Cuối tuần bạn tập luyện nhiều hơn thì cũng cần cẩn thận để tránh những chấn thương này
Chấn thương khi tập thể dục có thể xảy ra với bất kì ai và ở bất kì hình thức tập luyện nào, cho dù đó chỉ là đi bộ.
Cho dù bạn có nhiều kinh nghiệm hay tập luyện thường xuyên thì không có nghĩa là không bao giờ bạn bị chấn thương. Có chăng thì nguy cơ và tần suất bị chấn thương ít hơn mà thôi. Chấn thương khi tập thể dục có thể xảy ra với bất kì ai và ở bất kì hình thức tập luyện nào, cho dù đó chỉ là đi bộ.
Nhưng điều may mắn là bạn hoàn toàn có thể loại bỏ phần lớn chấn thương nếu biết về nguy cơ và cách phòng ngừa trong tập luyện.
Các chấn thương mà chúng ta thường gặp trong quá trình tập bao gồm: Căng cơ, căng dây chằng; Trật khớp; Viêm hay bong gân...
Dưới đây là 5 loại chấn thương rất dễ gặp nhưng hầu hết chúng ta lại không chú ý tới.
1. Hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày là một bệnh lý thường gặp trong các hoạt động thể thao. Chấn thương này thường xảy ra với vận động viên chạy bộ và đạp xe. Hội chứng xảy ra khi dải chậu chày - dây chằng chạy dọc bên ngoài của đùi từ hông đến cẳng chân bị ép chặt và viêm.
"Đạp xe nhiều có thể gây đau ở vùng bên ngoài của đầu gối", Giáo sư Kinesiology Cindy Trowbridge nói. Hội chứng này cũng có thể xảy ra khi vận động viên đi giày mòn, chạy trên địa hình không bằng phẳng, chạy xuống/lên dốc, chạy quá nhiều...
Giải pháp phòng tránh:
Nếu bạn là một tay đua xe đạp, bạn hãy đảm bảo chiều cao của yên xe phù hợp với chiều cao của bạn - không quá cao hay quá thấp. Nếu là người chạy bộ thì bạn nên khởi động trước khi chạy và chắn rằng giày của bạn chưa bị mòn đế. Ngoài ra, bạn nên tránh chạy trên đường bê tông.
2. Đau xương bánh chè
"Đau ở phía dưới xương đầu gối, đau nhức ngay cả khi đi bộ xuống cầu thang hay ngồi gập gối trong thời gian dài đều có thể là dấu hiệu của đau xương bánh chè", Giáo sư Kinesiology Cindy Trowbridge cho biết.
Thỉnh thoảng bạn cũng có thể nghe thấy tiếng răng rắc khi bạn cử động khớp gối, điều này sẽ khiến bạn khá là hoảng sợ. Chạy, nhảy hoặc ngồi xổm nhiều đều có thể khiến bạn bị đau khớp đầu gối.
Giải pháp phòng tránh:
Bạn nên tập các bài tập luyện tập cơ đùi trước. Tránh quỳ hoặc ngồi xổm nhiều lần.
3. Viêm gân bắp tay
Đau ở phía trước vai và phần bắp tay yếu có thể là dấu hiệu của viêm gân bắp tay. Cử tạ, bơi lội, quần vợt hay chơi golf đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Viêm gân bắp tay là tình trạng viêm xảy ra khi một dây chằng gắn với xương vai.
David Geier, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Charleston, Nam Carolina (Mỹ) nói: "Va chạm và chấn thương dây chằng vai có thể đi kèm với viêm gân bắp tay. Bạn sẽ cảm thấy đau và khó chịu ở phần phía trước của vai, cơn đau sẽ xuất hiện rõ ràng hơn nếu bạn nâng vật gì đó nặng".
Giải pháp phòng tránh:
Hãy thay đổi các hoạt động tập luyện của bạn để tránh các động tác tập không lặp đi lặp lại. Thêm nữa, các động tác động phải từ từ và chính xác. Giữa các bài tập bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi.
4. Chấn thương ở ngực
Mất kiểm soát khi nâng tạ quá nặng có thể gây ra một chấn thương nghiêm trọng với ngực. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình David Geier nói: "Khi bị chấn thương ở ngực, vùng da ngực của bạn sẽ chuyển sang màu xanh đen. Các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ mất một vài ngày để xác định các chấn thương".
Giải pháp phòng tránh:
Hãy chắc chắn rằng bạn có thể kiểm soát được trọng lượng của quả tạ bạn đang nâng.
5. Chấn thương vùng bả vai
Theo bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình David Geier, nếu nghe thấy âm thanh lục cục trong khi đang nâng một vật gì đó trên bả vai thì có thể là dấu hiệu của chấn thương bả vai. Chấn thương bả vai có thể xảy ra khi bạn gặp phải một chấn thương trực tiếp vào vai, giống như việc nâng tạ lên và bạn bị mất kiểm soát, tạ bị rơi xuống ngay trên bả vai.
Giải pháp phòng tránh:
Thật khó có thể phòng tránh được việc này nhưng nếu có thể thì bạn nên đổi bài tập luyện.