Cứu 2 bệnh nhân sốc phản vệ nguy kịch do ong đốt
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa An Phát (Tân Kỳ, Nghệ An), bệnh viện vừa cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị ong đốt trong tình trạng nguy kịch.
Vào 8h30 ngày 17/11, khi đang làm vườn, ông P.H.Đ. 76 tuổi (trú tại khối 1, Tân Kỳ, Nghệ An) vô tình bị 1 đàn ong rừng tấn công. Ước chừng tới 200 nốt toàn thân, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ. Sau đó, chị P.T.H. (46 tuổi, con gái) chạy ra giúp bố cũng bị đốt khoảng 35-50 nốt.
Thời điểm tiếp nhận tại bệnh viện, bệnh nhân nam trong tình trạng sưng tấy vùng cắn, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tăng. Còn bệnh nhân nữ tức ngực, khó thở, huyết áp tụt.
Xác định bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ do ong cắn, kíp cấp cứu của bệnh viện đã tiến hành loại bỏ ong và vòi chích trên người bệnh nhân. Xử trí khẩn trương, chính xác, đúng phác đồ chống sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Sau hơn 30 phút nỗ lực cấp cứu, 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, sức khỏe của người bệnh đã ổn định và vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Ngô Quang Kiên - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh nhân bị ong đốt có thể gây ra tình trạng đau, sưng nề, nổi ban ngứa toàn thân, khó thở, hôn mê gợi ý tình trạng sốc phản vệ và dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị ong cắn có thể bị biến chứng suy gan, suy thận, tán huyết, nhiễm trùng và suy đa tạng dẫn tới tử vong.
Qua các trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi người dân bị ong đốt cần ra khỏi khu vực có nhiều ong, chườm đá để giảm đau, giảm sưng, không cố gắng nặn vết thương, rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng. Nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.