"Cứu chúng tôi": Siêu bão Rai đã qua, để lại hàng dặm đường tan hoang, đổ nát và nhuốm mùi tử khí
Với người Philippines, những ngày cuối năm diễn ra theo cái cách không thể đau xót hơn sau khi siêu bão Rai đổ bộ.
"Cây cối bị bẻ gãy dễ dàng như những que diêm" - đó là lời mô tả của Ed Boysillo (54 tuổi), một người lao động tại Ubay (Bohol, Philippines) về sự đáng sợ của siêu bão lịch sử Rai. Cơn bão chạm đến đất nước này từ ngày 16/12, mang đến những trận mưa xối xả cùng những cơn cuồng phong với vận tốc lên tới hơn 270km/h.
Cơn bão thổi bay nhà cửa, đẩy nước sông dâng lên, ép 7 triệu người phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Điện, nước, phương tiện liên lạc, tất cả đều sụp đổ. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng bị phá hủy hoàn toàn.
Tính đến sáng ngày 27/12, Philippines xác nhận có 397 người đã chết vì siêu bão, cùng 1.147 người bị thương và 83 người còn mất tích. Ngoài ra, hơn nửa triệu người vẫn đang phải ở các trung tâm sơ tán, hoặc ở nhờ người thân, bạn bè.
Nhà cửa đổ nát tại Philippines sau siêu bão Rai
Ở Bohol lúc này phảng phất mùi tử khí, tại nơi một gia đình trồi lên từ đống đổ nát, cố gắng thu nhặt cánh cửa trang trí Giáng sinh. Một quả bóng bay hình ông già Noel dường như còn trụ lại sau cơn bão cuồng loạn. Khuôn mặt hiền từ in trên đó là một sự tương phản hoàn toàn với khung cảnh đổ nát, tan hoang.
"Cứu chúng tôi"
Siêu bão Rai đã cướp đi của ông Antero Ramos (68 tuổi) từ làng Casare (Ubay) người vợ - bà Tarsila Ramos (61 tuổi) cùng 2 cô con gái, Nita (37 tuổi) và Nenita (28 tuổi).
"Vợ tôi là người quyết định cả nhà cần phải sơ tán, nên chúng tôi xuống kho gạo để trú ẩn" - ông Ramos hồi tưởng. "Nhưng vừa xuống đến nơi, cả chiếc hầm đổ sập".
"Một Giáng sinh quá bi thảm. Tôi phải chôn cất họ ngay lập tức, vì đội tang lễ không thể tới đây do các tuyến đường đều bị kẹt".
Ông Antero Ramos (phải) đã mất vợ và 2 con gái trong cơn bão khổng lồ
Rai là tên gọi quốc tế của cơn bão Odette - trận bão thứ 15 tràn vào Philippines trong năm nay. Cơn bão có tổng cộng 8 cuộc đổ bộ vào đất liền tại nhiều khu vực khác nhau, trước khi yếu đi và tan biến. Vị trí địa lý khiến Philippines phải đối diện với rất nhiều cơn bão. Họ nằm trên một vành đai bão, và thường phải hứng chịu khoảng 20 cơn cuồng phong mỗi năm.
Bohol nằm trong số những nơi chịu thiệt hại nhiều nhất từ Rai. Ghi nhận từ các phóng viên địa phương cho thấy tình cảnh ở đây thảm hại đến mức nào, khi các phương tiện bị lật ngửa, dồn từ trên các tuyến đường cao tốc. Cây cối bật gốc cùng mảnh vỡ rải rác, nhiều không đếm xuể. Nhiều người thiệt mạng tại các khu vực ven biển bị ngập bởi nước dâng, hoặc chết bẹp ngay trong ngôi nhà của mình khi nó sập xuống. Khắp nơi, dân chúng tìm về mái nhà cũ, cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại.
Người sống sót phải ở trong những túp lều tạm bợ
Trên một tuyến đường cao tốc dẫn đến Ubay, những người sống sót sau thảm họa ào lên. "Cứu chúng tôi với" - một tiếng hét khẩn khoản hướng đến những chiếc trực thăng và máy bay cứu trợ đang lướt qua.
