Cực kỳ thông minh và đáng yêu, cá voi Beluga còn có một năng lực đặc biệt khiến con người phải rùng mình
Cá voi Beluga là một trong những động vật thông minh nhất đại dương.
Cá voi Beluga, còn được gọi là cá voi trắng, là một trong những loài cá voi nhỏ nhất thế giới động vật. Chúng sở hữu làn da trắng mịn đặc trưng, cùng cái đầu với chiếc "trán bướng" kinh điển giúp chúng có ngoại hình không thể bị nhầm lẫn.
Cá voi Beluga thường sống theo bầy đàn; chúng có tổ chức xã hội vô cùng cao và có nhiều phương thức giao tiếp đa dạng, như những tiếng huýt sáo chẳng hạn.
Chúng sinh sống ở vùng biển Bắc Băng Dương hoặc cận cực, một số còn có thể được tìm thấy ở các vùng nước sâu gần bờ. Cá voi Beluga có thức ăn là các loài động vật biển nhỏ hơn và có thói quen săn mồi giống cá voi sát thủ. Tuy nhiên, chúng lại vô cùng thân thiện và yêu mến con người.
Cá voi Beluga trưởng thành có kích thước lên đến 4 mét và sở hữu bộ não gấp đôi con người, thậm chí còn có nhiều nếp gấp hơn. Chúng có kỹ năng xử lý vấn đề, giao tiếp, có thể giữ bình tĩnh trong những tình huống ngặt nghèo và có thể dễ dàng huấn luyện.
Nhờ khả năng sao chép nhiều âm thanh khác nhau và thậm chí "ca hát", cá voi Beluga còn được coi là "chim hoàng yến" của biển cả.
Nhưng đây mới là điều đáng chú ý. Năm 2017, Newsweek đưa tin một con cá voi Beluga đã "học" được "ngoại ngữ" là tiếng cá heo khi chuyển đến sống cùng bầy cá heo này. Trước đó, con cá voi Beluga ấy sống chung với đồng loại và "nói" tiếng Beluga bình thường.
Sau 2 tháng "chuyển nhà", nó bắt đầu tạo ra những tiếng huýt sáo mới với những thanh âm tương tự như "anh em" cá heo sống chung. Thậm chí, nó còn có thể tạo ra những tiếng huýt sáo đặc trưng không khác gì cá heo thông thường để dễ dàng hòa nhập.
Điều đó thực ra cũng không đến nỗi quá ngỡ ngàng, vì vốn cá voi Beluga và cá heo mũi chai là họ hàng gần gũi với nhau.
Hiện tượng kỳ quái và lý giải thực sự
Điều khiến người ta thực sự rùng mình là một con cá voi Beluga từng bị nuôi nhốt mang tên NOC.
NOC được nuôi nhốt tại một trung tâm động vật hải dương ở San Diego, California, Mỹ, cho tới khi qua đời năm 1999. Vào năm 1984, các nhà khoa học phát hiện một hiện tượng kỳ quái khi xuất hiện tiếng người nói quanh khu vực nuôi nhốt của NOC khi không có ai đứng xung quanh đó cả.
Đồng tác giả của nghiên cứu khi đó thừa nhận khu vực xuất hiện tiếng người nói, nhưng rất khó để nhận ra những thanh âm ấy để hiểu người ta đang cố gắng giao tiếp điều gì.
Tất nhiên, các nhà khoa học không tìm lời lý giải ở những hiện tượng siêu nhiên. Sự việc trở nên ly kỳ hơn khi một thợ lặn trong bể cá voi phát hiện tiếng có người đuổi mình, với âm thanh như từ "out" ("ra ngoài" trong tiếng Anh).
Hóa ra, tiếng nói đó phát ra từ NOC. Trên thực tế, anh bạn này đã có rất nhiều cơ hội để lắng nghe các đoạn hội thoại của con người, từ cả những người ngoài bể lẫn các thợ lặn khi giao tiếp với nhau.
Trong một bài kiểm tra khắt khe hơn để xem NOC có thể thực sự bắt chước con người hay không, các nhà khoa học đã thưởng cho anh bạn những món ăn nhẹ khi nó tạo ra những âm thanh đó, khiến nó phải làm như vậy đủ lâu để họ ghi âm.
Phân tích âm thanh của NOC cho thấy một nhịp điệu tương tự như giọng nói của con người. Chúng cũng hiển thị các tần số cơ bản thấp hơn vài quãng tám so với âm thanh cá voi điển hình và gần hơn nhiều so với âm thanh của giọng người.
Nhà nghiên cứu Sam Ridgway, nhà sinh vật học thần kinh, bác sĩ thú y và chủ tịch của National Marine Mammal Foundation, nói với LiveScience: "Chúng tôi rất ngạc nhiên - chúng tôi rất ngạc nhiên - âm thanh đó thực sự khiến chúng tôi nhớ đến tiếng nói giống như con người và không giống như âm thanh của cá voi bình thường. Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy bất cứ điều gì như thế này trước đây".
Ngoài NOC, nhiều người cũng kể câu chuyện về một con cá voi Beluga khác ở Vancouver, Canada khi nó tự biết thốt ra tên mình, "Lagosi".
Nguồn: NatGeo, Live Science, Britannica