“Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” vào đề thi chuyên Văn lớp 10
Ngày 20/6, thí sinh thi vào lớp 10 THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐH QGHN) đã thực hiện bài thi môn Ngữ Văn.
Trong đề thi Văn vào lớp 10 năm nay của THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, đề bài yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm về câu nói “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” (phỏng theo lời bài hát “Vì tôi còn sống”) và ý kiến “Không nên coi sai lầm là phép thử cho cuộc đời của bạn”.
Lâu nay, hai câu nói này được nhiều bạn trẻ sử dụng như chân lý của cuộc đời mình. Vậy đâu mới là đáp án đúng?
Cô giáo Phùng Thanh Mai – Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh nhận định: “Tôi cho rằng đây là một đề thi rất hay, mang hơi thở của cuộc sống và giá trị bài học cuộc sống. Đề thi này không chú trọng nhiều vào kiểm tra kiến thức học sinh mà đánh giá toàn diện kỹ năng nhận diện vấn đề cũng như kỹ năng trình bày vấn đề của học sinh.
Đề thi này thiên về đánh giá năng lực học sinh nhiều hơn chắc chắn sẽ phân loại rất tốt học sinh và nhà trường tuyển được những thí sinh như mong muốn".
Phân tích về đề thi cô giáo Phùng Thanh Mai cho biết, ở phần bài làm của mình thí sinh cần trình bày rõ về khái niệm cũng như ý nghĩ của “sai lầm”, của “phép thử” và vì sao lại nói “cứ sai đi”.
Cuộc đời mỗi con người mấy ai tránh được sai lầm? Thông điệp mà câu nói này hướng tới đó chính là mỗi chúng ta, học được gì sau những sai lầm mới là quan trọng hay cứ để sai lầm nối tiếp sai lầm?
Đôi khi tuổi trẻ là sẽ sai lầm, sẽ có những quyết định lệch chuẩn nhưng vì “cứ sai đi” thì ta mới có những bài học kinh nghiệm cũng như nếu không có trải nghiệm, không có khó khăn sao có những trái ngọt? Quan trọng là đừng để sai lầm nối tiếp dài quá khiến cả cuộc đời mình là những phép thử để rồi về già lại sống trong ân hận, tiếc nuối rằng sao mình không thế này, sao mình không thế kia….
Ngoài ra, với bài viết, ngoài lập luận sắc bén thí sinh cần nêu những dẫn chứng để cụ thể hóa cho lập luận của mình thì mới mong được giám khảo đánh giá cao bài viết.
“Tôi cho rằng câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về câu nói “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” không phải là đề khó, hay đánh đố học sinh nhưng đề vượt ra khỏi yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản mà xoay quanh việc đánh giá kỹ năng bảo vệ quan điểm cá nhân của mình cũng như thí sinh phải biết lập luận bác bỏ.
Cả hai quan điểm “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” và “không nên coi sai lầm là phép thử cho cuộc đời của bạn” đều có những khía cạnh đúng sai riêng của nó, không câu nào đúng tuyệt đối mà cũng không câu nào sai tuyệt đối, quan trọng là cách thể hiện quan điểm của thí sinh thế nào mà thôi", cô Thanh Mai nói.