Cuối cùng cũng sắp có vaccine Covid-19, nhưng sau khi tiêm thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Vaccine không phải là tấm vé đưa bạn trở về cuộc sống bình thường, ít nhất là vào lúc này.
Theo kế hoạch dự tính, Việt Nam sắp có gần 5 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được triển khai tiêm chủng ngay trong quý I/2021. Đây chắc chắn là một tin đáng mừng, vì vaccine là thứ được cả thế giới mong chờ.
Tuy nhiên, vaccine không phải là tấm vé lập tức đưa bạn trở về với cuộc sống bình thường. Và đây có thể là sự thất vọng, nếu không muốn nói là một cú sốc với nhiều người, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận.
Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi được tiêm chủng?
Hãy cùng đến với những câu chuyện xảy ra tại Mỹ. Ở Miami, bà Noemi Caraballo (81 tuổi) vừa được tiêm mũi thứ 2 vào hôm 16/2, và lập tức trong tâm thế hướng đến việc được gặp gỡ bạn bè, đi tập, đi chạy bộ... sau gần 1 năm buộc phải hạn chế tiếp xúc với người ngoài vì nằm trong nhóm đối tượng chịu rủi ro cao.
"Bà bảo 'mẹ thấy mệt mỏi vì phải trò chuyện với lũ mèo và vẹt rồi,'" - con gái bà, Susan Caraballo cho biết. "Bà muốn đi chơi, muốn gặp gỡ và trò chuyện với người khác."
Nhưng CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) vẫn chưa thay đổi hướng dẫn an toàn. Ở thời điểm hiện tại, ngay cả những người được tiêm vaccine cũng vẫn phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch - bao gồm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội - kể cả khi được tiêm mũi thứ 2.
Trên thực tế thì đây cũng là ý kiến chung của các chuyên gia. Các loại vaccine hiện nay chủ yếu đều cần tiêm 2 mũi, và người được tiêm không được chủ quan sau mũi đầu tiên.
"Một câu hỏi hợp lý," - Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ đã trả lời như vậy trước câu hỏi của một phụ nữ 91 tuổi, rằng liệu bà có thể được chơi mạt chược với bạn bè sau khi tiêm vaccine hay không. Tuy nhiên, ông cũng chỉ có thể viện dẫn những khuyến nghị của CDC về việc hạn chế tụ họp, với ngoại lệ dành cho những người đã được tiêm chủng. "Hãy cứ chờ đã," - ông nói vậy, nhưng kỳ vọng sẽ khuyến nghị sẽ được cập nhật trong tương lai.
Vẫn còn nhiều điều chưa rõ
Các loại vaccine hiện nay đều cho hiệu quả phòng triệu chứng Covid-19 rất cao - đặc biệt là ngăn được triệu chứng nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, điều quan trọng là chưa ai biết khả năng của vaccine trong việc chặn sự lây lan của Covid-19 là như thế nào.
Sẽ rất tuyệt nếu như tiêm vaccine sẽ giúp người nhiễm thay vì phải nhập viện thì chỉ sụt sịt nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng. Nhưng câu hỏi đáng sợ hơn là liệu một người tiêm vaccine nhiễm bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác hay không?
Các nghiên cứu hiện đang được gấp rút triển khai để xác định câu chuyện này, và các đầu mối đang dần lộ diện. Ông Fauci chỉ ra một nghiên cứu gần đây tại Tây Ban Nha cho thấy một người càng có nhiều virus (hay còn gọi là tải lượng virus), khả năng lan truyền bệnh càng mạnh. Đây cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên, vì gần như bệnh nào cũng vậy.
Một số nghiên cứu khác tại Israel chỉ ra rằng những người nhiễm bệnh sau khi tiêm mũi đầu - thời điểm tỉ lệ hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, tải lượng virus cũng nhỏ hơn so với những người bệnh chưa tiêm. Đây là tin rất đáng khích lệ, nếu như nó được chứng minh là đúng. Bởi lẽ, Israel đang có tỉ lệ tiêm chủng trên dân số cao nhất thế giới, và giới khoa học toàn cầu đang xem quốc gia này là ví dụ thực tiễn nhất về hiệu quả của vaccine.
Thêm nữa, một điều quan trọng khác là việc theo dõi xem vaccine có thể chống lại các biến chủng Covid-19 - theo Tiến sĩ Walter Orenstein, chuyên gia dịch tễ tại ĐH Emory. Bản thân tiến sĩ cũng đã được tiêm chủng, và vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch của CDC.
Ông Orenstein cho biết, nguyên nhân cũng rất thực tế. "Thực sự khó để biết ai đã được tiêm chủng, ai chưa ở ngoài đường."
E. John Wherry, chuyên gia miễn dịch từ ĐH Pennsylvania thì đặt câu hỏi cũng thực tế không kém: "Đúng là có quy định ngoài nơi công cộng. Nhưng người già tại nhà thì phải làm gì, khi người thân và bạn bè chưa được tiêm?"
Đúng là không phải ai cũng có phản ứng với vaccine của hệ miễn dịch hoạt động giống nhau. Người mắc ung thư hoặc quá cao tuổi có lẽ sẽ không nhận được sự bảo vệ như nhóm dưới 70. Nhưng Wherry cho rằng mọi người có lẽ cũng nên tự tin hơn trong những việc thường ngày, chẳng hạn có thể đi mua sắm, gặp gỡ và tiếp xúc với người thân. Bởi lẽ, khả năng người được tiêm mắc triệu chứng nặng dù không phải không có, nhưng là rất thấp.
Trong trường hợp người đã tiêm 2 mũi tiếp xúc với nguồn bệnh - nghĩa là thành F1? CDC mới đây đã nới lỏng quy định, rằng người này sẽ không cần cách ly nếu không có triệu chứng và tiếp xúc sau khi tiêm mũi 2 ít nhất là 2 tuần (nhưng không quá 3 tháng).
Riêng với việc đi máy bay, CDC hiện vẫn chỉ cho phép các chuyến bay thiết yếu được vận hành. Vậy nên có thể nói, hàng không quốc tế sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh khó khăn hơn, bởi mỗi quốc gia sẽ có quy định khác nhau liên quan đến việc tiêm chủng. Hơn nữa nếu thả lỏng, có nguy cơ các biến chủng mới sẽ lan sang các quốc gia khác.