Cuối tuần chán cơm chán phở, ra bờ hồ Trúc Bạch nếm thử món đậu phụ "ca la thầu" độc lạ ngon khó quên
Quán vỉa hè Hà Nội thì nhiều, nhưng dám cá là không đâu có món ăn nóng hổi, lạ miệng như đậu phụ ca la thầu, được bà chủ ở đó biến tấu thành thứ độc nhất vô nhị, chỉ ở Nguyễn Biểu mới có.
Chiều muộn. Sau khi ăn hết một tô bún vịt tuyệt ngon, tôi thảnh thơi cuốc bộ về nhà. Khu tôi ở đúng là thiên đường ăn uống. Nhưng chưa kịp xuôi bụng thì sự nghiệp tăng cân của tôi lại bắt đầu.
- Ca la thầu chị ơi, mát giời thế này không đi phí.
- Nhưng mà vừa ăn xong, mới cả lên đấy xa lắm...
- Ăn sớm thế, tối lại kêu đói. Xa gì, 5 phút nữa em tới rồi. Chị mời em nhé, hì hì.
Ô hay, nó rủ tôi đi mà tôi lại phải mời. Nhưng mà thôi, nó nhắc đúng món tôi đang nghĩ tới khi thấy trời chiều trở gió. Phải lành lạnh ăn "ca la thầu" mới ngon. Chắc chắn nhiều người nghe lạ tai lắm đúng không. Nhưng tin tôi đi, cứ đến góc phố Nguyễn Biểu ngay sát hồ Trúc Bạch, đoạn Quán Thánh đâm vào cỡ 20 mét, thấy cái quán vỉa hè nào đông nhất thì tấp vào giùm tôi, gọi một nồi... đậu phụ, bạn sẽ khám phá ra sự thật về tên gọi lạ và hiểu nỗi say mê của tôi với món ăn ngon lành được bà chủ ở đó biến tấu thành thứ độc nhất vô nhị, chỉ ở đó mới có.
Quán ăn vặt cô Mai tọa lạc bên góc đầu phố Nguyễn Biểu, đối diện bờ hồ Trúc Bạch.
"Người ta cứ đồn quán cô mở lâu lắm rồi nhưng thực ra mới được gần 2 chục năm thôi, từ hồi cô chưa về hưu. Ngày trước cô làm công chức bên dược, sáng làm chiều về mở quán bán thêm thu nhập thôi, sau này nghỉ hưu mới chính thức tập trung kinh doanh, nhưng cô vẫn giữ thói quen 5 rưỡi chiều mở 9h tối dọn hàng. Khách đông lắm, bận mệt nhưng mà vui". Cô Mai chủ quán vừa rán khoai vừa nhẹ nhàng kể chuyện cho tôi nghe.
Đã ngoài 50 rồi nhưng trông cô trẻ hơn tuổi, duyên và mến khách. Cô khoe con rể cũng làm truyền hình, nhưng mà sang Nhật rồi, chứ lâu nay cũng được "lên sóng" suốt. Bảo sao, cô xởi lởi với mọi người lắm, kể cả khách ghé qua không ăn, ngồi uống cốc nước hỏi chuyện thôi cô cũng sẵn sàng tiếp đãi nhiệt tình. Quán cô mở hồi đầu có ít món, chỉ loanh quanh lòng dồi, cháo lòng, ăn vặt lai rai, bây giờ menu đã tăng lên hơn chục món, chủ yếu là phục vụ khách ngồi nhậu, vừa trò chuyện vừa ăn, bàn nhân tình thế thái, ngồi từ chiều đến tối cô cũng không phàn nàn gì, chỉ thấy vui, vì đa số những người ghé vào ăn đều quay lại. Ngon là một phần, chủ yếu là để gặp cô Mai - bà chủ quán ven hồ Trúc Bạch thân thiện vô cùng.
Khi tôi đến, quán vãn bớt khách rồi mà bà chủ vẫn tươi cười làm luôn tay.
Bàn đồ ăn này vẫn nguyên vẹn chẳng thay đổi suốt gần 20 năm qua, có chăng chỉ nhiều thêm hộp, lọ...
Cô Mai có khá nhiều bí quyết nấu ăn ngon lành độc lạ mà chỉ tới đây ăn rồi mới biết.
