Cuối tuần ghé ăn chén súp cua nhà thờ Đức Bà 20 năm, lặng nghe hơi thở của đất Sài Gòn hoa lệ
"Có mấy ai chọn ngồi lại giữa Sài Gòn hoa lệ này, dù chỉ 15, 20 phút thôi để nhắm nháp cái chén súp cua thanh ngọt và an yên nghe từng nhịp đập hơi thở của đất thành đô".
Cứ mỗi tuần qua đi, tôi sẽ cho mình một vài giờ để ngơi nghỉ chỉ để cuốc bộ và tìm một chút gì đó hay ho nhỏ bé giữa thành đô Sài Gòn hoa lệ này. Và hôm nay là một buổi ngơi nghỉ như vậy. Tôi đi ngược chiều tan tầm, lướt qua những dòng người đang chí chóe ở các trung tâm thương mại để đến với cái gánh súp cua nhà thờ Đức Bà mà hàng 20 năm về trước, chiều nào ba cũng ghé mua cho tôi một ly mang về.
Còn nhớ hồi đó, gánh súp cua này được bán ở đầu đường Nguyễn Du gần trường tiểu học Hòa Bình, nhưng trải qua những thăng trầm thời gian, người bán súp đã già không đủ sức để gánh súp đi xa, thế là súp cua nhà thờ chọn dừng chân cố định ở một chỗ khác, nhưng lại vẫn kề bên nhà thờ như mối lương duyên từ tiền kiếp. Súp cua nhà thờ là phải vừa phải có súp cua, vừa phải gần nhà thờ.
Xe súp cua nhà thờ 20 năm, vẫn đứng đó, giản dị
Mải nghĩ vu vơ chuyện hồi xưa thì bỗng giật mình bởi vài sợi hương từ nồi súp nóng xộc mạnh vào mũi như thể chào mừng một vị khách quen lâu ngày mới ghé lại. Hóa ra tôi đã tới nơi cần tới, súp cua nhà thờ, vẫn giản dị và bình yên đứng đó, giữa lòng Sài Gòn 20 năm nay. Để cứ mỗi trưa chiều là tỏa hương "dụ dỗ" người đi đường, một mùi hương súp cua đặc biệt không lẫn vào đâu được khiến bụng ai nấy đều trỗi dậy cơn thèm ăn, đương nhiên là cả tôi cũng vậy. Lựa một chỗ ngồi hợp lý, tôi kêu cho mình một chén súp đầy đủ có cả trứng bắc thảo rồi ngồi chờ.
Thử hỏi một người Sài Gòn chính hiệu, ai mà không biết cái thương hiệu súp cua 20 năm tuổi này!
Chị gái bán hàng niềm nở quay lại hỏi "em có uống gì luôn không, chị sang đường kêu dùm cho chứ chỗ chị không có bán nước", trời ơi, Sài Gòn dễ thương là như vầy nè, hào sảng là như vầy nè, chỉ cần muốn là người ta sẵn sàng giúp mặc dù chẳng liên quan. Tôi lắc đầu bảo không, rồi buột miệng hỏi tiếp, "ủa chị, bà đâu sao giờ chưa ra bán hả chị?", thì lúc này chị đã làm xong chén súp cho tôi, vừa mang tới chị vừa nói, "mẹ chị già lớn rồi đâu còn bán nổi, mẹ giao lại cho chị bán hai năm nay rồi, mà hỏi vậy chắc lâu rồi em không ghé hả? hồi đó chắc cũng hay ăn mẹ chị nấu. Mà em yên tâm đừng lo, chị nấu công thức y như mẹ nên không dở hơn đâu, ai cũng bảo ngon hết". Xong tôi cười nhẹ rồi tập trung vào "chuyên môn" của mình là ăn.
