Cùng là câu nói động viên con nhưng tại sao một đứa trẻ thành công, còn một đứa trẻ thất bại: Cha mẹ đã sai ở đâu?
Các chuyên gia tâm lý nói rằng cho dù cha mẹ muốn động viên con cũng phải tìm cách động viên cho thật khéo.
Có rất nhiều cha mẹ tin rằng động viên là cách giúp con có động lực phấn đấu. Vì vậy, cha mẹ không bao giờ tiếc lời khích lệ con. Tuy nhiên, theo tư vấn của các chuyên gia tâm lý, cùng một ý nghĩa động viên, nhưng hai cách nói khác nhau sẽ mang lại hiệu quả hoàn toàn trái ngược nhau. Minh chứng là 2 trường hợp của hai đứa trẻ sau đây:
Trường hợp thứ nhất: "Con là người giỏi nhất. Con đã từng làm được việc này trước đó rồi nên lần này con cũng sẽ làm được"
Một bà mẹ có cậu con trai rất thích chơi xếp hình bỗng than thở dạo này con thay đổi tính nết kỳ cục quá. Hỏi ra thì chị kể con trai từ bé đã rất thích đồ chơi xếp hình, chỉ cần đưa cho cậu bé một bộ lego hoặc một bộ ghép hình thì thế nào con cũng sẽ chơi quên thời gian.
Không những xếp giống như những hình mẫu, đứa trẻ còn tỏ ra rất thông minh khi xếp được nhiều loại hình dạng khác nhau. Và cứ thế, mỗi lần đưa con đi chơi, chị đều đưa con đến cửa hàng để lựa chọn những bộ lego có độ khó ngày một cao. Còn cậu bé thì vô cùng hào hứng, đến nỗi vừa về đến nhà là mở ra xếp hình ngay.
Cho đến một ngày, đứa trẻ lựa một bộ lego cực kỳ phức tạp. Và lần đầu tiên, cậu bé bị thất bại trong việc xếp theo hình mẫu. Thấy vậy, người mẹ liền động viên con: "Con có thể làm được mà. Con là người giỏi nhất. Con đã từng xếp được rất nhiều bộ lego trước đó, và lần này con cũng sẽ làm được. Cố lên con trai!".
Song, sau nhiều lần cố gắng, cậu bé vẫn không thể xếp được như mình mong muốn. Cuối cùng, cậu bé đã ném hết lego xuống đất và hét lên: "Trò này không vui. Không vui chút nào cả. Từ nay con sẽ không bao giờ xếp lego nữa".
Sau đó, dù người mẹ cố gắng thuyết phục như thế nào đi chăng nữa thì đứa trẻ cẫn cương quyết không động đến bất kỳ bộ lego nào nữa.
Trường hợp thứ 2: "Tiếp tục đi nào. Con đang làm rất tốt"
Trong một lần biểu diễn piano mừng lễ khai giảng ở trường, Tuấn Anh cảm thấy rất xấu hổ vì vô tình đánh lỗi một nhịp đàn. Lúc đó, con cảm tưởng như toàn bộ các thầy cô và các bạn đang nhìn mình với ánh mắt chế giễu. Vì vậy, Tuấn Anh run rẩy và tim đập nhanh, ngồi im như tượng. Mọi thứ như ngừng trôi.
Thấy vậy, mẹ của bé trai ngồi ở hàng đầu liền nói rất to rằng: "Tuấn Anh, tiếp tục đi nào con trai. Đặt tay lên đàn và tiếp tục nào. Con đang làm tốt đấy". Được mẹ khích lệ, cậu bé dần vượt qua được cảm giác lo sợ và hồi hộp, cậu dồn hết tâm sức vào phím đàn và chìm đắm trong âm nhạc. Kết thúc bài biểu diễn, cả sân trường vang dội tiếng vỗ tay.
Đọc xong hai câu chuyện này, chắc hẳn nhiều bố mẹ thắc mắc vì sao cũng là động viên, chỉ là cách dùng từ khác nhau, nhưng lại mang đến kết quả hoàn toàn trái ngược.
Giải đáp thắc mắc này, Giáo sư tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Thomas Gilovich, cho biết chuyện này giống như kiểu kỳ vọng càng nhiều, thất vọng sẽ càng lớn. Nói cách khác, "cha mẹ càng mong đợi bao nhiêu thì con càng lo lắng bấy nhiêu. Con lo rằng nếu mình không làm tốt thì cha mẹ sẽ rất buồn, rất thất vọng về mình. Từ đó, con sẽ không dám đối mặt với thất bại. Ngược lại, nếu được ở trong một môi trường thoải mái, không căng thẳng, con sẽ có thể chơi hết mình, và sẵn sàng chấp nhận thất bại".
Cụ thể, nếu đọc kỹ hai lời động viên, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra rằng người mẹ trong câu chuyện thứ nhất động viên con với tâm thế kỳ vọng con luôn là người giỏi nhất. Thậm chí, bà mẹ này còn so sánh lần này với những lần trước con đã làm được, đồng thời tự khẳng định rằng con nhất định sẽ làm được.
Ngược lại, người mẹ thứ 2 chỉ đơn giản là động viên con tiếp tục. Bà không đặt nặng việc con có đàn hay hay không, bà cũng không so sánh hiện tại với lúc con tập luyện. Mà người mẹ này chỉ nhìn ở ngay thời điểm con đang "đóng băng" để động viên con tiến lên phía trước. Không nhìn lại quá khứ, không kỳ vọng ở tương lai, đứa trẻ không bị áp lực nên đã hoàn thành tốt việc của mình.
Nói tóm lại, cha mẹ nào cũng mong con mình tài giỏi và làm gì cũng thành công. Nhưng trên đời này, không có ai giỏi giang và may mắn đến mức chưa bao giờ phạm sai lầm hay thất bại bao giờ. Thế nên, cha mẹ hãy chấp nhận và cho phép con được sai lầm và thất bại, bởi đó là những bài học giúp con đúc kết được kinh nghiệm. Đồng thời hãy khích lệ con đứng dậy và tiến lên phía trước từ những sai lầm và thất bại đó. Có như vậy, con mới có thể trưởng thành với tâm thế vững vàng, dù cho có gặp thất bại hay khó khăn cũng không nản lòng buông xuôi.