Vòng luẩn quẩn trong chống biến đổi khí hậu và liệu có dễ thực hiện các thỏa thuận tại Hội nghị COP26?

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

Trong tuần này, sự kiện nổi bật và bao trùm nhất là Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 diễn ra ở Glasgow, Vương quốc Anh.

Mục đích lớn nhất của Hội nghị thượng đỉnh COP26 là đạt được những cam kết đáng kể của các nước nhằm khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ra những đợt nắng nóng cực đoan, hạn hán, lũ lụt, bão lớn…

COP26: Nhiều thỏa thuận đạt được nhưng thực hiện có dễ?

Đến hết ngày thứ tư của Hội nghị COP26, các nước đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng như cam kết chấm dứt nạn chặt phá rừng vào năm 2030, giảm thải khí methane làm Trái đất nóng lên, chấm dứt tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch không sử dụng công nghệ thu hồi khí CO2 hay từ bỏ than đá theo lộ trình. Đây là những cam kết đầy tham vọng, mang lại sự lạc quan lớn trong việc đẩy lùi biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc làm thế nào để tất cả các nước, sau khi vui mừng với kết quả hội nghị trở về thực tại, cùng thực hiện được những cam kết đã đưa ra lại là bài toán không dễ.

Cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính là trọng tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Tuy nhiên, rắc rối là công nghệ này sẽ không được triển khai đủ nhanh để tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào ngay trong thập kỷ này do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính quá lớn.

Anh đã phân bổ 1 tỷ Bảng cho một quỹ cơ sở hạ tầng CCS, với tham vọng tới năm 2030 sẽ thu giữ được tương đương 10 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng, trong năm 2019 Anh đã thải ra lượng khí CO2 nhiều gấp 45 lần con số đó.

Tại COP26, 190 nước và tổ chức, bao gồm Việt Nam, đã cam kết ngừng sử dụng than đá theo lộ trình. Tuy nhiên, các nước phụ thuộc vào than đá nhất thế giới, bao gồm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, đã không tham gia vào cam kết này. Năm 2019, nguồn nhiên liệu giá rẻ này tạo ra khoảng 37% điện năng trên thế giới.

Bên cạnh đó, đảm bảo ngân sách là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể thực thi các thỏa thuận. Những nước giàu cho biết sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020 cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ đã không thể thực hiện lời hứa và hiện cho biết sẽ chỉ đạt được mục tiêu đó vào năm 2023.

Xét trên quy mô quốc gia, chỉ có một số nước thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu có ràng buộc pháp lý. Về lý thuyết, có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt khác đối với những quốc gia chậm chạp trong việc thực hiện cam kết, nhưng điều đó có thể phản tác dụng đối với một vấn đề cần sự đồng lòng. Cũng vì thế mà trọng tâm của các cuộc họp như COP26 là khuyến khích hợp tác quốc tế.

 - Ảnh 1.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn khó khăn, đặc biệt vì những lý do kinh tế. (Ảnh: AP)

Vòng luẩn quẩn trong chống biến đổi khí hậu

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn khó khăn và những lý do kinh tế khiến cuộc chiến này trên thực tế thường rơi vào tình thế phải đối phó với cái gọi là "vòng luẩn quẩn". Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn chống lại biến đổi của khí hậu, phải quyết liệt thực hiện các giải pháp, ví dụ như những cam kết mà các nước đưa ra tại Hội nghị COP26.

Tuy nhiên, giống như việc giải quyết nhiều vấn đề, câu chuyện "tiền đâu" luôn là câu hỏi đầu tiên hết sức quan trọng. Theo các chuyên gia, việc huy động được nhiều tiền hơn cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu cũng là một mục tiêu chính của COP26.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế "tìm kiếm tất cả các lựa chọn" để giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nước vẫn chưa thể tìm ra cách thức cụ thể để huy động và cách dùng những khoản tài chính để hoàn thiện những cam kết này.

Giải pháp có nhưng tiền đâu ra?

Khoản cam kết đầu tư "100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu" được các nước phát triển đưa ra vào hơn một thập kỷ trước chưa được thực hiện. Lời hứa này sau một thập kỷ lỡ dở đến nay đã phải đối mặt với một thực tế khác: "100 tỷ USD mỗi năm giờ không còn đủ để giải quyết những thiệt hại cho khí hậu nữa", theo tờ Times.

Theo Liên Hợp Quốc, ngay khi các nước chạm được đến mục tiêu đầu tư 100 tỷ USD vào một thời điểm nào đó trong những năm tới, số tiền trên "cần được coi là mức sàn chứ không phải mức trần nữa". Điều này có nghĩa là các nước phát triển không chỉ phải thực hiện các cam kết đã đưa ra trước đó mà còn cần đưa ra các cam kết cao hơn, và tiền thì có bao giờ là dễ dàng để chi ra.

Chia sẻ