Con rể làm “bố tướng” nhà vợ
Khác với con dâu ở nhà chồng thường bị chịu uất ức, những chàng rể sống trong nhà bố mẹ vợ được trân trọng, an nhàn. Đôi lúc họ còn nghiễm nhiên trở thành “bố tướng” dùng suy nghĩ để chỉ đạo gia đình nhà vợ.
Rểlàkhách...
Quan điểm coi trọng con rể như vị khách quý trong gia đình nhà vợ đã có từ rất lâu. Nó ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt và trở thành quy cách đối xử với con rể.
Anh Thiện ở chung nhà với bố mẹ vợ ở Từ Liêm – Hà Nội, do hai vợ chồng anh chưa có điều kiện kinh tế để dọn ra ở riêng. Vả lại, trước anh Thiện còn hai anh đã lập gia đình cùng sống với bố mẹ nên không gian sống rất chật chội. Anh Thiện đành cất công đi ở rể.
Cuộc sống của con rể được sung túc, thoải mái. Bố mẹ vợ anh làm bất cứ việc gì cũng nghĩ tới con rể đầu tiên. Ông bà thích xem chương trình tivi về sức khỏe. Song luôn tự tay chuyển sang kênh thể thao để con rể vui lòng. Đến bữa ăn cơm, các con đều mời bố mẹ dùng cơm. Nhưng chỉ lúc con rể lên tiếng mời, ông bà mới đáp lời. Những món con rể không thích ăn như: tôm, thịt lợn, rau cải… y rằng, cả nhà không được thưởng thức món này để con rể đỡ “chán mắt”.
Mọi việc nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa đều do con gái và mẹ vợ làm. Con rể chẳng bao giờ bận tâm hoặc hỏi han lấy một tiếng. Nếu con rể có “lỡ nhặt một cọng rau”, mẹ vợ sẽ lập tức “giật bắn người” nói: “con đừng đụng vào bẩn tay, đó là việc của mẹ, con lên nhà xem tivi đi”.
Bà Ngà ở Hoàng Mai cũng chia sẻ thái độ của mình về con rể: “Rể là khách. Mình phải đối xử tốt với khách. Nếu không con rể sẽ phật lòng không ở nhà bố mẹ vợ thì chỉ khổ con gái mình thôi. Nên có miếng gì ăn, thứ gì tốt, bố mẹ phải bóp mồm nhường con rể”.
Chẳng thế mà anh Tuấn, con rể bà luôn thức dậy mà đã có đồ ăn sáng mẹ vợ dọn sẵn trên bàn. Nếu hôm nào anh Tuấn đi nhậu với bạn bè say khướt, bố mẹ vợ ra sức chăm sóc giải rượu để tránh cảnh con rể “nóng tính quát ầm lên”.
Làm “bố tướng” nhà vợ
Con rể không chỉ là khách được gia đình nhà vợ đối xử thân thiện. Nhiều người con rể còn có “quyền sinh quyền sát” ngay ở… nhà bố mẹ vợ.
Ông bà Hoài ở Hà Đông phải đi rút sổ tiết kiệm gấp để mua cái điều hòa nhiệt độ lắp vào phòng con gái bởi con rể kêu nóng không ngủ được. Bà Hoài thở dài nói: “Cũng không đến nỗi là không có tiền để lắp điều hòa. Nhưng đồng tiền bây giờ mất giá, phải tiết kiệm để phòng lúc gặp hoạn nạn. Con rể đã nói ý như vậy mà mình không đáp ứng cũng ngại”. Anh con rể tỏ vẻ “kính trên” để bố mẹ vợ dùng điều hòa, còn mình chịu nóng vẫn được. Ông Hoài cố niềm nở nói trong uất nghẹn: “Bố mẹ già rồi dùng điều hòa không tốt cho sức khỏe. Các con cứ dùng đi. Cuộc sống hiện đại trong phòng cần lắp điều hòa”. Trước nhiệt tình của bố mẹ vợ, anh con rể “đành” nhận món quà này trong tiếng cười mãn nguyện.
Anh Tuyến ở Gia Lâm lại “làm chủ” nhà bố mẹ vợ theo cách khác. Anh về làm ầm lên với vợ chuyện cửa phòng quay về hướng Tây nên công việc của anh bị sếp “đè”, phải mở cửa phòng ở hướng Tây Nam mới hợp mệnh. Không thắng lại được sự nóng nảy và cương quyết của chồng, vợ anh đành phải tỉ tê với bố mẹ mình sửa lại cửa phòng theo hướng “lộc tài”.
Được hơn một tháng sau, anh Tuyến lại “giở quẻ” khen phòng bố mẹ vợ thoáng mát rất thích hợp cho chỗ đặt máy tính và đọc sách. Bố mẹ vợ anh đành nghiến răng chuyển sang phòng khác nhường chỗ “thuận” phục vụ “công việc cao cả” của con rể.
Được đà tiến tới, anh Tuyến đòi hỏi gia đình nhà vợ phải thực hiện hết “yêu sách” này đến “hạch sách” khác. Bố mẹ vợ có lúc nhẹ nhàng nói ý kiến, con rể lập tức kiếm cớ quát nạt vợ, cho rằng bố mẹ vợ “khinh mình ở rể mà đối xử tồi tệ”. Bố mẹ vợ anh đành nín nhịn coi đó là “số kiếp” và vì thương con gái mà “nhường một bước” để giữ cho êm cửa êm nhà.
Cứ thế, cuộc sống của những người con rể sống trong nhà bố mẹ vợ được tôn trọng và chiều chuộng như ông Hoàng. Con rể bỗng chốc trở thành người nhạy cảm, dễ bị tổn thương, dễ mất lòng trước thái độ và lời nói của gia đình nhà vợ. Thói tham của con người có bao giờ “xuống thang”, con rể sẵn đà cứ thế “được đằng chân, lân đằng đầu” trong các đòi hỏi với gia đình bố mẹ vợ.