Mỹ nhân Hà thành xưa (P2): Bính hàng Đẫy dang dở 1 cuộc tình vẫn đi ngược "lời nguyền" hồng nhan bạc mệnh

Anh Đào,
Chia sẻ

Cuộc đời này cũng có những trường hợp ngoại lệ một cách bất ngờ.

LTS: Trong tứ đại mỹ nhân Hà thành thời xưa có cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy... Ai nấy đều gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nức tiếng, gia thế kim chi ngọc diệp. Thế nhưng, cuộc đời cho họ sắc đẹp, thì cũng lại đưa về cho họ một số phận khác thường...

Phố hàng Đẫy xưa chính là đường Nguyễn Thái Học bây giờ.

Tiểu thư gia đình giàu có

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915 và là con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình có đến 19 người con trai gái tất cả.

Vì nhà có điều kiện nên ngay từ nhỏ, bà Bính đã được sống trong nhung lụa và hoàn toàn không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc. Cuộc sống của bà cứ như vậy tiến lên theo quỹ đạo vốn có của một tiểu thư nhà giàu.

Cô Bính hàng Đẫy
Nhan sắc xinh đẹp, thanh tao của cô Bính hàng Đẫy thuở nào.

Mỹ nhân có thói quen mặc đồ đen

Với nước da trắng ngần và đôi mắt đẹp như bồ câu, cô Bính thường chọn cho mình những bộ đồ màu đen giản dị. Thuở ấy, người đẹp cũng ý thức được nhan sắc của mình, cũng hiểu được vẻ đẹp ấy đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim đắm đuối. Thế nhưng, ý thức của một người có học vấn, lại được sống trong một gia đình khoa bảng nền nếp, được dạy dỗ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh ngay từ nhỏ..., cách ứng xử của người đẹp cũng rất mực ý tứ.

Chính thói quen và hình ảnh này đã làm xiêu lòng nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp. Từ đây, rất nhiều bài thơ nổi tiếng như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương” cũng đều mang hình bóng của cô Bính.

Tóc xanh viền má hây hây đỏ,

Miệng nàng bé thắm như san hô,

Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.

(Trích Sơn Tinh – Thủy Tinh, Nguyễn Nhược Pháp)

Cô Bính cũng biết tình cảm này của nhà thơ và đáp lại cũng có cái gọi là sự thầm thương trộm nhớ. Tuy vậy, hai người có duyên nhưng không có phận.

Giai nhân sớm chịu cảnh chia lìa

Đỗ Thị Bính và chàng nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp có lẽ sẽ là cặp đôi trai tài gái sắc nức tiếng Hà thành nếu chàng không sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939. Sau khi Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về, tên Bùi Tường Viên - em trai út của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ.

Trước đó, vào năm 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội ngày nay).

Cô Bính hàng Đẫy
Mối tình thuở thanh xuân đã không thành, cô Bính nên duyên cùng người đàn ông khác và sống bình yên đến tận cuối đời.

Cô Bính cuối cùng cũng đi lấy chồng và chôn vùi mối tình với chàng thi sĩ. Tuy vậy, chắc chắn những năm tháng thanh xuân làm bạn với thơ văn đã theo bà đi hết cuộc đời. Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Theo lời của bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của giai nhân Đỗ Thị Bính, mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng mẹ bà không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hòa đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Giai nhân Bính không coi vẻ đẹp của mình như là một thứ "vũ khí"... Đấy cũng là một trong những điều làm nên nét thanh lịch của người Tràng An.

Tuy dang dở một chuyện tình nhưng trong tứ đại mỹ nhân của đất Hà thành, cô Bính vẫn là người được sống may mắn và hưởng những điều tốt đẹp hơn cả so với những người còn lại.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