưởng khoa y học Bệnh viện Thể thao Việt Nam thì Huệ đã và đang tiến triển rất tốt. “Chưa thể nói đến bao giờ Huệ có thể trở lại bình thường hoàn toàn, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, Huệ đang cho mọi người thấy bản lĩnh và ước mơ được sống, được chiến thắng nỗi đau của cô”, bác sĩ Phú nói.
Bác sĩ Phú cho biết thêm, việc điều trị cho Huệ cần sự kiên nhẫn. Giai đoạn 1 kéo dài 6 - 8 tuần để phục hồi cơ bụng, cơ lưng, các khớp xương cổ tay, cổ chân để Huệ có thể đứng vững, đi lại không choáng. Giai đoạn 2 dài hơi hơn để giúp chị có thể thực hiện những động tác chính xác như cầm nắm đồ vật, cài khuy áo, xúc đồ ăn... “Huệ sẽ như một đứa trẻ, học đứng, học đi, học cầm nắm đồ vật, từng bước một”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Hằng ngày, Huệ vẫn đều đặn dậy sớm và tập luyện dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của các y bác sĩ. “Em cảm thấy sức khỏe của mình đã được cải thiện rất nhiều”, Huệ cho biết. Và dường như trong ánh mắt của cô, người ta vẫn thấy sáng bừng một ngọn lửa của nghị lực, niềm tin và hi vọng, ngọn lửa mà hơn 10 năm trước, cô đã từng “thắp” cho thể thao Việt Nam.
“Nhiều người ngỏ lời, nhưng…”
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Lường Thị Hường (năm nay đã 70 tuổi) – mẹ VĐV Lê Thị Huệ tâm sự: “Nhà có 7 anh em, Huệ là con thứ 5 trong gia đình. Nhà đông người, kinh tế gia đình rất khó khăn. Khi được tin Huệ được chọn vào đội tuyển môn vật quốc gia để đi thi đấu, gia đình rất vui và tự hào. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng được tày gang. Năm 2002, lúc Huệ gặp tai nạn là năm gia đình chịu nhiều lao đao nhất. Nhiều lúc tôi không tin đó là sự thực nữa…”.
Bà Lường Thị Hường – mẹ VĐV Lê Thị Huệ, người mẹ đã chăm sóc Huệ trong suốt 10 năm qua.
Bà Hường cho biết, trước kia, Huệ học Judo, sau đó mới chuyển sang môn vật. Ngoài Huệ ra, trong gia đình còn có một người nữa cũng là vận động viên thể thao đó là Lê Văn Hùng – em trai Huệ . Anh Hùng là vận động viên cử tạ nhưng sau khi thấy chị gặp tai nạn, anh cũng đã nói lời chia tay với thể thao.
“Giờ thì tất cả anh chị em trong nhà đều đã lập gia đình riêng, rồi mải miết với cuộc sống mưu sinh, mọi việc chăm sóc cho Huệ chủ yếu đều do mẹ làm cả. Huệ biết thế nên rất thương mẹ, ngay cả khi mẹ giúp đỡ trong việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà em nó vẫn ngại, bảo mẹ cứ để tự con làm đi. Mà khổ, đã tự làm được đâu”, bà Hường chia sẻ.
Cũng theo bà Hường, vừa qua được sự giúp đỡ của một số cơ quan báo chí và nhà hảo tâm, gia đình cũng đã mở được một cửa hàng tạp hóa nhỏ để Huệ bán hàng. “Nhưng cũng ít khách lắm, Huệ đi lại khó khăn, tay vẫn chưa cầm nắm được vật gì nên công việc mới chưa quen với em nó. Rồi gia đình nhận được tin báo Bệnh viện Thể thao Việt Nam có ý muốn đưa Huệ ra ngoài này để điều trị, may ra có thể phục hồi chức năng, thôi thì còn nước còn tát, hai mẹ con lại khăn gói ra Hà Nội”, bà Hường nói.
Trong suốt 10 năm qua, người mẹ già không lúc nào ngừng động viên con gái.
Bà Hường tâm sự: “Ra ngoài này, các bác sĩ nói sẽ theo dõi và điều trị cho Huệ trong vòng 2 tháng, sau đó dựa vào tiến triển bệnh tình sẽ có kế hoạch tiếp. Giám đốc bệnh viện có đến thăm, động viên và nói gia đình không phải lo lắng mọi chi phí. Ngoài ra, phía Sở VH-TT&DL Thanh Hóa khi biết tin cũng có trợ cấp cho Huệ tiêu chuẩn ăn là 100 nghìn đồng/ngày. Tôi thấy ít ra, may mắn vẫn còn mỉm cười với gia đình tôi”.
Về tương lai và những dự định của Huệ, bà Hường cho biết còn phụ thuộc vào đợt điều trị lần này. “Nhiều lúc có hai mẹ con với nhau, tôi cũng có ý hỏi Huệ về chuyện tương lai sau này như gia đình chồng con, Huệ không nói gì, có lúc khóc. Trước kia, khi Huệ mới bị tai nạn, các bác sĩ của Tập đoàn Bảo Long khi đó cũng đã tận tình giúp đỡ, chạy chữa cho Huệ rất nhiều. Đại diện Bảo Long khi đó còn hứa sẽ cấp đất, cấp nhà cho Huệ khi kết hôn…”.
“Cũng đã có nhiều người đàn ông lúc đó ngỏ ý xa xôi với em nó nhưng rồi Huệ cứ gạt đi. Khi mẹ hỏi thì Huệ chỉ bảo: Con còn chưa lo nổi thân mình nữa nên không muốn thành gánh nặng cho bất kì người đàn ông nào khác. Rồi thì lo lắng người ta không thật lòng… Kể ra cũng tội nghiệp. Nhưng mà tôi vẫn tin hạnh phúc sẽ mỉm cười với con gái tôi các chú ạ!”, bà Hường nghẹn ngào nói.