Vẫn rất giản dị nhưng mùi vị thì không thể chê vào đâu được
Quả thật chị nói đúng, mùi vị và thành phần không hề thay đổi sau từng ấy năm. Vẫn chén súp thơm đậm và bắt mắt với đầy đủ ngò, ớt nằm trên cái lớp súp đặc mà không đặc, lỏng mà không lỏng, nó cứ sóng sánh mướt rượt chứa đựng bên trong biết bao nhiêu là thứ như nấm đông cô, nấm tuyết, lòng trắng trứng, thịt gà và tất nhiên rồi, là cua. Vị súp thì khỏi phải bàn, bao nhiêu năm qua, tôi từng có dịp thử rất nhiều chén súp cua được bán khắp nơi ở cái đất Sài Gòn này nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy thực sự thỏa mãn vị giác như khi ăn súp ở đây. Cái vị rất khó diễn tả, ăn vào thì thấy ngòn ngọt đậm đà, tràn khắp khoang miệng và một chút gì đó thanh thanh nơi cuống họng, sau đó thì đọng lại vị béo béo từ đầu tới cuối lưỡi.
Vẫn chén súp thơm đậm và bắt mắt sau bao nhiêu năm tìm về
Rồi nếu cắn thêm một tí trứng bắc thảo ăn kèm thì chao ôi, vị giác lại được tiếp nhận một cuộc thay đổi ngoạn mục khác, bởi sự kết hợp tài tình đến mức vô lý kia. Bản thân trứng bách thảo thì ngây ngấy, đậm vị, bùi bùi mà súp thì ngọt thanh, tưởng chừng như hai thứ không liên quan với nhau khi kết hợp sẽ kỳ lắm, nhưng thử đi, thử một lần đi bạn sẽ chìm đắm trong cái gọi là sự thăng hoa trong ẩm thực.
Thậm chí, ăn súp ở đây tôi có cảm giác như mình được quay về nhiều năm về trước, hồi còn bé, như thể mình chỉ cần ăn súp ở đây mỗi ngày là lớn nhanh trong vài cái chớp mắt, để cuối cùng nhìn lại, không nhớ món gì ngoài súp cua nhà thờ. Tôi tin rằng ai đã một lần ăn súp ở đây hồi bé thì đều như vậy, để khi lớn như tôi bây giờ, thi thoảng vẫn muốn tìm về nếm trải ký ức tuổi thơ. Tôi hỏi chị bán, "ủa bán ở đây như vầy, rồi thỉnh thoảng có ai tới ăn mà bảo là mối của súp nhà chị từ nhỏ không?".
Có ai thấy thân quen với hình ảnh nồi súp nóng thơm này không?
Chị nhanh nhẩu đáp: "Có chứ em, nhiều nữa là khác. Nhiều người nói hồi nhỏ đã quen mặt với mẹ chị mỗi ngày luôn, lớn có gia đình, có con vẫn còn thích ăn súp ở đây. Hồi đó, mẹ chị còn bán, nhiều cựuhọc sinh trường tiểu học Hòa Bình nè, cứ chở vợ con tới khoe với mẹ luôn đó. Nghĩ cũng vui, buốn bán bằng cái tình nên người ta thương, người ta nhớ thôi em à, chứ súp cua bây giờ ở Sài Gòn không thiếu, cũng đầy đủ, cũng ngon như của chị bán mà ngộ, nhất quyết phải ăn ở đây mới chịu".
Đó, tôi nói đâu có sai, nếu ai có một cái gì đó gắn kết hồi bé, thì lớn lên cũng có xu hướng tìm về. Để thể hiện cái tình, cái lòng cảm ơn tới thứ đã dung dưỡng mình từ hồi còn bé, như tôi chẳng hạn. Tôi gắn kết với nơi này không phải chỉ vì súp ngon, một phần là ăn súp ở đây thoải mái dễ chịu lắm, ngày trước ngoài góc đường cũng vậy, sau khi xe súp nép mình ở một lối nhỏ của chung cư cũ như bây giờ cũng vậy. Cứ ngồi xuống thì sẽ được đón tiếp bằng nụ cười dân dã rất Sài Gòn của chị bán súp, của anh gửi xe, của cô bán nước bên đường, của ông chú bán phở kế bên và cả của những bác lái xe ôm vào ăn súp buổi chiều, cho có sức để chạy tiếp những cuốc xe mưu sinh cuối cùng trong ngày.
