Cuộc sống bị cách ly của gia đình Vũ Hán qua lời kể của con gái: Mỗi lần đổ rác là phải chạy, đến rau xanh cũng là thứ xa xỉ
Cô gái ấy tên Mộc Lan đã chia sẻ về khoảng thời gian bị cách ly cùng gia đình và những câu chuyện hài hước pha lẫn đáng thương bên trong khiến mọi người không khỏi xúc động.
Gia đình tôi sống ở khu Kiều Khẩu, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tính đến ngày 21/2, tôi đã ở trong nhà đúng 30 ngày.
Bạn có thể nói tôi phóng đại, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ không nghĩ tôi như vậy sau khi biết nhà tôi nằm ở đâu.
Nhà tôi nằm cạnh bệnh viện phổi Vũ Hán và Trung tâm huyết học Vũ Hán, đối diện đó là bệnh viện Lam Thiên, cách bệnh viện Đồng Tề một trạm, và cách bệnh viện Hiệp Hòa, Vũ Hán chưa đến 5km. Thế đấy, nhà tôi được bao quanh bởi các bệnh viện lớn như thế, nơi mà họ đang cách ly những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tôi cảm thấy như không khí xung quanh tràn ngập virus.
Bọc đậu phộng chưa được ăn
Vào tối ngày 21/1, có một chị gái làm việc ở công ty thiết bị y tế nói với tôi rằng: “Dịch Covid-19 đang rất nghiêm trọng, đừng ra ngoài”. Nghe thấy thế, tôi bắt đầu hoang mang. Vài ngày trước, tôi còn ra ngoài gặp bạn bè mỗi ngày. Khi nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy sợ hãi.
May mắn thay, tôi luôn có thói quen đeo khẩu trang, không phải để chống virus mà để bảo vệ gió, bụi cũng như bảo vệ da. Con gái mà, ai cũng yêu cái đẹp.
Trước đó chính phủ nói rằng dịch này có thể phòng ngừa và kiểm soát được, bên cạnh đó tin tức cũng nói rằng đây chỉ là lời đồn của không ít người. Ban đầu bố mẹ tôi không coi trọng vấn đề này, mẹ tôi còn định về quê nhà ở Hiếu Cảm ăn Tết nhưng tôi đã ngăn lại.
Bà có một bọc đậu phộng, nói rằng để dành Tết mang ra để nấu nướng mời họ hàng ăn uống. Thế nhưng vào ngày 23/2, khi Vũ Hán chính thức bị phong tỏa, mẹ tôi đã cất luôn bọc đậu phộng ấy. Cho đến bây giờ, những hạt đậu ấy vẫn chưa được ăn.
Mỗi khi rảnh rỗi, bà bắt đầu lầm bầm, bà chưa bao giờ gặp phải chuyện như thế này trong đời. Từ đây bà bắt đầu lau sàn nhà nhiều lần, không chỉ lau bình thường mà lau bằng cồn. Nhờ vậy mà sàn nhà sáng hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra, mẹ tôi còn sử dụng giấm trắng để nấu ăn vì bà cho rằng đây là cách để ngăn chặn virus. Cả ngày ở nhà tôi đều chìm trong giấm trắng.
Gia đình chúng tôi 4 người đều cố gắng không đi ra ngoài. Vào ngày Quốc Khánh năm ngoái, chúng tôi đã tập trung mua mì gạo và dầu ăn một lần nên bây giờ lương thực trong nhà vẫn còn. Ngoài ra, có rất nhiều thịt trong tủ lạnh. Chúng tôi cũng có mua thêm nhiều củ cải và bắp cải trước khi thành phố bị phong tỏa.
Có một điều không biết nên khóc hay nên cười khi túi rác ngày càng được chất thành đống to. Hành lang lại không cho để rác, mỗi lần có rác thì bạn phải vứt nó đi. Vì bố tôi vừa phẫu thuật chân nên mẹ tôi là người đảm nhận trách nhiệm đi vứt rác ở nơi công cộng. Bảo là đi nhưng thật ra là bà chạy đấy, mà còn chạy với tốc độ khiến tôi vô cùng kinh ngạc.