Cô sáng tạo ra khá nhiều món ngon.
Chúng tôi đến quán hơi muộn, nhưng khách vẫn ngồi chật kín các bàn. Tối, gió lạnh hơn từ hồ thổi vào, góc ngã ba nơi quán tọa lạc cũng lộ thiên nên mọi người rủ nhau nem nép vào cạnh quầy nấu nướng của cô Mai cho ấm, tiện thể buôn dưa với cô mấy câu. Tôi ghé qua mấy lần rồi nên cô nhớ mặt, biết tôi thích ăn gì nên hỏi luôn "Hôm nay ăn nhiều hay ít?". Tôi biết là cô thường ưu ái cho tôi thêm mấy miếng đậu, khá đầy đặn nên cười bảo như mọi khi thôi, bạn tôi thích lai rai nên gọi món lòng dồi thập cẩm rán. Gọi thêm 2 ly nước vối, ở đây không xài trà đá đâu ạ, ăn mấy món cay nóng giữa trời lạnh, nhai chán chê làm hớp vối xanh, hơi đắng nhưng sau đó ngọt lịm trong miệng, khoan khoái dễ chịu vô cùng. Mà bây giờ đâu đâu cũng trà đá, kiếm được mấy chỗ hãm nước vối còn nguyên hương vị như ngày xưa như quán cô Mai, giống y ông bà ta hay làm, thật là một trải nghiệm đáng giá.
Có nhiều khách đến đây, du lịch bụi, Tây balo, người Hà Nội sành ăn, sinh viên... nhưng tựu chung lại là họ thích cảm giác ngồi ăn thoải mái trên vỉa hè, vướng cái cột điện to đùng, bàn ghế thì mấp mô do gạch lát... không phẳng, nhưng chẳng sao cả, thế nó mới hay.
Nhiều khi khách đông, chờ rất lâu mới tới lượt.
Nhưng mọi người đến đây vẫn luôn vui vẻ.
Cô Mai kể, có những người ăn ở nhà cô từ hồi cấp 3, số năm ngồi đây xấp xỉ tuổi của quán. À quên chưa kể, chỗ cô bày hàng bán thực ra là cái lan can bao quanh nhà cô ngày xưa, căn tập thể số 2 Nguyễn Biểu, ban ngày là tiệm vá xe, chiều cô mở quán ăn vặt. Giờ họ lấy vợ gả chồng, con cái lớn tướng rồi vẫn thường xuyên đưa cả nhà đến ăn. Nhóm thanh niên ngồi ngay sau tôi, một cô gái tên Linh hào hứng "chém gió" với cô chủ quán: "Tụi cháu tuần nào cũng ghé đây hội họp, hôm nay mát trời khuyến mãi chai rượu cô nhé. Cháu thích nhất món lòng dồi thập cẩm rán, cô cho cháu nhiều dạ dày một tí nhai dai dai cho vui". Cô Mai cười xòa, gật đầu nhất trí. Trời lất phất mưa, nhưng mọi người cũng không bận tâm mấy, vẫn nhiệt tình nói cười rôm rả dưới gốc cây cổ thụ phủ kín trời đêm bên trên.
Thực đơn ở đây khá phong phú, có các món ăn vặt như khoai rán, đậu lướt ván, lòng luộc, dồi rán, ếch chiên bơ... nhưng món khiến mọi người ấn tượng nhất, trong đó có tôi, là đậu phụ cay. Tới quán gọi món này, cô Mai bắt đầu gắp lần lượt nguyên liệu vào trong một cái niêu đất tròn, sạch, thường thấy khi kho cá, xếp đậu, nấm hương, gia vị, hành tiêu muối rồi để lên bếp than riêng đun với nước, và bí quyết độc đáo nhất nằm ở thứ có tên "ca la thầu". Bà chủ dí dỏm nói nhỏ: "Nó đơn giản là củ cải muối thái nhỏ thôi, bên Tàu họ hay dùng để nấu các món truyền thống. Thực ra món này cô mô-đi-phê đấy, làm gì có trên đời (cười lớn). Cô cứ nghiên cứu ẩm thực đường phố, tham khảo các nơi, xong rồi tự mày mò ra, thấy chả ở đâu có, khách cứ khen là lạ, cũng vui. Bao năm nay nhiều người tới đây chỉ gọi mỗi món này".
