Những câu chuyện ấm lòng ở tâm dịch bệnh Vũ Hán: "Cảm ơn bạn, thật tuyệt vời khi có bạn trên cuộc đời này"
Muôn vàn tình yêu thương được gửi đến Vũ Hán, nơi hàng nghìn con người đang chiến đấu với virus corona nguy hiểm.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, những con người sống tại tâm dịch bệnh viêm phổi, thành phố Vũ Hán đã liên tục trải qua vô số cung bậc cảm xúc: Lo lắng, buồn phiền và cả cảm động. Cảm động vì những gì mà các "anh hùng" bình dị đã làm được trong cơn phong ba mang tên corona.
Ngày 4/2, đường phố Vũ Hán vắng tanh, người người qua lại. Đã 12 ngày từ khi chính quyền tuyên bố phong tỏa thành phố. Mọi người đều cảm thán: Năm 2020 có lẽ sẽ có một chút khó khăn đây!.
Có người từng nói: Những bệnh nhân mang trong người căn bệnh này giống như đang cầm một chiếc kính lúp, có thể nhận ra những người tốt bụng thật sự, những người có bản lĩnh thật sự, những người xấu thật sự và những kẻ ngu thật sự.
1.
Tại trạm kiểm soát của cảnh sát Thượng Phương ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, một người đàn ông đã lặng lẽ lấy một hộp từ cốp xe giao cho cảnh sát: "Mấy thứ này tặng cho các anh, tôi mang về từ Thổ Nhĩ Kỳ đấy".
Bên trong là những chiếc khẩu trang từ nước ngoài.
Khi cảnh sát hỏi danh tính, người này đã vội xua tay và bước nhanh lên xe: "Không đắt lắm đâu! Đều là người Trung Quốc mà, sẽ ổn thôi".
2.
Ngày 25/1, Từ Sa, một nữ y tá sống tại Tứ Xuyên, đã đăng ký tham gia công tác y tế tại Vũ Hán lần thứ 2. Khi gửi tin cho cấp trên, cô quả quyết: "Tôi và bọn họ khác nhau, tôi là người Vấn Xuyên".
Năm 2008, một trận động đất đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Vào thời điểm đó, Vấn Xuyên nhận được muôn vàn ấm áp từ trong nước và quốc tế. Hiện tại, Từ Sa muốn lan truyền sự ấm áp đó từ Vấn Xuyên đến Vũ Hán.
Ngày 2/2, sau nhiều lần nộp đơn xin được đến Vũ Hán làm việc, Từ Sa đã được cấp trên chấp thuận.
3.
Sau khi thành phố Vũ Hán "bế quan", các phương tiện giao thông đều bị đình chỉ hoạt động. Để thuận tiện cho các nhân viên y tế đi lại, 100 tài xế đã tự nguyện "từ bỏ" nghỉ Tết cùng gia đình, khoát lên mình bộ đồ bảo hộ và đưa đón miễn phí cho các bác sĩ, y tá trong ổ dịch Vũ Hán.
4.
Ngày 26/1, người công nhân Tôn Tranh Lượng vừa về nhà đoàn tụ với gia đình đã vội rời đi. Ông đã đến công trường xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn.
Khi đi, ông không nói gì với gia đình về việc mình sắp làm. Tôn Tranh Lượng đã quyết tâm chỉ về nhà khi Hỏa Thần Sơn hoàn công, sẽ đến bệnh viện để cách ly và kiểm tra sau đó.
Tại công trường xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn, có rất nhiều, rất nhiều người như ông Tôn, họ đều đến đây góp sức với tinh thần tự nguyện. Thậm chí, họ đến làm việc mà không quan tâm đến mức lương sẽ nhận.
5.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, một người đàn ông Trung Quốc sống tại Ấn Đô đã dùng chiếc xe 3 bánh chở 49 hộp vật dụng y tế đến sân bay về Trung Quốc, trong đó bao gồm 3.000 chiếc khẩu trang và 3.000 kính bảo hộ.