Sau khi trở về nhà, mẹ tôi nói trong hoảng loạn, có 5 người trong khu chúng tôi bị chẩn đoán nhiễm Covid-19 và ảnh của họ được đăng ở tầng dưới. Chúng tôi có hỏi mẹ thêm chi tiết, nhưng bà nói rằng chỉ liếc nhanh rồi chạy ù lên nhà. Bà tin rằng ở tầng dưới càng lâu thì càng có khả năng nhiễm bệnh cao. Bà cũng than thở rằng tự nhiên thấy tê chân và toát mồ hôi khi quay về nhà.
Tôi đã suy nghĩ một lúc, việc làm mà mẹ kể có phải là đang vi phạm quyền riêng tư cá nhân khi đăng ảnh người bị nghi nhiễm hay không? Lần sau, lúc bố tôi đi vứt rác thay mẹ, ông đã cẩn thận nhìn vào tờ giấy mà mẹ tôi nói và nhận ra đó là ảnh của người đứng đầu Ủy ban phòng chống dịch bệnh của quận. Hóa ra mẹ tôi sợ hóa nhìn nhầm và lỡ tuyên truyền lung tung. Đương nhiên là chỉ trong gia đình tôi thôi. Chúng tôi được một trận cười. Đây là tiếng cười hiếm hoi trong gia đình tôi vào thời điểm này.
Bố tôi trở thành chuyên gia phân tích dữ liệu
Có thể nói, bố tôi là người đàn ông duy nhất trong gia đình, mặc dù luôn giữ vẻ ngoài bình tĩnh nhưng tôi cảm nhận được ông cũng có chút hoảng loạn và lo lắng. Lần cuối cùng ông ra ngoài là vào ngày 24/1. Mọi người nói rằng, thời gian ủ bệnh là 14 ngày, và bố tôi đã thuộc lòng câu nói đó.
Bố tôi có thói quen ghi lại số liệu chẩn đoán và tử vong vào mỗi buổi sáng. Sau đó ông tiếp tục phân tích để xác định tình hình dịch như thế nào. Tính đến nay, ông đã làm việc này được nửa tháng rồi.
Vào ngày 13/2, tin tức cho biết số ca nhiễm bệnh đã tăng gần 15.000, riêng Vũ Hán có 13.000 ca. Những con số này khiến ông có chút do dự. Sau bữa ăn trưa, bố tôi đi tắm. Tôi là người biết rõ rằng, ông không bao giờ có thói quen tắm vào ban ngày. Nhưng bây giờ ông đã đi tắm, có lẽ ông cảm thấy lo sợ khi thấy con số nhiễm bệnh tăng lên từng ngày. Tôi hỏi bố có sợ không, ông nói: “Ai mà không sợ? Sống sót tốt qua giai đoạn này là may lắm rồi”.
Mẹ tôi nấu ăn mà không cần rau
Vào ngày 8/2, là Tết Nguyên Tiêu, đáng lẽ ra gia đình chúng tôi sẽ có một bữa ăn thịnh soạn, nhưng rau trong nhà đã ăn hết từ lâu rồi. Chúng tôi bắt đầu thay thế rau bằng các đồ khô như nấm, mộc nhĩ. Số bữa ăn hằng ngày cũng đã giảm thiểu. Ba bữa một ngày giờ thành hai bữa, bữa sáng thì bỏ qua.
Thịt xông khói trở thành món ăn duy nhất và cũng là món dinh dưỡng chính trong bữa ăn. Mặc dù nhà vẫn còn cá khô nhưng mẹ không cho đụng vào, bà nói rằng đó là nguồn dự trữ cho sau này chẳng may dịch chưa hết. Tôi bảo rằng tôi đã quá ngán thịt xông khói. Nhưng mẹ cũng chẳng mảy may gì.
