Cuộc sống bên trong thành phố áp dụng “Zero Covid” nghiêm ngặt nhất thế giới
Thành phố Thụy Lệ ở Tây Nam Trung Quốc là một thành phố nhỏ xa xôi và hầu như ít được biết tới. Tuy nhiên, hiện nay, đây có lẽ là nơi áp dụng những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
Xét nghiệm hàng ngày, lớp học thành ký túc xá
Trong năm qua, thành phố Thụy Lệ đã phong tỏa 4 lần. Các trường học phải đóng cửa trong nhiều tháng, ngoại trừ một số lớp, trong khi những học sinh và giáo viên của những lớp này không được rời khỏi trường.
Nhiều người dân, trong đó có ông Liu Bin, 59 tuổi đã nhiều tháng qua không có thu nhập trong thành phố vốn phụ thuộc lớn vào du lịch và hoạt động thương mại với nước láng giềng Myanmar này.
Ông Liu - một người làm nghề môi giới hải quan trước khi hoạt động đi lại xuyên biên giới phải dừng lại, ước tính ông đã mất hơn 150.000 USD. Ông phải xét nghiệm gần như hàng ngày và phải vay cả tiền mua thuốc lá từ con rể.
"Tại sao tôi phải đối mặt với điều này. Cuộc sống của tôi cũng quan trọng chứ. Tôi đã chủ động tuân thủ các biện pháp kiểm soát. Những người bình thường như chúng tôi còn cần phải làm gì nữa để đáp ứng những tiêu chuẩn này?"
Trong khi phần còn lại của thế giới chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 thì Trung Quốc là quốc gia cuối cùng vẫn theo đuổi chiến lược loại bỏ virus SARS-CoV-2. Trung Quốc ghi nhận chưa tới 5.000 ca tử vong vì Covid-19 và ở những khu vực không có ca mắc, cuộc sống gần như vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, người dân ở Thụy Lệ - một thành phố với khoảng 270.000 dân, đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt và khó khăn dưới chính sách "Zero Covid", thậm chí cả khi chỉ 1 ca mắc được phát hiện.
Trong khi các thành phố khác ở Trung Quốc được phong tỏa để ngăn chặn các ổ dịch bùng phát thì những lệnh hạn chế này thường chỉ giới hạn trong những khu dân cư nhất định hoặc sẽ chấm dứt trong một vài tuần. Thế nhưng, trong năm qua, cuộc sống tại Thụy Lệ gần như tê liệt khi người dân thường xuyên phải ở trong nhà. Thậm chí, trong khoảng thời gian giữa những đợt phong tỏa chính thức, người dân cũng không được phép ăn uống ở nhà hàng. Nhiều cửa hàng vẫn phải đóng cửa.
Chỉ có sinh viên năm hai và năm nhất, cùng với các học sinh trung học năm ba được phép tham gia các lớp học trực tiếp nhưng họ phải sống ở trong trường. Các lớp học được chuyển thành ký túc xá.
Một tài xế công nghệ cho biết anh đã xét nghiệm 90 lần trong 7 tháng qua. Một phụ huynh thì nói rằng cậu con trai 1 tuổi của họ cũng phải xét nghiệm tới 74 lần.
Thời điểm hiện nay đã rất khác năm 2020?
Thụy Lệ chỉ ghi nhận 5 ca mắc có triệu chứng trong cộng đồng vào tháng qua. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hơn 96% người dân trong thành phố và các khu vực xung quanh đã được tiêm vaccine. Không có ca mắc nào ở Thụy Lệ được ghi nhận di chuyển sang các khu vực khác ở Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà chức trách ở đây khẳng định họ sẽ không điều chỉnh các biện pháp hiện nay.
"Nếu dịch bệnh ở Thụy Lệ không trở về mốc 0 ca mắc, sẽ có rủi ro lây nhiễm ra bên ngoài", Phó thị trưởng thành phố Thụy Lệ Yang Mou cho biết trong một cuộc họp báo ngày 29/10.
Jin Dongyan, một nhà virus học tại Đại học Hong Kong nhận định, Thụy Lệ là hình ảnh thu nhỏ của chiến lược cứng rắn "Zero Covid" mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã tiến hành cùng lúc các biện pháp từ phong tỏa đến xét nghiệm hàng loạt, cũng như không cân nhắc đến những giải pháp ít tốn kém hơn.
"Họ tin rằng đó là cách duy nhất mà họ thành công nhưng thực tế không hẳn là vậy. Tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Thời điểm hiện nay thực sự đã rất khác so với năm 2020", chuyên gia này đánh giá.
Trong những tuần gần đây, các khu vực khác ở Trung Quốc đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế khi một đợt bùng phát mới có liên quan đến du lịch nội địa đã lây nhiễm cho hơn 700 người. Khoảng 10.000 du khách mắc kẹt ở Nội Mông sau khi các ca mắc được ghi nhận ở đây. Khoảng 30.000 du khách ở khu vui chơi Disneyland tại Thượng Hải phải chờ hàng tiếng để xét nghiệm đêm 31/10 trước khi được phép rời công viên này. Một số khu vực ở Bắc Kinh vẫn đang phong tỏa, nhiều chuyến tàu và chuyến bay bị hủy bỏ.
Trở lại Thụy Lệ, đây là nơi dễ chịu ảnh hưởng trước cả đại dịch Covid-19 và gánh nặng phong tỏa. Nằm ở một góc của tỉnh Vân Nam, thành phố này có chung đường biên giới dài hơn 160km với Myanmar, thu hút các du khách và thương nhân. Năm 2019, chốt kiểm soát biên giới ở đây đã ghi nhận 17 triệu lần đi lại.
Người dân Thụy Lệ đã đăng tải những câu chuyện của họ trên mạng xã hội và chúng được chia sẻ rộng rãi. Họ đã miêu tả việc không thể tới thăm người thân bị ốm và tự ghi lại hình ảnh các con đường hoang vắng với những hàng dài cửa hàng và nhà hàng đóng cửa.
Ông Dai Rongli, cựu phó thị trưởng Thụy Lệ đánh giá: "Lệnh phong tỏa dài hạn đã đưa sự phát triển của thành phố này vào ngõ cụt. Việc nối lại sản xuất và các hoạt động kinh doanh cần thiết thực sự vô cùng cấp bách"./.