Đó là Lục Dũng, nhân vật nguyên mẫu của phim điện ảnh "Tôi không phải là dược thần". Ông viết trên weibo dòng trạng thái: "Ước gì đây là phim điện ảnh, không phải là thực tế cuộc sống; ước gì trên chiếc xe 3 bánh không phải là dụng cụ chống dịch bệnh mà là những trái táo".
6.
Vào ngày Hội chữ thập đỏ Hàng Châu công bố danh sách quyên góp, người ta đã phát hiện ra cái tên quen thuộc: Lâm Sinh Bân, người đã mất đi 4 người thân sau một đám cháy kinh hoàng.
Hai năm rưỡi sau đám cháy, người đàn ông đã chịu nhiều mất mát, đau đơn vẫn đang cố gắng truyền đi sự ấm áp của bản thân.
7.
Tại đồn cảnh sát tỉnh An Huy, một thanh niên trẻ sau khi đặt một chồng khẩu trang lên bàn đã vội chạy đi, chỉ nói vọng lại 1 câu: "Các anh vất vả rồi!".
Cảnh sát chưa kịp phản ứng thì chàng trai trẻ đã chạy mất.
Đeo khẩu trang đúng cách là biện pháp giúp ngăn ngừa virus corona hiệu quả. Cùng làm trắc nghiệm xem bạn đã biết cách đeo khẩu trang đúng chuẩn chưa nhé!
8.
Tại ga tàu điện ngầm Nam Kinh, đông người qua lại rất vội vàng.
Một cô gái mang khẩu trang đến trước mặt một cảnh sát đang làm nhiệm vụ và dừng lại. Hai tay đưa chiếc khẩu trang cho đối phương. Người cảnh sát sững sờ một lúc sau đó đưa tay nhận lấy. Cô gái trẻ cúi đầu chào rồi rời đi. Hóa ra, trước nghịch cảnh, con người vẫn luôn ấm áp với nhau như thế.
9.
Trong một xưởng sản xuất khẩu trang ở Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc, khi tất cả công nhân đã về quê đón Tết thì một gia đình 4 người của anh Triệu Ba vẫn đang "chiến đấu" sản xuất khẩu trang. Vài năm trước, xưởng có thể sản xuất ra 100 nghìn chiếc khẩu trang để quyên góp cho công ty giao thông công cộng, sau này số lượng đã tăng đến 300 nghìn chiếc.
Tuy nhiên, hiện tại Tiên Đào đã "chìm" trong dịch bệnh, công nhân không dám quay lại làm việc dù Triệu Ba có thể trả lương cao hơn gấp 10 lần.
Trong tình huống này, gia đình họ đã quyết định tự sản xuất: Làm được bao nhiêu hay bất nhiêu!.
10.
Tại Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, một cụ ông ngoài 80 tuổi đã để lại 10 nghìn NDT cho một tổ chức cộng đồng sau đó nhẹ nhàng rời đi. Khi được hỏi danh tính, ông chỉ trả lời: "Đất nước gặp nạn, tôi lại là một phần của đất nước này. Không cần viết tên, nếu muốn viết thì ghi là 'Người báo ơn' đi".
Được biết, ông còn một người vợ đang bệnh nặng, cuộc sống cả 2 không giàu sang, ông phải nhặt rác để kiếm sống qua ngày. Khi còn trẻ, ông từng được quốc gia cho đi học miễn phí, bây giờ đất nước gặp nạn, ông cần phải báo ơn.
11.
Một nữ y tá 24 tuổi làm việc tại khu vực nguy hiểm nhất, công việc buộc cô phải mang khẩu trang cả ngày khiến gương mặt cô chảy máu và phồng rộp, chỉ có thể dùng băng keo để ngăn nhiễm trùng.
