Mỹ nhân Hà thành xưa (P1): Phượng hàng Ngang đẹp "ngả nghiêng" nhưng cuối cùng lại sống đời điên dở

Anh Đào,
Chia sẻ

Người xưa có câu "hồng nhan bạc mệnh". Nhan sắc nào cũng gắn liền với thị phi và những ngã rẽ đớn đau của cuộc đời...

LTS: Trong tứ đại mỹ nhân Hà thành thời xưa có cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy... Ai nấy đều gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nức tiếng, gia thế kim chi ngọc diệp. Thế nhưng, cuộc đời cho họ sắc đẹp, thì cũng lại đưa về cho họ một số phận long đong trắc trở...

Nhan sắc nàng Kiều của phố cổ Hà Nội

Phượng hàng Ngang hay Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ. Mẹ cô là người có sắc nên khi sinh ra, lá ngọc cành vàng này đã sở hữu làn da mềm, trắng cùng vóc dáng mềm mại, thanh tú. Cô Phượng có cặp long mày như mây khói và cặp mắt mơ màng, say đắm nhưng cũng rất sắc sảo.

Dù đẹp nức tiếng là vậy nhưng cô Phượng lại ăn mặc rất giản dị, nền nã. Tất cả những bộ đồ cô vận lên người đều toát lên vẻ đẹp thanh xuân nở nang khiến biết bao công tử, thi sĩ nhòm ngó. Đã có không ít văn nhân - ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”.

Không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, cô Phượng còn nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ khi biết đủ cầm kỳ thi họa. Chính vì điều này, việc lấy được Phượng hàng Ngang làm vợ đã trở thành ước mơ và lời thách đố của biết bao công tử. Cùng vì đây mà cuộc đời của một mỹ nhân đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

cô Phượng hàng Ngang
Nhan sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Vương Thị Phượng từng khiến biết bao chàng công tử Hà thành mê đắm.

Cuộc hôn nhân thách đố đầy oan nghiệt

Cô phượng được cha gả cho A Đẩu, cháu ruột của một nhà tư sản chuyên buôn bán lụa ở phố hàng Đào. Về đây, Phượng được sống, cưng nựng không khác công chúa, đặc biệt là sau khi sinh được cậu con trai. Ngày ngày cô chỉ việc ngồi bán hàng cùng mẹ chồng mà không phải động tay vào bất kỳ việc gì. Tuy nhiên, chồng của cô chính xác là một công tử nên có lối sống không lấy gì làm vừa lòng cô.

Sống lâu mới biết, A Đẩu không hề yêu quý gì Phượng. Với anh ta, việc lấy cô chỉ như một “chiến tích” để khoe với bạn bè, như một chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền cho sự giàu sang của mình. Thậm chí, y còn là kẻ thiếu tinh tế, ăn nói cục cằn, vũ phu, mê cờ bạc, gái gú. Khi có chuyện gì bực dọc, anh ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Không biết bao đêm cô phải khóc vì chồng ngang nhiên "gái gú" trước mặt cô.

Vì những năm tháng này, vẻ tươi trẻ thanh xuân đã không còn trong đôi mắt nàng nữa mà thay vào đó là sự u buồn đến tột độ. Chính lúc này, một mối tình khác đã đến với cô.

cô Phượng hàng Ngang
Vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc mà nét tươi trẻ đã dần vuột khỏi tay người con gái đẹp nức tiếng.

Bỏ nhà chồng chạy theo tiếng gọi trái tim

Giữa lúc đau khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô đã gặp gỡ và rung động trước nhà báo Hoàng Tích Chu, người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Cô đi theo tiếng gọi của tình yêu vào tận Sài Gòn và để lại cho gia đình bức thư từ biệt.

Tuy nhiên, cuộc tình đẹp cũng chẳng kéo dài được bao lâu khi Tích Chu sang Pháp học và không mang cô theo được. Ông đành bảo cô về Bắc Ninh tìm gia đình mình nhưng cha của Tích Chu không đồng ý nên sai người đưa Phượng về xin lỗi chồng để trở lại, nhưng bị từ chối.

A Đẩu không chấp nhận vợ. Bản thân cô cũng không muốn về sống chung với người chồng đó nữa. Lúc này vợ chồng thương gia Vương Toàn Thắng đều đã qua đời. Cô Phượng đành phải làm nghề buôn bán nuôi thân.

tứ đại mỹ nhân hà thành
Vậy là một trong tứ đại mỹ nhân của đất Hà thành đã không thể tìm được hạnh phúc thực sự của đời mình.

Cuộc sống lưu lạc cuối đời

Có lần buôn không thành, cô Phượng bị lừa hết vốn liếng tài sản nên đành nhờ cậy đến kẻ đã từng si mê mình tên là Lưu. Nào ngờ, vợ của người này có máu ghen nên phá đám, không cho chồng thuê nhà riêng cho Phượng. Mọi thứ lại sụp đổ ở đây.

Phượng quẫn quá về Hưng Yên lên chùa xin xuất gia và lại được một người đàn ông tên Bách xin về làm vợ lẽ. Vợ cả của Bách ban đầu thì ngọt ngào nhưng không ngờ đã ủ mưu độc phía sau. Ngày Bách được chuyển đi Lai Châu, bà cả đã sai người đầu độc Phượng khiến cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, người gầy rộc đi.

Phượng cuối cùng lưu lạc về Gia Lâm sống cùng bà lão tốt bụng. Tuy nhiên vì quá nghèo nên cuối cùng cũng phải gửi cô vào nhà thương. Chỉ một tuần sau, cô Phượng qua đời.

Cả cuộc đời cô Phượng đã khiến không biết bao nhiêu gã đàn phải si mê nhưng đến khi chết lại chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