“Chiêu” của bố vợ

Theo Doanh nhân SGCT,
Chia sẻ

Nghe chuyện, ông gọi con gái lại “bạt tai” cho một cái tỉnh đòn. Ông quát: “Riêng tư cái gì! Tôn trọng cái riêng tư tử tế chứ không ai tôn trọng cái lũ mất nết!...".

Phụ nữ tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng ở nhà chăm con tốt hơn. Hai người đi làm mà để con nay ốm mai đau sẽ hại về lâu dài, đồng tiền chẳng đáng. Anh chồng nghĩ mình cố gắng chút cũng bù đắp được “đồng lương còm” của vợ. Thế là ổn. Cô vợ chăm con, rồi con lớn dần, nỗi mệt nhọc của việc chăm em bé dần thay bằng những tháng ngày dậy sớm, dỗ cho chúng chịu dậy, đánh răng, ăn sáng rồi đến trường đã là một kỳ công. Con đến trường học rồi, coi như mẹ được đền bù chút nghỉ ngơi, tự thưởng cho mình. Cứ quần quật cắm đầu nuôi con, ngửng đầu dậy thì sắp bốn mươi tới nơi, tuổi xuân đã qua mất. Đây mới là lúc có thời gian cho bản thân: mua sắm, tập yoga, đến các trung tâm thể thao bơi lội, chú ý đến mỹ phẩm, dưỡng da. Có thời gian lên mạng…

Nếu chuyện đời chỉ có thế thì ổn quá. Nhưng không, mọi rắc rối là do “tự nhiên” cô thấy đời đơn điệu quá. Anh chồng cứ chúi mũi đi làm, được ngày nghỉ chở vợ con về hai bên nội ngoại, nghe con la hét, cho con đi học bơi, đi mua sách, mua đồ chơi, xong rồi cũng mệt lử. Thế là chẳng ai biết ai nghĩ gì. Dần dần đời sống cá nhân cứ thu hẹp lại.

Một hôm, chồng thấy vợ cứ điện thoại, nhắn tin vào lúc đêm khuya. Sáng mai khi cô đang ở nhà tắm, anh “vô tình” cầm máy điện thoại của vợ và sững sờ với các tin nhắn. Một đôi tình nhân trò chuyện, nhung nhớ… Anh choáng váng, bất ngờ. Cứ tưởng mình nai lưng ra đi làm nuôi cả nhà, là điều hiển nhiên phải được thương mến, tôn trọng. Nào ngờ cô vợ nhàn cư…
 

Chuyện tiếp theo là đau đớn, oán giận, tra hỏi. Vợ thú nhận rằng mối quan hệ này là… trên tình bạn, dù hai người chỉ qua chat rồi thành thân mật, nhắn tin như một món ăn tinh thần. Hai bên đều kêu buồn, phê phán cuộc đời chán ngắt, tả cảnh mây gió. Cô vợ còn tra cứu, sưu tầm văn chương thơ phú, lịch sử, lời các doanh nhân. Họ nghiệm những tin nhắn, tâm sự, trổ tài và trao đổi những suy nghĩ hay ho về cuộc sống nội tâm của nhau…

Có gì đâu! Cuộc trò chuyện ảo, của hai người có gia đình, đang tìm thêm chút phong phú cho tinh thần…

Cô vợ bắt đầu phản công: “Sao anh kiểm tra tư liệu cá nhân? Sao anh thiếu tôn trọng sự riêng tư?...”. Anh chồng vừa đau đớn vừa giận dữ, không muốn rơi vào thế của anh đàn ông ghen tuông, nhưng chưa biết cách nào.

Có người nói: “Sao anh không tìm xem gã kia là thằng nào để cho nó một trận, chừa thói vụng trộm lừa dối vợ con để gửi hồn ở bên ngoài, tán tỉnh vợ người ta”. Nhưng anh chồng nói rằng anh không là loại người phải đi tấn công ngăn chặn đám mất nết ngoài đường, mà đau ở chỗ người nhà mình ngu dại, lố lăng. Cô vợ vẫn không thấy mình có lỗi, mà đổ lỗi cho chồng: Tại đời sống hôn nhân buồn tẻ quá, tại chồng không chia sẻ, tại chồng chỉ chăm về nhà mẹ ruột…

Cô giận dỗi, không quanh quẩn ở nhà cơm nước chu toàn nữa, mặc kệ cho chồng về thấy cảnh “vườn không nhà trống”. Có lúc cô còn cao giọng rằng cô chẳng có lỗi gì, cô đã gặp người kia bao giờ đâu, chỉ là viết thư, sống bằng những lời ngọt ngào của người xa lạ, không thể thiếu những tin nhắn. Trong một lúc tranh cãi, cô còn đập tan tành cái điện thoại, anh chồng lẳng lặng nhặt lấy cái sim. Nghĩ thương tình vợ ở nhà bế tắc, mình không quan tâm chia sẻ là cũng có lỗi, anh chồng mua chiếc điện thoại mới tặng vợ. Cô càng được thể, từ đó kiếm cách khóa các tin nhắn để chồng không vào xem được (mọi ngày cô đâu rành kỹ thuật này, chắc chắn đã chia sẻ và “cha kia” đã bày cách cho cô đối phó). Anh chồng tử tế buồn lo lắm, cứ cảm thấy mình có lỗi vì đã “lục soát kiểm tra sự riêng tư”. Nhưng nếu không làm thế, sao biết được người nhà mình lấn sâu vào chuyện gì…

Đang lấn cấn về lối ứng xử tôn trọng của giới có học, thì may thay, ông bố vợ bình dân xuất hiện. Nghe chuyện, ông gọi con gái lại “bạt tai” cho một cái tỉnh đòn. Lý sự của ông khác hẳn chàng rể trí thức. Ông quát: “Riêng tư cái gì! Tôn trọng cái riêng tư tử tế chứ không ai tôn trọng cái lũ mất nết! Chúng bay giấu giếm lừa dối gia đình, phải vạch mặt chỉ tên ra. Chỉ có dại mới tôn trọng sự mất nết”. Rồi ông truy cô con gái đang sợ xanh mắt: “Gã khốn nạn kia là ai, đưa địa chỉ nó đây tao đến cho nó mấy cái đạp, chứ tôn trọng gì ở chuyện này. Từ nay tao cấm. Nghe chưa? Có chồng có con đàng hoàng không biết gìn giữ. Đồ mất nết, làm xấu hổ cả cha mẹ…”.

Lời “lỗ mãng” mà đúng vấn đề, đã kìm cô gái lại. Cô đã biết sợ cái lỗi vớ vẩn của chính mình… Ông bố vợ có “bài thuốc” hay hơn chàng rể.

 

Chia sẻ