Sau này con sẽ thành công và giàu có nếu bố mẹ rèn trẻ làm việc này ngay từ khi còn bé
Không có con đường tắt nào dành cho sự thành công và giàu có, vì vậy để con đi đến được bục vinh quang, bố mẹ nên chú ý cho con làm việc này ngay từ khi còn nhỏ.
Làm cha mẹ, ai cũng đều mong con mình sau này lớn lên sẽ giàu có, thành công, sung sướng, "ngồi mát ăn bát vàng". Nhưng trên thực tế, con có trở thành người như bố mẹ mong muốn hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách giáo dưỡng của bố mẹ khi còn nhỏ.
Nhà triết học người Pháp, ông Jean-Jacques Rousseau từng nói: "Bạn có biết phương pháp nào để biến con trở thành người bất hạnh không? Phương pháp đó chính là chiều theo ý của con".
Ở xã hội ngày nay, có rất nhiều gia đình dù kinh tế không mấy khá giả, nhưng bố mẹ vẫn cố nhịn ăn nhịn mặc để lo cho con, chứ nhất quyết không để con cái phải chịu khổ. Ngược lại, những gia đình giàu có, bố mẹ có địa vị xã hội thì lại muốn con mình được nếm trải cực khổ, gian khó.
Chẳng hạn như nữ doanh nhân thành đạt người Trung Quốc, bà Đổng Minh Châu – được mệnh danh là "người đàn bà thép", đã tập trung vào nuôi dưỡng tinh thần vượt khó cho con ngay từ khi còn rất nhỏ. Bà nói: "Không thể giáo dục con bằng những lời chỉ trích la mắng và đánh đập, mà bố mẹ phải là một tấm gương sáng với những hành vi tốt. Vì trẻ em thường chú ý đến mọi điều mà bố mẹ làm và con sẽ học theo.
Tôi chưa bao giờ chỉ trích con trai tôi trong suốt quá trình trưởng thành của con. Tôi cũng chưa bao giờ đánh con. Có một lần, thằng bé làm mất chiếc đồng hồ đeo tay của tôi nhưng tôi không hề la con. Tôi chỉ nói với con một cách nghiêm túc rằng: 'Chiếc đồng hồ đó được mua bằng tiền mẹ tiết kiệm trong nhiều năm'. Nghe đến đây con trai tôi hiểu rằng mình phải cẩn thận hơn trong những lần sau. Giả sử lần đó tôi đánh con thì sao nhỉ? Có lẽ cả đời con sẽ nghĩ mình nợ mẹ 1 chiếc đồng hồ và sẽ mua một cái tốt hơn cho mẹ khi có thể".
Bà Đổng Minh Châu tin rằng tình yêu của bố mẹ không chỉ đơn giản là sự bảo bọc. Điều quan trọng nhất bố mẹ cần dạy con rằng "mọi thứ đều có được nhờ nỗ lực của chính mình". Dù gia đình rất giàu có, nhưng bà Đổng không bao giờ chở con đi học bằng ô tô, thay vào đó, cậu bé luôn đến trường bằng xe buýt từ khi học tiểu học cho đến hết đại học. Năm 12 tuổi, lần đầu tiên đi máy bay, bé trai đã hy vọng mẹ đưa đến sân bay nhưng bà Đổng từ chối và để con tự xoay sở một mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, con trai của bà Đổng Minh Châu đi làm luật sư với mức lương chưa đến 6.000 tệ/tháng (khoảng 19 triệu đồng), lái chiếc xe rẻ tiền và ở nhà thuê. Tuy nhiên, chàng thanh niên này lại rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Con trai của bà Đổng đã nói với mẹ rằng: "Mẹ có thể bắt đầu từ hai bàn tay trắng, con cũng có thể".
Bà Đổng Minh Châu chia sẻ thêm: "Sắp xếp mọi thứ tốt nhất cho con không phải là một phương pháp giáo dục tốt. Đối với tôi, cách tốt nhất để nuôi dạy con nên người là cho con không gian phát triển bản thân và dạy con cách nhìn lại mình. Và cho đến bây giờ, một trong những điều tôi tự hào nhất là đã không chiều chuộng con trai mà để con lớn lên thành một người mạnh mẽ và độc lập".
Nhà văn lớn người Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói: "Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng". Và không hề có con đường tắt nào dành cho hành trình trưởng thành. Vì vậy, nếu bố mẹ thương con hãy để con được nếm trải những gian khổ khó khăn vì những lý do sau:
Khó khăn giúp củng cố sự tự tin
Một người tự tin thường sẽ dũng cảm, lạc quan và kiên cường, đó là một trong những tố chất cần thiết giúp con bước đến thành công. Tất nhiên, khi gặp khó khăn con sẽ có cảm giác không vui. Song, chỉ cần bố mẹ giúp con phân tích nguyên nhân, đồng thời kích lệ để con tự tin đối mặt với thử thách, nhất định con sẽ vượt qua nó.
Khó khăn giúp bồi dưỡng ý chí kiên cường
Những khó khăn thử thách như lò luyện linh đan giúp con rèn luyện ý chí kiên cường, dũng cảm. Có như thế, sau này ra đời con sẽ dễ dàng chiến thắng mọi trở ngại để bước đến bục vinh quanh.
Khó khăn có lợi cho việc tăng khả năng chịu đựng
Khi gặp khó khăn, có một số người sẽ tỏ ra chán nản, buồn bã, thậm chí là trốn tránh, nhưng cũng có những người lại tích cực và dũng cảm đối mặt. Tại sao lại như thế? Đó là vì họ nhận được hai phương pháp giáo dục khác nhau.
Đối với những thử thách "khó nhằn" cần sự kiên trì, bố mẹ nên động viên con có thái độ lạc quan, dạy con học cách tự an ủi bản thân để giải tỏa áp lực tâm lý. Đây cũng chính là phương thức bồi dưỡng phẩm chất lạc quan và tự tin cho con.
Vì chỉ khi gặp phải thử thách, con mới phải tỏ ra kiên cường, dũng cảm, tự tin, dùng sức mạnh và trí tuệ của mình khắc phục khó khăn, gian khổ và từng bước trở nên chín chắn vững vàng đi đến thành công.