Cô Mai luôn ưu ái giới thiệu món ăn ngon nhất, nổi tiếng nhất của mình mỗi khi thực khách đến hỏi.
Một niêu đậu phụ cay có rất nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau.
Con trai cô Mai cẩn thận bưng món ăn ra bàn cho khách, lót bằng đĩa nhựa có giấy mềm.
Khi được mang ra, niêu đậu phụ "ca la thầu" vẫn còn sôi sục bốc khói.
Món ăn cay nóng hợp trời lạnh này ăn kèm với bún rối và rau thơm.
Một thứ đặc biệt nữa mà cô Mai cho vào âu đậu phụ cay là hạt đỗ tương tẩm nhiều loại gia vị thuốc bắc. Cô không tự làm được nguyên liệu này, phải đi mua ở tiệm thuốc Bắc, cũng ít chỗ có. Hạt đỗ tương đen xì, nhỏ bằng đầu móng tay, bé mà lợi hại, chỉ một thìa thôi cũng khiến nồi đậu phụ dậy lên hương vị thơm nồng khó tả, ai ăn không quen lỡ nhai phải hạt này sẽ thấy khó nuốt, bỏ qua cũng chẳng sao, nhưng nếu ăn chung với vài lát đậu phụ trắng, kèm nấm hương thơm ngọt mềm mại trong miệng, sẽ thấy rất ngon và độc đáo.
Cận cảnh "ca la thầu" - củ cải muối thái sợi vừa ngon miệng vừa đẹp mắt.
Ngoài món ăn có 1 0 2 ở trên thì quán cô Mai còn được ưa chuộng bởi món lòng dồi thập cẩm rán.
Nước canh đậu phụ khá cay, nếu không ăn được cay thì dặn cô chủ bớt liều lượng trước khi nấu. Món ăn thú vị này sẽ được bưng ra bàn khi vẫn còn sôi sùng sục, dùng một cái gắp sắt đặc chế riêng bê từ bếp đến chỗ thực khách. Món này được ăn kèm với bún và rau thơm, có 70 nghìn mà 2 người ăn không hết, rất no và đậm đà, vừa mang hương vị Việt Nam, vừa pha trộn với tinh hoa ẩm thực phương Bắc, hao hao món đậu Tứ Xuyên, nhưng không cay bằng, và cách làm chỉ... riêng cô Mai mới sáng chế ra được!
Tối nào cô Mai cũng tất bật đun nấu liên tục
Nhưng với cô, đó là niềm vui tuổi già, ai khen gì cô cũng đều thấy hạnh phúc
Bà chủ quán hiếu khách luôn làm mọi người thấy dễ chịu, yêu mến nơi này
Nói đến ẩm thực Hà Nội thì người ta thường nghĩ đến bún chả, bún thang, phở Thìn phố cổ, rồi hoa quả dầm Tô Tịch, kem Tràng Tiền... Nhưng ở nhiều góc nhỏ khiêm tốn hơn, khắp các con phố cũ xưa của nơi phồn hoa đô hội này, vẫn có những hàng quán lâu đời mang nét riêng độc đáo không lẫn đi đâu được, do những người phụ nữ tài hoa khéo léo của đất kinh kỳ sáng tạo và lưu giữ. Chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn, ngồi một góc nhỏ nhỏ thôi, gọi ly trà, mần thêm món ngon nhất, nổi tiếng nhất ở các hàng quán ấy, như đậu phụ "ca la thầu" do cô Mai mô-đi-phê ra vậy, sẽ thấy cuộc sống thú vị làm sao, có những khoảnh khắc thật thoải mái dễ chịu, tự cho phép mình bước ra khỏi những xô bồ mệt mỏi của vòng quay công việc, suy nghĩ. Cuối tuần chán cơm chán cả phở, dành cho mình một buổi rảnh rỗi đến số 2 Nguyễn Biểu cạnh bờ hồ Trúc Bạch thử xem, rất đáng để trải nghiệm. Không cầu kỳ, không đòi hỏi tao nhã, chỉ giản dị và đời thường bên vỉa hè vậy thôi.