Cuộc đời mỹ nhân Sài thành xưa (P2): Marianne Nhị - từ cô thiếu nữ nhà quê thành gái làng chơi hạng sang

Anh Đào,
Chia sẻ

Vốn có nhan sắc đậm đà, hoang dã, Tư Nhị nhanh chóng dấn thân vào chốn đô hội của giới thượng lưu bằng những cuộc ăn chơi trác táng và nhanh chóng trở thành tình nhân của rất nhiều "đại gia" bấy giờ.

Từ gái quê đổi tên thành phố thị

Marianne Nhị là "đứa con hai dòng máu", cha gốc Khơ-me, mẹ là người Việt. Lớn lên, Marianne Nhị một mình dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Để có chỗ nương thân, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò và sống trong nhà chị ấy ở khu vực chợ Thái Bình. Những ngày đầu chân ướt chân ráo, Nhị mang guốc cao gót còn vấp lên vấp xuống, mắt chưa quen với ngọn lửa bập bùng liêu trai trên bàn đèn thuốc phiện. Nhưng chỉ sau khi gặp được Ba Trà, cô gái này mới thực sự bước sang trang mới của cuộc đời.

Nhị đã chủ động làm quen với Trà trong một rạp chiếu phim. Sau đó, Nhị theo Trà về làm đàn em với cái tên Marianne Nhị hay còn gọi là Tư Nhị, ngụ ý là em nuôi của Ba Trà. Được sự giúp đỡ của "chị gái", Marianne Nhị nhanh chóng nổi danh là một trong những mỹ nhân đẹp nhất Sài Gòn, được nhiều công tử, đại gia theo đuổi.

Tư Nhị
Hình ảnh cô Tư Nhị năm xưa từ gái quê ra phố thị và trở thành siêu sao nhan sắc.

Trở thành gái làng chơi hạng sang

Vốn có nhan sắc đậm đà, hoang dã, Tư Nhị nhanh chóng dấn thân vào chốn đô hội của giới thượng lưu bằng những cuộc ăn chơi trác táng và nhanh chóng trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ). Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Nhị lại "cặp" với công tử Gò Đen và "tậu" thêm một căn phố trệt ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975.

Marianne Nhị tiếp tục cặp bồ với nhiều dân nhà giàu khác, trong đó phải kể tới chuyện lùm xùm giữa giai nhân với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu và một đại gia người Hoa ở Chợ Lớn. Có lời đồn cho rằng, cũng giống như chị Trà, Nhị dùng bùa ngải để quyến rũ đàn ông nên mới có được nhiều mối đến như vậy. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Tư Nhị “thay” người yêu như thay áo, thậm chí còn cố cạnh tranh, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của người chị Ba Trà.

Vì điều này, có người đã ví Marianne Nhị đẹp như một đóa phù dung "mỗi ngày ba lần thay sắc", nhưng "bất hứa nhân gian" để sớm tàn sớm úa.

Tư Nhị
Tư Nhị bỗng nhiên trở thành cái tên khét tiếng khắp phố phường Sài Gòn nhờ vào nhan sắc và mánh lới thu phục đàn ông của mình.

Đời tàn vì nàng tiên nâu

Bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Người đời miêu tả lại rằng, nhiều đêm, cô Nhị ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”.

Đang trong thời kỳ đỉnh cao, đến giữa thập niên 1940, Nhị bỗng dưng biến mất khỏi chốn ăn chơi trác táng của Sài Gòn xưa. Theo lời kể của ông Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca, người duy nhất gặp lại cô Tư, cho biết: Hoa khôi số hai của Sài Gòn ngày ấy đã thành... kẻ ăn mày.

Người này cho hay tình cờ gặp Marianne Nhị trong một quán ăn ven đường với tình cảnh hoàn toàn khác xưa. Sau bữa điểm tâm, Ba Quan trả tiền xong định quay về, bỗng nghe tiếng gọi giật ngược: "Anh Ba!". Ngoái lại, biết tiếng kêu ấy phát ra từ trong đám hành khất rách rưới, định bước đi, lại nghe gọi đến mình thống thiết lần nữa, lần này đượm vẻ bi ai hơn trước. Rồi một người đàn bà trong đám ăn mày tách ra, đến trước mặt anh Ba, thảng thốt nói: "Em là Tư Nhị đây".

Nhìn kỹ một lúc, không nói nên lời, vì người đàn bà ấy trước kia là hoa khôi lừng lẫy một thời, giờ đây môi thâm đen, đôi chân nõn nà quấn quanh mấy lớp vải dính máu mủ với đám ruồi bu đen không ngớt, trông dơ dáy, não nề, không dám nhìn lâu, bỏ nhẹ 20 đồng bạc xưa vào tay Nhị rồi quay đi. Cuộc đời Nhị quả đúng là để đi mua vui cho nên chẳng được lâu bền.

Tư Nhị
Ngôi nhà sang trong xưa kia của Tư Nhị rồi cũng bị đẩy dần vào dĩ vãng và nàng mỹ nữ ngày nào phải chôn kiếp ăn mày cho đến tận cuối đời.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