Cửa ải “khó nhằn” của bố vợ

Mạc Thủy,
Chia sẻ

Mỗi khi nhớ lại chuyện bị bố vợ đặt cửa ải thử thách, anh Dũng vẫn còn nhớ như in mình đã choáng váng, "xanh mặt" thế nào.

Sau gần 3 năm kết hôn với chị Trang, anh Dũng (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết vẫn còn “mướt mồ hôi” mỗi lần nhớ lại màn thử thách của bố vợ dành cho mình trước khi về làm rể.

Anh cho hay: “Tôi và cô ấy quen và yêu nhau khi cùng học chung trường đại học. Lúc yêu nhau thì cũng chỉ biết quê cô ấy ở Yên Bái, còn chi tiết về bố mẹ cô ấy thế nào thì mãi tận khi về thăm nhà cô ấy tôi mới thông tỏ cửa ải mà mình phải vượt qua đáng sợ đến mức nào”.

Theo những gì anh Dũng kể thì khi chị Trang và anh yêu nhau được khoảng 1 năm thì bố mẹ chị có lệnh “triệu tập” anh để xem chàng rể có ra dáng và xứng đáng hay không. Trước khi hai anh chị bắt xe về quê thì chị Trang cảnh báo rằng có thể bố chị sẽ gây khó dễ, anh cần cảnh giác. Tuy nhiên anh Dũng vẫn một mực đinh ninh mình tử tế, thật lòng với con gái họ thì không có gì là đáng ngại. 

Cửa ải “khó nhằn” của bố vợ 1
Vừa bước chân qua cổng nhà, anh Dũng đã bị bố vợ tương lai “chiếu tướng” từ đầu đến chân, hỏi han nhân thân như kiểu cảnh sát lấy cung tội phạm (Ảnh minh họa)

“Tôi cứ nghĩ rằng cửa ải khó nhất chỉ là để bố mẹ cô ấy thấy mình là anh chàng nghiêm túc trong mối quan hệ với con gái họ. Rồi trò chuyện với bố mẹ cô ấy để họ tin tưởng mình hơn, thế là xong. Thế nhưng không ngờ từ lúc đặt chân vào nhà cô ấy đến buổi vượt thử thách của bố cô ấy tôi đi hết từ choáng váng này đến choáng váng khác. Buổi tối hôm ra mắt, tôi trở thành một kẻ đi không vững và nói năng lảm nhảm” - anh Dũng kể lại.

Theo đó, sau khi ngồi trên xe mất 5 tiếng đồng hồ, vừa bước chân qua cổng nhà, anh Dũng đã bị bố vợ tương lai “chiếu tướng” từ đầu đến chân, hỏi han nhân thân như kiểu cảnh sát lấy cung tội phạm. Buổi tối hôm đó, anh Dũng tròn mắt, cứng miệng, sợ nhưng không dám ho he phản ứng khi bố chị Trang mang một hũ rượu to đùng ra đặt trước mặt anh và phán: “Cả họ nhà này, từ thằng cu lên 3 là tửu lượng đã kha khá. Anh muốn làm rể nhà này thì chỉ cần uống năm bát rượu thôi”. 

Chưa bao giờ uống rượu, cũng không biết chắc bố vợ mang rượu ra để thử tửu lượng hay muốn chắc chắn anh con rể tương lai có phải là tên bợm rượu hay không nên anh Dũng lừng khừng, nhấm nháy chị Trang cứu. “Hai ngày đầu tiên, cô ấy lấy lý do tôi vừa ốm dậy không tiện uống rượu. Nhưng sang ngày thứ ba, tôi vã mồ hôi khi bữa cơm nào bố cô ấy cũng vác bình rượu ra và nhắc phải uống”. 

Trốn mãi không được, anh Dũng đành nhắm mắt làm liều, đón bát rượu từ tay bố vợ tương lai rồi đưa lên miệng. “Uống được vài ngụm thì bắt đầu hoa mắt, chóng mặt. Khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu. Cô ấy nhìn thấy tôi thì ôm miệng cười. Còn bố vợ thì vẫn giữ nguyên ánh mắt chiếu tướng như hôm đầu gặp. Khi đó, tôi đã nghĩ chuyện thế là hết rồi, cửa ải khó nhằn đã không thể nhằn nổi” - anh Dũng nhớ lại. 