Không để thịt xông khói ám ảnh mình, tôi đã mạo muội lên mạng mua hàng online. Dù đã cố gắng tận dụng sự nhanh nhẹn của mình nhưng không thể mua được. Tôi đã bỏ cuộc sau khi thử vài lần. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cần phải ăn rau. Thấy thế, mẹ tôi đành mềm lòng, có ý định ra chợ mua rau, nhưng tôi đã kịp thay đổi ý định và chặn lại. Cả nhà cứ bị mâu thuẫn và mệt mỏi như thế.
Đến ngày 18/2, gia đình chúng tôi đã không ăn rau trong 10 ngày. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa nên quyết tâm lên mạng thử vận may một lần nữa và cuối cùng đã chộp lấy được một gói rau bao gồm rau diếp, bắp cải, su hào với giá 77 nhân dân tệ (hơn 250 nghìn đồng).
Đến ngày 21/2, cuối cùng rau đã đến, cả nhà reo hò vui mừng khôn xiết. Buổi trưa hôm đấy, mẹ tôi làm một đĩa bắp cải xào và rau diếp xào tuyệt vời. Bố tôi thở dài: “Thật xa xỉ”. Không ngờ rằng vào thời điểm này, đến rau cũng bị cho là xa xỉ. Ngày được ăn rau có lẽ là ngày đáng nhớ nhất với chúng tôi.
Tiếng hét và cơn ác mộng
Chuyện ăn uống chỉ là chuyện nhỏ, những việc ở nhà trong một thời gian dài đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của chúng tôi. Tôi đã nghe thấy một người đàn ông la hét ở tòa nhà đối diện nhiều lần, và tôi nghĩ anh ta nên ở xa một chút.
Trong thời gian ở nhà, sự kết nối của tôi với thế giới bên ngoài không chỉ là điện thoại, mà còn là cửa sổ. Nhiều lúc tôi ngồi lên cửa sổ, nhìn xuống đường và đếm vài chiếc ô tô bên ngoài, xem có bao nhiêu người bên ngoài, và họ có đeo khẩu trang không. Chỉ có khi rảnh rỗi mới làm những chuyện như thế.
Tôi nhớ rằng tôi đã gặp ác mộng vào đầu năm nay. Trong giấc mơ, tôi mơ mình bị nhiễm bệnh. Tôi bị sốt và trời thì nóng. Tôi giật mình dậy và phát hiện cơ thể đang được bảo phủ bởi tấm chắn. Không chỉ có mình tôi mơ giấc mơ như thế mà một bạn cùng lớp và giáo viên trong học viện cũng nằm mơ giấc mơ tương tự.
Người ta nói rằng thời gian ủ bệnh có thể là hơn 14 ngày và một số người thậm chí còn không có triệu chứng. Bạn có biết tôi cảm thấy thế nào không? Đó là không biết liệu mình sẽ là người nhiễm bệnh vào sáng mai không? Tuy nhiên, bây giờ thì tôi bình tĩnh hơn nhiều, và sự hoảng loạn dần được cải thiện theo thời gian.
Muốn có một tình yêu
Tôi mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khoảng thời gian khó khăn này. Tôi muốn có một mối quan hệ tốt, gác lại những lo lắng và mạnh dạn theo đuổi hạnh phúc của riêng mình.
Tôi muốn đến phòng tập thể dục, muốn đạp xe hoặc chạy bộ cùng bạn bè. Nếu như dịch kết thúc sớm thì có thể mặc quần áo mới và mang giày mới mà mình đã mua từ trước. Ngoài bản thân mình, tôi cũng hy vọng tình hình sức khỏe ở Vũ Hán sẽ được cải thiện, đặc biệt là những nơi đông người ở như chợ và siêu thị. Nhiều người nói rằng dịch bệnh xảy ra đột ngột nhưng tôi nghĩ dịch phản ánh phần nào vấn đề vệ sinh của thành phố này.
Tôi đã sống ở thành phố này hơn 10 năm và hy vọng nó sẽ sớm quay lại như ngày xưa.
(Nguồn: Southcn News)