Cưới nhau vẫn không biết thu nhập thì quản lý chi tiêu thế nào?
Cặp vợ chồng này đã có cách quản lý chi tiêu gia đình khá mới lạ.
Không biết thu nhập của nhau từ thời mới còn hẹn hò
Gia đình Linh Trần (sinh năm 1993) gồm 2 vợ chồng và em bé 16 tháng, hiện sống ở Hà Nội. Linh cùng chồng có cách quản lý chi tiêu khá đặc biệt, từ khi yêu nhau cả 2 đã thống nhất không công khai thu nhập.
"Trước khi có con, vợ chồng mình không có quỹ chung mà sẽ phân chia nhiệm vụ ai trả tiền cho khoản mục nào. Ví dụ: mình sẽ phụ trách tiền điện, nước, đi chợ, mua sắm quần áo, phụ kiện nhà cửa… Còn chồng sẽ phụ trách chi phí ma chay cưới hỏi, tiền đi ăn hàng hoặc tiền đi du lịch".
Sau khi có con, Linh nghỉ làm ở nhà và kiếm tiền qua các hoạt động online, còn chồng thì về quản lý công ty nhỏ của gia đình. Mỗi tháng, chồng sẽ đưa Linh 15 triệu để chi tiêu lặt vặt cho 2 mẹ con, phần thiếu còn lại Linh sẽ chủ động chi trả. Còn lại tất cả các chi phí khác bao gồm: điện nước, xăng xe, điện thoại, du lịch, siêu thị, ăn hàng,... chồng Linh sẽ chi trả.
Cụ thể, hàng tháng khoản chi tiêu chung của cả gia đình khoảng 30 triệu đồng. Hiện tại, Gừng - con của vợ chồng Linh chưa đi học nên mỗi tháng chi phí cho tiền ăn uống, vui chơi, mua sắm quần áo/bỉm sữa hết khoảng 6 triệu đồng. Có con nhỏ nên nhà Linh chủ yếu di chuyển bằng ô tô, chi phí xăng xe vào khoảng 4 đến 5 triệu/tháng.
Bên cạnh đó, tiền điện thoại vào khoảng 6-700 nghìn đồng. Điện nước cũng tốn 1 khoản không nhỏ, nhất là vào mùa hè, có những tháng gia đình Linh hết đến hơn 3 triệu tiền điện vì quá nóng mà nhà lại có con nhỏ nên bật điều hòa 24/7. "Bố Gừng đi làm cả ngày nên cả nhà chỉ ăn với nhau buổi tối, tính cả những lần đi ăn ngoài hàng thì trung bình 1 tháng cũng phải hết khoảng 10 triệu tiền ăn. Ngoài ra, bọn mình cũng có mua bảo hiểm nhân thọ, 1 năm tổng 35 triệu để phòng những lúc ốm đau".
Mặt khác, vợ chồng Linh có khoản tiết kiệm riêng, khoản tiền tích lũy "bỏ lợn đất" chung duy nhất là dành cho con cái. Toàn bộ tiền được cho từ khi sinh con, sinh nhật, mừng tuổi… Linh sẽ cầm hết và cho vào tiết kiệm. "Mỗi tháng mình sẽ bỏ thêm cho con 5 triệu nữa, khoản này là từ 15 triệu bố Gừng đưa đầu tháng".
Được biết lý do quyết định không công khai thu nhập là vì vợ chồng Linh quan điểm không công khai sẽ không có so sánh dẫn đến áp lực rằng bản thân sẽ cần phải kiếm nhiều tiền hơn. "Bí mật về kinh tế, mình thấy mỗi lần chi tiêu cho bản thân cũng thoải mái hơn cũng như mua quà cho đối phương cũng không bị hỏi là tiền ở đâu ra. Mình chắc chắn là cả 2 đều sẽ tò mò về số tiền đối phương kiếm được, tuy nhiên điều này sẽ tránh được áp lực tài chính như mình đã nói trước đó".
Cố gắng tiết kiệm chứ không phải chi tiêu dè sẻn
Được biết "tăng xin giảm chi" là cách vợ chồng Linh tiết kiệm tiền. "Mình thấy có nhiều gia đình ngại việc xin hoặc sử dụng lại đồ được cho. Tuy nhiên, nhà mình thì khác, chỉ cần đồ mình thấy cần và phù hợp thì mình sẽ mạnh dạn xin hoặc ngay lập tức nhận lời khi có ai muốn cho". Ví dụ, khi sinh Gừng, từ quần áo sơ sinh, cũi, địu đến đồ chơi… gần như Linh không cần phải mua gì, vì tất cả cô đều được cho hoặc xin được.
Tuy nhiên, gia đình Linh không chạy theo việc chi tiêu dè sẻn mà sẽ cố gắng chi tiêu hợp lý, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết và đã mua là sẽ cố gắng mua đồ chất lượng nhưng vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế.
"Trước kia mình hay mua mấy đồ rẻ tiền vì nghĩ như thế là tiết kiệm. Tuy nhiên sau 1 thời gian, mình thấy những thứ đồ ý rất nhanh hỏng và phải thường xuyên thay. Thế nên bây giờ, khi cần mua đồ gì, mình sẽ ưu tiên đồ xịn, dù giá cả có thể hơi đắt 1 chút nhưng chất lượng tốt và thời gian sử dụng cũng sẽ lâu hơn. Ví dụ, thay vì mua những chiếc hộp nhựa 20-30 nghìn, mình đã dùng hộp khá đắt tiền để đựng thức ăn, nồi chảo cũng ưu tiên những dòng có thương hiệu thay vì chạy theo giá và hình thức,… Thay vì mua 1 sản phẩm giá rẻ, dùng được 1-2 tháng phải thay thì mình nên tiết kiệm để mua 1 thứ xịn và dùng được nhiều năm".
Một số nguyên tắc chi tiêu giúp gia đình Linh quản lý tài chính tốt hơn đó là:
- Trước khi mua gì đó, Linh sẽ cân nhắc xem mình thật sự "cần" nó hay chỉ là mình "muốn" nó thôi. Ví dụ, 1 chiếc máy xay, trước khi có Gừng, cô rất thích nhưng quyết định không mua vì chưa thấy cần thiết. Nhưng sau này, khi Gừng ăn dặm, mỗi tuần cô đều cần xay đồ cho con từ 3-5 lần, chiếc máy xay lại trở nên cần thiết nên Linh đã quyết định mua.
- Linh hạn chế ngay lập tức mua 1 thứ gì vừa thoáng qua đầu. Cô sẽ để nó vào giỏ đồ, và nếu 1 tháng sau kiểm giỏ mà vẫn thấy nó cần thiết thì mới nghĩ đến việc chốt đơn.
Sau trải nghiệm cá nhân, Linh cho rằng nên ổn định kinh tế trước khi kết hôn, để không ai là gánh nặng của ai. Ổn định ở đây là có công việc và nguồn thu đều đặn chứ không nói đến việc nhiều tiền hay ít tiền.
Nói về tương lai, Linh Trần chia sẻ: "Bé con nhà mình sắp đến tuổi đi học. Đồng thời, bọn mình cũng có ý định đổi sang nhà rộng hơn nên mình đang nghiên cứu để kiếm thêm nguồn thu khác, cùng nhau cố gắng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả gia đình".