Và mãi về sau này, khi đã đón được nàng về dinh. Một dịp ngồi ăn cơm với bố vợ, anh Dũng mới nghe bố vợ hỉ hả kể lại rằng đêm đó vừa uống chưa được nửa bát rượu, anh đã đứng dậy, chân nam đá chân chiêu. Anh nhất định không uống nữa và phân bua rằng “bố vợ quá ác khi chuốc rượu một gã không uống nổi một chén con”.

Còn anh Hiệp (Ba Đình, Hà Nội), mỗi dịp nhắc lại chuyện vượt qua cửa ải của bố mẹ vợ cách đây gần 10 năm để “rước nàng về dinh” là anh cười nghiêng ngả. Anh bộc bạch rằng chị Hằng - vợ anh, vốn là cô gái miền Trung, con nhà nông. 

Lúc yêu chị thì anh cũng được biết trước khi chị ra Hà Nội học, thì vụ mùa nào chị cũng phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Khi đó, chị Hằng còn cười đùa với anh rằng khi nào có dịp về quê, chị sẽ cho anh - một chàng trai thành phố, “nếm” thử sự cực nhọc, vất vả của “con nhà nông”.

Những tưởng đó là lời nói bông đùa và anh Hiệp cũng không bao giờ tưởng tượng nổi mình sẽ có ngày phải lội ruộng, vác cày đi sau con trâu. 

“Lời nói của cô ấy trở thành hiện thực khi tôi về ra mắt gia đình cô ấy đúng dịp mùa cày cấy. Khi tôi về thăm, mẹ cô ấy bảo rằng bố đang ở ngoài đồng cày ruộng. Từ bé đến lớn, vì ở thành phố nên họa hoằn thì tôi được thấy cây lúa khi có dịp ra ngoại thành. Chưa bao giờ tôi biết người ta cày cấy thế nào nên cũng khá tò mò. Và thế là tôi theo chân cô ấy ra đồng” - anh Hiệp kể.

Vừa tới nơi, chưa kịp chào hỏi, cũng chưa kịp tìm hiểu gì, thì anh Hiệp đã bị bố vợ vẫy lại, chỉ tay ra hiệu anh lội xuống bùn. Chới với mãi mới tới gần thì anh đã bị bố vợ tương lai dúi ngay cho tay cày. 

“Bố vợ tôi khi đó mặt tỉnh bơ, cười khà khà mà bảo rằng ‘Xem chàng trai này có xứng làm con rể nhà nông không nào! Cày cho bác xem vài đường đi’. Trời đất ơi. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi chỉ nghe người ta truyền miệng câu ‘con trâu đi trước, cái cày đi sau’, chưa bao giờ lội ruộng thì cày cái nỗi gì! Nhưng lúc đó thì còn cách nào khác ngoài việc cầm lấy tay cày đâu”.

Cửa ải “khó nhằn” của bố vợ 2
Để vớt vát lại thể diện và lấy lại điểm trong mắt bố vợ, anh Hiệp phải dốc sức trổ tài cày ruộng thêm 4 vụ lúa nữa (Ảnh minh họa)

Và chuyện anh lội ruộng đi cày trở thành màn trình diễn dở cười dở khóc khi vào tay anh, con trâu không chịu bước theo ý anh, đường cày thì thành hình cánh cung. "Bản thân tôi thì ngã dúi dụi xuống bùn vì bị con trâu bỗng chồm lên phi nhanh khi tôi quất vào mông nó mạnh quá. Xong được vài đường cày thì toàn thân dính đầy bùn. Đã mệt mướt mồ hôi, lại thêm méo mặt khi nghe bố vợ tương lai chặc lưỡi, lắc đầu bảo mất điểm nặng rồi" - anh Hiệp nhớ lại.

Sau lần đó, để vớt vát lại thể diện và lấy lại điểm trong mắt bố vợ, anh Hiệp phải dốc sức trổ tài cày ruộng thêm 4 vụ lúa nữa. "Lẽo đẽo theo sau con trâu 4 vụ lúa, đường cày thì không thể khá hơn nhưng không bị ngã dúi xuống ruộng nữa thì bố vợ đồng ý cho cưới. Sau thử thách của bố vợ thì mình thấy đúng là các cụ đã bày cửa để thử thách thì không hề đơn giản chút nào" - anh Hiệp cười, nói.



Cửa ải “khó nhằn” của bố vợ 3

Chia sẻ