Trong những ngày lạnh tê tái, chỉ 5 món chè nóng này mới đủ "ma lực" để chị em tung chăn ra đường đi ăn
Mùa đông của Hà Nội sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi những món chè nóng hấp dẫn như chè bà cốt, lục tàu xá hay chí mà phù...
Một trong những món ăn có sức gây nghiện và được ưa chuộng nhất trong mùa đông chính là chè nóng. Bát chè nóng hổi, ngọt vừa phải, khi ăn có cái bùi, ấm, giá lại rất mềm luôn là lựa chọn hoàn hảo cho bữa quà chiều.
1. Các món chè nóng nấu đặc
Món chè hay ở chỗ mùa hè thêm đá vào là thành món giải khát, còn mùa đông, xuống chút bột đao, bột sắn, nấu nhạt hơn một tẹo, đun liu riu trên bếp là có ngay món chè nóng ngon miễn chê.
Món chè đặc được ưa thích nhất vào mùa lạnh phải kể đến chè bà cốt có vị ngọt của mật, cay dịu của gừng. Ngoài ra chè đỗ đen đặc hay chè hoa cau cũng là món ngon, rất hợp để nhâm nhi trong thời tiết giá lạnh.
Nếu chè đỗ đen đặc chỉ cần ăn không đã ngon thì với món chè bà cốt và chè hoa cau, để tròn vị, ấm bụng hơn, người bán thường thêm vào một muôi xôi vò. Khi ăn, hãy trộn đều để cái sóng sánh, ngọt ngào của chè bám vào từng hạt xôi rồi hãy thưởng thức, khi đó cái bùi của xôi, cái ngọt của chè hòa quyện, bạn mới thấy hết được cái ngon của những món chè ấy.
Một số địa chỉ:
Xôi chè Bà Thìn: số 1 Bát Đàn
Chè nóng Bà Thơm: 146 Quán Thánh
Chè Bốn Mùa: 4 Hàng Cân
2. Chè sắn
Nói đến chè nóng mùa đông Hà Nội, tất nhiên không thể không nói đến chè sắn. Nguyên liệu nấu chè sắn thì đơn giản lắm, sắn cắt miếng nhỏ vừa ăn, nấu vừa tới để sắn mềm nhưng không được bở nát thì xuống chút bột sắn dây để chè có độ sóng sánh. Và tất nhiên trong bát chè sắn không thể thiếu được chút gừng để bát chè thêm chút cay nồng, đậm chất món ăn mùa đông.
Bát chè sắn ngon bột không được quá đặc, không quá loãng, miếng sắn không được còn xơ, ăn mềm, bở, vừa đủ ngọt. Chè sắn chỉ múc vào chiếc bát con, không quá đầy, trước khi ăn cho thêm chút dừa nạo, cầu kỳ hơn thì thêm chút nước cốt dừa. Bát chè sắn bùi bùi, béo ngậy, thơm lừng chẳng những ấm bụng mà rất dễ gây nghiện với hương vị rất riêng.
Một số địa chỉ:
- 54 Bạch Mai
- 39 Lý Quốc Sư
- 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm
3. Lục tàu xá
Nguyên liệu cơ bản là đỗ xanh nhưng nguyên liệu của lục tàu xá lại cầu kỳ hơn nhiều khi có thêm cả vỏ quýt, mã thầy, hạt sen. Khi những cơn gió lạnh bắt đầu len lỏi từng ngóc ngách, có một bát lục tàu xá nóng hổi thì chẳng có gì bằng.
Lục tàu xá thơm lừng, vị ngọt nhẹ, thơm thơm mùi vỏ quýt quyện với nước cốt dừa, đậu xanh ninh nhuyễn sánh mịn với những viên hạt sen bở bùi, lâu lâu lại thấy cái lật xật của mã thầy, bắt vị vô cùng. Một bát lụu tàu xá chỉ 15 đến 20 ngàn, không đắt mà độ ngon có lẽ chẳng ai có thể phủ nhận.
Một số địa chỉ:
Bánh trôi Phạm Bằng: 30 Hàng Giấy
Chè Bà Mai: 93 Hàng Bạc
4. Chí mà phù
Chí mà phù thực chất là món chè vừng đen, cũng là một món chè của người Hoa du nhập vào Việt Nam. Để làm món chè này, người ta phải chọn vừng ngon, nhặt sạch, xay thật nhuyễn, nấu thật khéo thì bát chè mới sánh, mịn, khi ăn mới không bị cảm giác lạo xạo trong miệng.
Ăn được bát chí mà phù ngon, sẽ thấy cái béo dịu của vừng, những thìa chè mềm tan như thế có thể khiến cả những người vốn chẳng ưa món vừng cũng phải bị thuyết phục. Khác với các loại chè khác thường nấu ngọt, chí mà phù thường nấu nhạt để chống ngán. Bát chí mà phù cũng múc dạng bát nhỏ. Khi ăn món này, không ai ăn nhanh, ăn vội, mà phải múc từng thìa nhỏ, nhâm nhi từng chút để cảm nhận hết được vị ngon của món ăn.
Một số địa chỉ:
Bánh trôi Phạm Bằng: 30 Hàng Giấy
54 Bạch Mai
5. Bánh trôi tàu
Dù chẳng có chữ chè nào trong tên gọi, cách thức cũng hơi khác với món chè khi phần chính của món này là hai viên bánh. Nhưng có lẽ chẳng ai phản đối khi xếp bánh trôi tàu vào hàng món chè mùa đông. Đúng như cái tên, bánh trôi tàu vốn không phải món thuần Việt, nhưng không phải ngẫu nhiên mà món mới gắn bó với người Việt, người Hà Nội bao nhiêu năm và trở thành một phần không thể thiếu trong danh sách các món phải ăn.
Bát bánh trôi tàu thường có 2 đến 3 viên bánh chan thêm nước nước đường nâu nhạt, chút cốt dừa, dừa nạo. Bát bánh trôi bốc khói, tỏa mùi thơm của gừng của đường của cốt dừa, chỉ nhìn thôi nhiều người đã thấy thèm thuồng. Nhân bánh trôi tàu thường là đậu xanh, vừng đen, một số chỗ có thêm nhân dừa.
Khi ăn bánh trôi tàu, cảm giác ngọt lịm của nước bánh nóng dậy mùi gừng thơm trong khoang miệng khiến người ăn thích thú. Cảm giác mềm dẻo nhưng không nát vỡ khi cắn vào viên bánh thơm bùi của bột nếp và nhân đậu xanh chính là điều khiến nhiều tín đồ ẩm thực mê mẩn.
Một số địa chỉ:
Bánh trôi tàu cô Vân ngõ Đê Tô Hoàng
Bánh trôi Phạm Bằng: 30 Hàng Giấy
Bánh trôi tàu Điệp Béo: 52 Hàng Điếu