Cuối năm, cảnh giác trước những tên trộm "diễn kịch như thần"
Gặp phải những tên trộm "diễn kịch như thần" hoặc tinh vi "dàn cảnh" cướp tài sản, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu cảnh giác.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp mà kẻ trộm ung dung "diễn kịch" để lấy cắp tài sản. Điển hình trong số đó là vụ việc xảy ra vào ngày 25/11, khi đối tượng Nguyễn Văn Nga (25 tuổi, ở Yên Dũng, Bắc Giang, tạm trú Hoàng Mai, Hà Nội) giả vờ làm quen để trộm cắp.
Nguyễn Văn Nga bị các sinh viên vô tình chụp được khi đang ngồi tăm tia trộm cắp
Buổi sáng hôm đó, Nga lân la nói chuyện với những thành viên cùng lớp của nữ sinh Hoa. Ngồi gần 1 tiếng, nhân lúc mọi người sơ hở, Nga mất hút cùng chiếc điện thoại LG P698 và 600.000 đồng. Cùng ngày, tại lớp học B206, thầy Trần Đình Bích ra ngoài có việc, Nga đi vào khu vực bàn giảng viên, gọi điện thoại nói tên thầy Bích rồi cầm chiếc cặp đựng máy tính xách tay đi. Khi đó, các sinh viên không hề nghi ngờ, vì tưởng đó là bạn của thầy giáo. Sau khi nạn nhân trình báo, cơ quan công an đã mật phục và bắt giữ đối tượng Nga.
Có tên trộm thậm chí còn cả gan giả công an để lấy trộm tài sản. Đó là thủ đoạn của Lê Trung Đức (SN 1989, trú tại xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Tên trộm này sau khi bị bắt khai nhận đã giả danh công an để tạo niềm tin đối với những người xung quanh và tạo dựng các mối quan hệ.Vào ngày 21/9, Lê Trung Đức trộm của anh Nguyễn Văn Quý (quê ở xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà) ở cùng dãy trọ 1 máy tính xách tay trị giá khoảng 18 triệu đồng, mang đi cầm đồ lấy tiền tiêu xài.
Nhiều tấm ảnh Đức trong trang phục công an
Khi anh Quý phát hiện bị mất đồ, Đức đã tự nhận mình là công an và nhận lời đi điều tra giúp anh Quý. Sau một thời gian giả vờ điều tra, Đức thông báo đã tìm thấy máy tính ở một cửa hiệu cầm đồ và chỉ anh Quý đến để chuộc về. Sau khi chuộc máy về, Đức lại ăn trộm chiếc máy tính đem đi cầm cố lần thứ hai. Màn kịch của Đức chỉ bị lật tẩy khi công an vào cuộc điều tra.
Đặc biệt, vào mùa cưới những tháng cuối năm còn xuất hiện loại tội phạm chuyên giả khách ăn cưới để trộm cắp. Trường hợp điển hình là Nguyễn Đức Thành (29 tuổi, trú phường Kim Long - Huế), bị khởi tố vào ngày 16/12. Trước đó, Thành phát hiện bà Nguyễn Thị Minh Hòa mở cốp xe máy lấy tiền bỏ vào phong bì chuẩn bị đi mừng đám cưới người thân liền lén lút cậy, lấy một điện thoại di động và 220.000 đồng.
Chiêu trò "dàn cảnh" để trộm cướp
Vờ hỏi đường để trộm xe máy là chiêu mà các đối tượng sử dụng để "ra tay" với ông Đào Lê Nghiêm (64 tuổi, quê Nam Định) - làm bảo vệ tại khách sạn Sông Hàn (ở số số 197A, đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận).
Vị trí nơi chiếc xe máy bị mất trộm.
Theo đó, sáng 16/12, trong lúc chuẩn bị giao ca cho bảo vệ khác, bất ngờ một đối tượng nam giới (khoảng 45 tuổi) nói giọng Bắc (da đen, cao khoảng 1,7 mét, chạy xe máy Dream) đến gần trước khu vực khách sạn và gọi với để hỏi đường.
Do nghĩ là người đi đường cần sự giúp đỡ nên ông Nghiêm chạy ra chỉ dẫn tận tình. Khoảng gần 30 giây sau đó, bảo vệ Nghiệm quay lại chỗ làm thì tá hỏa khi không thấy chiếc xe hiệu Honda PCX, BKS 55P1-121.48 của khách đang dựng trước khách sạn nữa. Cùng lúc đó, người đàn ông hỏi đường cũng biến mất dạng.