Khi phóng viên hỏi tên, cô đã từ chối: Đừng chiếu tên tôi lên TV, mẹ tôi mà biết sẽ rất lo lắng.
12.
Cụ bà họ Từ ở Giang Dương, tỉnh Giang Tô sống bằng nghề nhặt rác mỗi ngày đã quyên góp cho người dân Vũ Hán 9000 NDT tiền mặt. Sau đó, bà tiếp tục góp thêm 1000 NDT trong buổi chiều cùng ngày.
Nhưng bí thư thôn nơi bà sống đã từ chối thiện ý này khiến bà bật khóc tại chỗ. Liệu bà phải nhặt bao nhiêu rác thì mới gom đủ 10.000 NDT như thế?
Được biết, chỉ 1 năm trước, bà cũng từng lên kế hoạch quyên góp 2000 NDT cho các hộ nghèo trong làng nhưng chính quyền không chấp nhận. Thế là bà đã tự mang tiền đến từng nhà.
13.
Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, rất nhiều shipper đã tự nguyện vẫn chuyển bữa ăn cho các nhân viên y tế và âm thầm truyền sự khích lệ từ người dân đến những "chiến sĩ" y tế.
Họ nêu cao khẩu hiệu: "Các bạn bảo vệ thế giới, còn chúng tôi bảo vệ các bạn".
14.
Một cựu chiến binh 89 tuổi đã không thể ăn ngon ngủ yên mỗi ngay khi biết về dịch bệnh. Ngày 3/2, 2 vợ chồng ông đã đi bộ đến thị trấn và quyên góp toàn bộ số tiền trong 3 quyển sổ tiết kiệm cho người dân Vũ Hán.
15.
Ngày 31/1, tại phòng cấp cứu của bệnh viện đại học Chiết Giang, một cậu bé vội vàng tiến vào, đưa một phong bì rồi cúi đầu chào, sau đó chạy đi.
Hóa ra, trong phong bì có một lá thư cảm ơn cùng 1000 NDT tiền mặt. Cậu bé viết: "Các anh chị bác sĩ và y tá thân mến, nhìn thấy các anh chị cực khổ chiến đấu ở tuyến đầu mỗi ngày, em cũng muốn đóng góp 1 phần sức lực. Số tiền này là tâm ý của em, hi vọng mọi người nhận lấy".
16.
Chiều ngày 1/2, y tá nam Lưu Quang Diệu sinh năm 1995 thông báo mình đang chuẩn bị đến Vũ Hán làm việc. Sau đó, bạn gái của anh Kiều Băng cũng chủ động đề nghị đi cùng.
Lưu Quang Diệu cho biết: "Chúng tôi đã định sẽ đính hôn sau Tết, nhưng hiện tại chúng tôi sẽ cùng đến Vũ Hán. Đợi chúng tôi 'thắng trận' sẽ đính hôn ngay lập tức".
17.
Tại bệnh viện Nhân dân huyện Phù Câu, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, một bé gái vừa khóc vừa gọi mẹ. Nhưng người mẹ, y tá Lưu Mai Yến, vì lý do an toàn chỉ có thể nhìn và dang 2 tay "ôm" từ xa.
Được biết, từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, người y tá đã không hề trở về nhà. Khi đứa con 9 tuổi nhìn thấy mẹ ở cổng bệnh viện đã òa khóc.
18.
Vào đêm 30 Tết, nữ bác sĩ quân y Bành Du đã giấu gia đình, lặng lẽ đến hỗ trợ Vũ Hán. Chồng cô, cũng là một người lính, chỉ biết chuyện khi thấy ảnh vợ đang chụp hình tại đây. Cả hai đã xảy ra tranh cãi lớn nhưng khi nguôi ngoai, người chồng đã gửi cho cô một dòng tin nhắn khích lệ: "Em là vợ cũng là đồng đội của anh, chúng ta sẽ chiến thắng!".
Nguồn: Sohu