"Tôi gắn kết với nơi này không phải chỉ vì súp ngon, một phần là ăn súp ở đây thoải mái dễ chịu lắm, ngày trước ngoài góc đường cũng vậy, sau khi xe súp nép mình ở một lối nhỏ của chung cư cũ như bây giờ cũng vậy"
Và ngồi ăn súp ở đây, bạn sẽ thấy mình "giàu có" biết chừng nào khi nhìn ra dòng người hối hả ngoài kia, cứ liên tục lướt qua với nỗi vất vả thường ngày. Nhưng có mấy ai chọn ngồi lại giữa Sài Gòn hoa lệ này, dù chỉ 15, 20 phút thôi để nhắm nháp cái chén súp cua thanh ngọt và an yên nghe từng nhịp đập hơi thở của mảnh đất thành đô. Thi thoảng, ngồi trong cái lối nhỏ của chung cư cũ kỹ để ăn súp, bạn còn lắng nghe được nhiều hơn về những thanh âm thành thị như tiếng của bầy sẻ xù lóc chóc trên đầu, giọng ca cải lương ngọt như mía lùi của cụ bà ở trong một ngôi gia nào đó, rất gần, hay tiếng meo meo dễ thương của mấy con mèo luồn luồn dưới chân xin ăn chút súp,… những âm thanh đó, nó luôn cận kề bên mỗi người ở thành phố, nhưng có phải lâu rồi bạn không còn nghe thấy hay đúng hơn là bạn không còn chọn cách lắng lòng lại để nghe. Đấy, thế mới nói Sài Gòn cái gì cũng có nếu bạn đủ "giàu" trong tâm hồn.
" Đấy, thế mới nói Sài Gòn cái gì cũng có nếu bạn đủ "giàu" trong tâm hồn"
Thoáng cái hết chén súp, ăn xong bỗng thấy lòng nhẹ lâng lâng, cứ tủm tỉm cười hoài vì vui. Chị bán súp thấy lạ, lại lên tiếng hỏi tôi, "ủa sao cười vậy em, súp không ngon như chị nói hả, hay không đủ ăn, chị cho thêm", tôi nói không, súp ngon nhưng tại tôi nghĩ vài chuyện buồn cười nên cười thôi, thế là chị xuề xòa cười, bảo "cái thằng, làm chị hết hồn tưởng nay lố tay thảy vô nắm muối nên nguyên nồi súp mặn chát là chết luôn", rồi hai chị em ha hả cười khiến dòng người ngoài kia tưởng có chuyện chi thú vị, ghé mắt nhìn vô. Tôi đứng dậy, quệt mỏ vuốt bụng, tính tiền rồi chào chị ra về. Trước khi về hẳn tôi còn thong dong thả bộ ra nhà thờ Đức Bà coi người ta cho bồ câu ăn,"vậy mới đúng điệu hưởng trọn chén súp cua nhà thờ chứ", tôi nghĩ thầm. Chợt từ phía sau có tiếng gọi:
"Lần sau nhớ ghé nữa nghen em!".
Tôi quay lại gật đầu đồng ý. Gì chứ quay lại thì chắc chắn rồi, tôi vẫn còn muốn thêm nhiều lần ngồi xuống ăn súp cua nhà thờ ở 86 Nguyễn Du này để thấy Sài Gòn còn tình tứ dễ thương mà!
20 năm, một khoảng thời gian dủ dài và đủ lâu để hương vị của từng chén súp ăn sâu vào tiềm thức của những thực khách thân quen
Súp cua nhà thờ, một cái danh xưng kỳ lạ mà đã trở thành huyền thoại của biết bao nhiêu thế hệ con nít và người lớn đất Sài Gòn này. 20 năm, một khoảng thời gian dủ dài và đủ lâu để hương vị của từng chén súp ăn sâu vào tiềm thức của những thực khách thân quen. Mà mãi về sau, dù đã lớn, đã già hay đã lưu lạc xa xứ thì mỗi khi thèm súp, họ đều nhớ về súp cua nơi đây, mong mỏi được thêm một lần nữa ngồi xuống, múc từng muỗng súp trong một ngày lặng lẽ...