Đây chỉ là một trong số nhiều kiểu "dàn cảnh" để đánh lạc hướng nhằm cướp xe máy của bọn trộm cắp. Thời gian qua, rất nhiều người đi đường bị giật đồ, móc túi, đòi tiền bồi thường do va quẹt giao thông… theo chiêu thức dàn cảnh. Khi thì vờ đánh ghen, khi thì kiếm chuyện đổ tội rồi đánh vào mặt nạn nhân, khi thì giả vờ va quẹt... để đồng bọn móc túi hoặc trấn lột.Nhiều băng nhóm chuyên thực hiện việc dàn cảnh để trộm cắp tài sản đã bị bắt. Tuy nhiên, những chiêu lừa khá cũ này vẫn tiếp tục được bọn chúng khai thác, càng gần Tết càng có thêm nhiều vụ trấn lột tương tự, gây bất an cho người dân.
Nguy cơ rình rập quanh máy ATM
Vào thời điểm cuối năm, người dân nên đặc biệt cẩn thận trước những chiêu trộm cướp quanh khu vực cây ATM. Kẻ gian thường có rất nhiều thủ đoạn để lừa đảo, đánh lạc hướng người dân để dễ bề chiếm đoạt tài sản.
Vào ngày 8/3, chị N.T.M.P (SN 1993, tạm trú ở Minh Khai, Từ Liêm) đã bị một tên lừa đảo vờ nhờ rút tiền hộ từ cây ATM để cướp giật. Hôm đó, khi chị P đang đứng đợi xe buýt trước cổng làng Nguyên Xá (Minh Khai, Từ Liêm), có 1 thanh niên đi xe máy đến. Sau một hồi làm quen, nam thanh niên này ngỏ ý nhờ chị P tìm cây ATM rút tiền hộ với lời hứa hẹn sẽ trả tiền thù lao.
Tin lời, chị P lên xe máy của nam thanh niên này, đi vào cổng khu công nghiệp vừa và nhỏ ở Minh Khai, Từ Liêm. Lợi dụng sơ hở khi chị P cầm thẻ của thanh niên này vào cây ATM, anh ta đã cướp giật túi xách của chị P, trong có máy tính Dell và 700 nghìn đồng, tổng giá trị tài sản khoảng 10,7 triệu đồng.
Nhiều người gặp lừa đảo khi đi rút tiền tại ATM. Ảnh minh họa.
Một thủ đoạn khác của những kẻ lừa đảo là ra vẻ gia đình, người nhà đang có chuyện để đánh vào lòng trắc ẩn, khiến nạn nhân mất cảnh giác.
Vào cuối năm 2012, chị Hoàng Ngọc Linh, công tác tại Học viên Y dược cổ truyền vừa rút tiền xong tại cây ATM trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội, đang định lên xe về thì có hai người lái xe Wave - một nam, một nữ - đi tới. Người đàn ông nói giọng gấp gáp: “May quá, gặp chị, chị có dùng thẻ Agribank không, chuyển giúp em hai triệu cho người thân ở quê. Nhà đang có việc gấp mà bây giờ ngân hàng đóng cửa hết rồi. Chị làm ơn, em sẽ đưa tiền mặt cho chị”.
Thấy hai người này ăn mặc tử tế, chị Linh nghĩ mình cũng chẳng mất gì mà người ta lại đang cần gấp nên đồng ý chuyển giúp. Chuyển khoản xong, người phụ nữ ngồi sau xe vui vẻ lấy ví đưa trả chị Linh 10 tờ 200.000 đồng. Đếm đủ tiền, chị Linh yên tâm lên xe ra về. Nhưng vừa về đến nhà, linh tính mách bảo, chị Linh mang số tiền đó ra xem lại thì phát hiện chỉ có 5 tờ 200.000 đồng là thật, 5 tờ còn lại là tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng.
Rõ ràng, những kẻ lừa đảo, trộm cướp càng ngày càng nghĩ ra nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, khiến nạn nhân không thể lường trước. Chúng chủ yếu dùng cách phân tán sự chú ý, tập trung của mọi người để dễ bề lấy trộm. Ngoài ra, một số tên còn sử dụng chiêu đánh vào lòng tham hoặc lòng trắc ẩn của nạn nhân để họ mất cảnh giác mà sập bẫy. Đặc biệt ở thời điểm cuối năm này, số lượng các vụ phạm tội càng có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, người dân nên cẩn trọng, tăng cường cảnh giác để tránh bị kẻ gian lừa gạt, cướp tài sản.