Cuối tuần, về làng cổ Đường Lâm ăn nhót chín

Bài và ảnh: Lam Linh,
Chia sẻ

Mùa này, làng cổ Đường Lâm có thêm 1 món ngon làm thèm thuồng bao thực khách: món nhót chín đỏ ửng chua chua, ngọt ngọt...

Chè lam thơm thơm, kẹo dồi giòn tan ngọt lịm, bánh nếp ngon, thêm cành nhót nhót chín đỏ ửng cùng cốc nước vối mát lành, đung đưa trên chiếc chõng tre mộc mạc, phe phẩy chiếc quạt nan cho cơn gió mát trong lành trong không gian thơm mùi lúa mới. Ấy là một chiều nhàn tản không “son phấn” nơi mái đình Mông Phụ - Đường Lâm.
 
Thong thả một chiều, tôi đạp xe về chơi với Đường Lâm. Thay vì những ồn ã ào ào của chiếc xe máy trên con đường quốc lộ, đi xe đạp có cái thú vị riêng của nó. Không vội vã, những guồng quay đều đều. Thời tiết cuối xuân dễ chịu, mưa bụi cũng đã lùi xa, chỉ có những cơn gió mát lành cùng ánh mặt trời nhàn nhạt trên đầu. Gần 2 tiếng chạy quãng đường 50km dài, tôi cũng đến được với làng Mông Phụ cổ kính.
 
Bóng dáng ngôi làng vẫn như ngày đầu tiên khi tôi ghé thăm, những ngôi nhà đá ong rộng rãi, mát mẻ và  độc đáo. Chạy zíc zắc xe xuyên trong những con ngõ nhỏ, tôi có một cảm giác thú vị khác với những lần mình lang thang dạo bộ trong làng những lần trước. Bánh xe bám con đường lát gạch cũ kĩ, chạy theo đuôi một đàn những cô bé cậu bé khác đang trên đường đến trường.
 
Trên những ngả đường hình xương cá với những ngõ nhỏ thông nhau, dù bạn có xuất phát từ đâu và đi qua ngõ nào thì điểm gặp nhau cũng là đường chính của làng. Những con đường làng lát gạch được làm theo lệ xưa của làng này. Mỗi chàng trai muốn lấy vợ thì phải mang gạch lát đường làng. Sau mỗi đám cưới, lại có thêm những đoạn đường làng lát gạch mới trong ngõ phố.


Cổng làng


Đình Mông Phụ.

Tạt qua một con ngõ, tôi dừng xe vào thăm ngôi nhà nổi tiếng với món chè lam thơm phức và tương bần ngon hảo hạng. Trong ngôi nhà rộng rãi và thoáng mát này, những giàn hoa leo đang vươn mình đón nắng xuân. Giữa sân rộng, hơn chục chum tương lớn nhỏ đứng xếp hàng trong một đội hình vui nhộn. Khách chơ ngoài sân khá đông.
 
Họ là những vị khách nước ngoài đi theo một chương trình tour giới thiệu về làng cổ. Những vị khách đang ăn thử món chè lam nóng hổi vừa mới ra lò và uống chè xanh bằng bát trên những chiếc chõng tre. Những hình ảnh mộc mạc ấy thật khó tìm ở nơi khác, khi những ngôi làng cổ đã dần mất đi, thay vào đó là nét hiện đại, phát triển.

Làng Mông Phụ cũng đã trải qua không ít khó khăn để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp của riêng mình. Cho đến hôm nay, nó là đại diện duy nhất về văn minh lúa nước châu Á còn sót lại. Đường Lâm còn có tục danh là Kẻ Mía và có một ngôi chùa mang tên chùa Mía (làng Đồng Sàng).
 
Đây là ngôi chùa có nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta và đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam. Hiện chùa còn lưu giữ 287 pho tượng thờ. Nổi bật nhất là pho tượng Phật bà Quan Âm. Người Đường Lâm có câu ca dao: “Nổi danh chùa Mía làng ta. Có pho tống tử Phật bà Quan Âm”.


Những ngôi nhà đá ong đặc trưng.


Mọi con đường đều rẽ ra ngoài ngõ chính.

Nhót đã chín lúc lỉu trên giàn trong những ngôi nhà đá ong rêu phong, cổ kính. Những trái đỏ điểm tô cho giàn lá xanh, vắt vẻo trên hàng rào. Tôi vào vườn, xin mua vài cành nhót chín đỏ. Tự tay hái những trái tươi ngon trên cành.

Giờ thì tôi đang ngồi ở đây, trong quán nước vối của bà bán nước đầu đình Mông Phụ. Vẫn chiếc chõng tre đơn giản, vẫn những món hàng ấy, tôi ngồi ăn bánh tẻ, kẹo dồi, chè lam và nhót chín chấm muối ớt, vừa thõng chân trần đong đưa vừa phe phẩy chiếc quạt nan. Ánh nắng xiên xiên trong buổi trưa tĩnh mịch. Chiếc xe đạp cũng đang nghỉ những vòng quay. Yên bình và thư thái!


Đến Đường Lâm mùa này có nhót chín.


Bạn có thể tự hái.


Chè lam mới ra lò.


Nghỉ lại trong quán nước vối quen thuộc.


Món quà quê.

Chia sẻ