Cuộc sống hồi sinh 5 năm sau động đất, sóng thần ở Nhật
5 năm sau thảm họa động đất và sóng thần, nhiều người dân Nhật Bản vẫn ở trong các khu nhà tạm, nhưng nhiều trường học và cơ sở y tế đã được nâng cấp hoặc xây mới.
Khu tưởng niệm được xây dựng tại địa điểm của Trung tâm Cộng đồng Isobe của tỉnh Fukushima trước đây, tưởng nhớ 250 cư dân đã thiệt mạng trong thảm hoạ kép năm 2011. Ngày 11/3/2011, ít nhất 16.000 người dân ở bờ biển đông bắc Nhật Bản đã thiệt mạng khi sóng thần và động đất xảy ra. Cơn sóng thần lớn theo sau trận động đất mạnh 9 độ Richter đã gây thảm hoạ nặng nề nhất cho đất nước mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II, khiến nhiều gia đình mất nhà cửa và gây khủng hoảng nặng nề vì sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tại thành phố Soma, tỉnh Fukushima, chương trình trồng cây gần bờ biển đã được tổ chức hồi tháng 6/2015, một phần của dự án phòng chống thiên tai. Trước đây, bờ biển từng được trồng nhiều loại cây, nhưng sóng thần đã cuốn đi tất cả. Chương trình này cho phép mỗi người dân Soma tự trồng một cây, nhằm mục đích trồng được hơn 2,4 triệu cây phủ xanh diện tích 243 hecta. Mỗi một cây xanh do trẻ em tự trồng được coi là biểu tượng cho niềm hy vọng tương lai.
Trường mẫu giáo Toyama ở thành phố Shichigahama, tỉnh Miyagi, từng bị phá huỷ nặng nề và là một trong những dự án tái xây dựng được chính phủ Singapore tài trợ. Ngôi trường được xây trên nền đất cao hơn với 7 phòng học, sân chơi, vườn. Nó có đủ chỗ cho 90 trẻ và có thể trở thành trung tâm sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Trung tâm Cộng đồng Isobe mới ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima, được xây dựng năm 2013, tổ chức 12 lớp học khác nhau như harmonica, tai chi... với sự tham gia của đông đảo người dân. Lớp harmonica mở từ năm 2014 với thành viên từ 71 - 89 tuổi. Khi tập luyện bài hát Furusato Soma, cụ Sayoko Ohta cho biết: "Bài hát này nói về quê hương, nhưng đối với chúng tôi nó mang ý nghĩa xây dựng lại vùng đất này".
Các thành viên của đội cứu hỏa tình nguyện Shichigahama tham gia một buổi lễ tôn vinh thành viên lâu năm. Họ là những người tích cực tham gia hoạt động cứu trợ thiên tai năm 2011. Hai trong số hơn 100 tình nguyện viên đã thiệt mạng trong thảm họa.
Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki là bệnh viện duy nhất ở thành phố Ishinomaki có thể điều trị bệnh nhân trong thảm hoạ, khi các cơ sở y tế khác đều ở gần bờ biển và chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngày nay, các lớp "ngăn địa chấn" được lắp đặt trong tầng hầm của bệnh viện nhằm giảm thiểu thiệt hại lớn cho tòa nhà trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Bên ngoài trạm dịch vụ Tapic 45 ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate. Những cơn sóng thần năm 2011 dâng cao 13,7 m, chưa đủ để nuốt trọn toà nhà nên có hai người dân đã trèo lên nóc trạm trong đêm định mệnh để sống sót. Toà nhà này hiện được coi là đài tưởng niệm cho các thế hệ sau.
Băng chuyền có tên gọi Cây cầu Hy vọng được xây dựng tháng 9/2014. Mỗi ngày, nó vận chuyển khoảng 20.000 m3 đất từ núi xuống đồng bằng. Phương pháp này rút ngắn thời gian hoàn thành công việc xuống còn 14 tháng, trong khi nếu áp dụng cách chở bằng xe tải thông thường, thời gian sẽ là 10 năm.
5 năm sau thảm hoạ, nhiều người dân ở thành phố Kamaishi vẫn sống trong khu nhà ở tạm. Sau trận động đất và sóng thần lịch sử, một phần ba nhà cửa ở thành phố này đã bi phá huỷ một phần hoặc phải bỏ đi hoàn toàn.
Ông Kenji Matsuzawa, 62 tuổi, một ngư dân ở thị trấn Taro thuộc tỉnh Iwate, nói rằng vào sáng ngày hôm đó, ông đã linh cảm đươc một cơn sóng thần có thể xảy ra và quyết định không ra khơi. 9 đồng nghiệp của ông đã thiệt mạng trong ngày định mệnh 11/3. Ngư dân tại cảng Taro thường ra khơi lúc 3h sáng, bắt bạch tuộc và bán chúng tại các chợ nhỏ. Sau thảm hoạ, hoạt động đánh bắt các loài cá to đã bị cấm.
Trẻ em vẫy cờ chào đón tàu Pacific Venus. Vào ngày tàu cập cảng, bến cảng Fujiwara đang tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm. Đây là lần đầu tiên hành trình từ Yokohama cập cảng này kể từ ngày xảy ra sóng thần. Trước đây, nó là hoạt động thường niên.