Giới chức Philippines cảnh báo, cư dân tại các khu vực xa xôi đang cạn kiệt thức ăn. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Trung Quốc và Hàn Quốc đã cấp tốc gửi hàng cứu trợ. Một cơ quan của Liên Hợp Quốc (UN) đã kêu gọi hơn 100 triệu USD để hỗ trợ.
Dòng chữ được viết trên xa lộ, nhằm đánh động các tổ chức cứu trợ
Thống đốc của Bohol - ông Arthur Yap - đã kêu gọi quyên góp để mua sắm thực phẩm cùng nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân. Những chiếc máy phát điện được chở tới, nhưng vô tình khiến nhiên liệu trở thành hàng hiếm.
"Nhiều người mang máy phát điện tới hỗ trợ, và nó làm nhu cầu nhiên liệu tăng gấp 3" - Yap chia sẻ, hướng về hàng dài người đang đứng chờ tại trạm xăng.
Sau trận bão, con sông Loboc đã chuyển thành màu nâu, của bùn đất và mảnh vụn. Dưới làn nước ấy là rất nhiều ngôi nhà, trong đó có nhà của Nilo Rivera (34 tuổi) và mẹ vợ anh. Cả 2 căn nhà đều nhanh chóng bị cuốn trôi khi nước dâng lên.
"Nước ngập đến tầng 2 trong nhà của chúng tôi" - Rivera vừa nói, vừa chỉ tay vào vệt bùn lộ rõ trên phần tường nhà còn sót lại sau khi nước rút bớt. Ngôi nhà ấy lúc này không thể ở được, và họ tạm thời phải sống trong một túp lều.
Giáng sinh hoang tàn
Bohol chẳng mấy xa lạ với thiên tai. Tháng 10/2013, trận động đất hung bạo đã hủy diệt một trong những nhà thờ ở đây, và khiến nhiều công trình khác bị hư hại. Sau đó 1 tháng là siêu bão Haiyan - một trong những trận bão mạnh nhất lịch sử từng đổ bộ vào quốc gia này, càn quét không khoan nhượng. 6.500 - đó là số người đã chết hoặc mất tích sau trận bão này.
Frederic Soupart, chủ của một resort tại Bohol tin rằng Rai còn tệ hơn cả Haiyan. Rai khiến khắp nơi trở nên tan hoang khi nó hướng đến quần đảo Palawan phía Tây Philippines. Một phần khu nghỉ dưỡng của Soupart hiện vẫn bị vùi trong lớp bùn dày đặc, ngập đến ngang hông.
"Tôi chưa từng chứng kiến trận lụt nào kinh khủng như vậy" - Soupart nhận xét, đồng thời ước tính sẽ phải mất hàng triệu peso (1 peso = 448 đồng tiền Việt) để sửa chữa.
"Chẳng còn chút không khí Giáng sinh nào cả. Tôi đi mua ít đồ, và mấy bản nhạc Giáng sinh ở đó chỉ khiến tôi phát bực".
Việc dọn dẹp hậu siêu bão đang diễn ra khá chậm, bất chấp Chính phủ đã huy động cả kỹ sư quân đội đến hỗ trợ. Tại Bohol và nhiều khu vực khác, đường điện và cáp liên lạc vẫn chưa được phục hồi. Ở Siargao, gần như không có công trình nào còn nguyên vẹn hậu siêu bão.
Donn De Lima, 44 tuổi, nằm trong số hàng chục người từ Santo Niño Parish (Ubay) đến nhà thờ dự buổi lễ Giáng sinh để thấy lòng thanh thản. Trời mưa rất to, trần nhà thờ còn bị dột nước.
Người Philippines phải trải qua một Giáng sinh buồn thảm thương
"Giáng sinh lần này thật buồn khi nhà tôi bị hư hại quá nặng" - Lima trải lòng. Sau buổi lễ, anh cùng gia đình ăn uống đơn giản dưới ánh sáng của một cây đèn pin sạc điện.
Nhiều người khác thì không được may mắn như vậy. Alicia Nemenzo (48 tuổi) cùng con gái (21 tuổi) phải trải qua lễ Noel trong một cửa hàng tí hon ven đường, sau khi nhà của họ bị cơn bão kéo sập. Nguồn sáng duy nhất họ có là từ một cây nến.
"Giờ cứ mỗi lần trời mưa, chúng tôi đều thấy sợ. Có lẽ chúng tôi đều chịu thương tổn quá lớn vì trận bão này".