Cụ bà 86 tuổi sống hạnh phúc một mình, dặn các con 3 điều chuẩn bị cho hậu sự
Đến già rồi ai cũng sẽ ngộ ra, dù muốn dù không cũng phải đón nhận chuyện 'sinh lão bệnh tử'.
Nếu bạn hỏi: “Một ngày của người già diễn ra như thế nào?”. Vậy thì hãy nhìn cách sống tận hưởng tuổi già của cụ bà Trung Quốc 86 tuổi dưới đây:
“Sống một mình là sự lựa chọn của riêng tôi”
Tôi, 86 tuổi, có một đứa con trai, một con gái, chúng đều rất hiếu thảo. Sau khi ông nhà qua đời, các con muốn đón mẹ đến sống với chúng. Nhưng tôi cảm thấy con cái đã có cuộc sống riêng, sự có mặt của tôi chỉ khiến chúng thêm rắc rối. Tôi cũng từng sống với con trai, con gái một thời gian nhưng hầu như thói quen sống của các con bị đảo lộn vì có tôi, vậy nên tôi vẫn muốn trở về căn nhà yên tĩnh của mình hơn.
Sống một mình, không cô đơn là nói dối. Nhưng làm thế nào để thích ứng với điều này, tôi vẫn cố gắng tìm cách, sắp xếp cuộc sống cho có vẻ “bận rộn” hơn một chút.
Hơn 6 giờ sáng tôi thức dậy, nhưng tôi không rời giường ngay, mà bật điện thoại trả lời tin nhắn, nằm lười một lúc.
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng tôi là một bà già “hư” khi không dậy sớm quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau như những cụ ông cụ bà sống tối giản khác. Nhưng tôi nghĩ rằng việc mình nhắn tin với nhiều người bạn già ở độ tuổi này cũng là một cách để giữ cho nhau chút kỷ niệm cuối cùng.
Mỗi sáng báo bình an, vỏn vẹn một câu là đủ. Bởi lẽ chuyện mất mát, ra đi ở cái tuổi này quá thường tình. Nhiều người bạn của tôi, hôm nay vừa nhắn tin, hôm sau gia đình thông báo đã qua đời trong đêm. Cuộc đời vô thường như thế đấy!
Nhắn tin với bạn bè xong, tôi ăn sáng và uống thuốc. Điều quan trọng tiếp theo là kiểm tra vườn cây.
Tôi thích trồng sen đá, hiện trong nhà có hơn 100 chậu. Còn có hồng, mẫu đơn, cẩm tú cầu, cây cam, hoa trà, xương rồng, hoa giấy... Thân già như tôi không chịu ngồi yên, phải đi qua đi lại vài lượt trong vườn để tưới hết tất cả chậu cây mới chịu nghỉ ngơi.
Tiếp theo là đi chợ. Hiện tại không còn sức khỏe như xưa nên đi đứng cũng chậm hơn, làm hết cả thảy cũng hơn 10 giờ.
Trở về nghỉ ngơi, tôi lại nhắn tin cho bạn bè, gần có, mà xa xôi cũng có. Lớn tuổi, ai cũng mang bệnh, thăm hỏi nhau vài câu cũng không mất nhiều thời gian. Sau đó, tôi lại nấu bữa trưa, đôi khi nấu nhiều hơn cho bữa tối nếu cảm thấy trong người không được khỏe.
Thời gian tiếp theo tôi đặt ra cho mình hai mục tiêu. Nếu thời tiết đẹp, tôi sẽ đi dạo. Nếu trời mưa, tôi sẽ tự chơi bóng bàn ở nhà, tập thể dục. Sau đó, tôi chơi trò đếm số trên máy tính bảng. Người già rồi, đầu óc phải được rèn luyện thường xuyên mới không bị đãng trí.
Kỳ thật, sống một mình đa phần chỉ có nhiêu đây thôi, quan trọng là phải vui vẻ. Mỗi ngày, tôi đều gọi điện thoại cho con trai và con gái. Trong nhà có lắp đặt camera giám sát, nếu tôi có chuyện gì thì con cái cũng có thể biết.
Tôi nghĩ rằng sống cùng con hay sống một mình đều có ý nghĩa riêng, chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái trong lòng là được.
Dung dị với kết cục của đời người
Nhiều người xem video nghĩ rằng sức khỏe của tôi rất tốt, nhưng thật ra người tôi đầy bệnh tật. Trước đây bị bệnh lao, 39 tuổi đã phát hiện mắc chứng huyết áp cao, sau đó có mỡ máu cao, bệnh tiểu đường, chức năng thận suy yếu, mỗi ngày phải uống rất nhiều thuốc.
Hiện tại tôi đã quen với những căn bệnh này, đồng thời vẫn uống thuốc và quản lý thói quen sống mỗi ngày.
Năm 2020, tôi được chẩn đoán có khối u tuyến tụy. Lúc đầu tôi rất hoảng sợ, nếu ác tính thì xem như chỉ chờ ngày ra đi. Mà ra đi cũng không sao, tôi chỉ sợ những cơn đau khiến tôi phải mất ăn mất ngủ mà thôi. Thế là tôi yêu cầu bác sĩ không làm xét nghiệm xác định khối u lành tính hay ác tính, cứ coi như không biết.
Tôi đã sống hơn 80 tuổi, gần như đã hiểu được thế nào là sinh lão bệnh tử. Do đó, hiện tại chỉ cần sống vui vẻ qua ngày là đủ, không mong muốn gì hơn, cũng không muốn mình phải bất an vì trong người có bệnh. Hơn nữa, tôi cũng không muốn con cái lo lắng quá nhiều. Tôi thường nói với chúng hãy chuẩn bị tâm lý. Các con ban đầu bắt buộc tôi phải đi xét nghiệm nhưng tôi không đồng ý, thế là chúng chỉ đành “bó tay”.
Ấy vậy mà tôi đã sống thêm vài năm nữa mà không hề có biểu hiện đau đớn.
Con người là thế đấy! Buồn bã hay hạnh phúc thì một ngày cũng trôi qua. Thời gian không chừa một ai, nên tôi chọn sống lạc quan mỗi ngày.
Sau khi ông nhà ra đi, tôi cũng bắt đầu sắp xếp hậu sự cho mình. Bởi lẽ tôi không muốn con uất ức vì mẹ ra đi mà không nói một lời nào như bố.
Điều tôi dặn dò với các con chủ yếu có 3 vấn đề: Không cố gắng chạy chữa, dùng hộp tro cốt rẻ nhất, không làm lễ tưởng niệm. Ban đầu con không chịu, thậm chí còn không muốn nhìn mặt tôi. Nhưng sau một thời gian từ từ giải thích cho các con hiểu, chúng mới chấp nhận và đồng ý làm theo lời tôi.
Đến già rồi ai cũng sẽ ngộ ra, dù muốn dù không cũng phải đón nhận kết cục này.
Tôi làm nghề y, trước đây nghiên cứu bệnh dịch hạch, chứng kiến biết bao câu chuyện “sinh lão bệnh tử”, cho nên tôi cũng nhìn đời bằng đôi mắt dung dị hơn.
Vậy nên, thay vì kiêng kị kết cục này, không bằng nghĩ thoáng hơn một chút, chuẩn bị chu đáo, an bài thỏa đáng, mới có thể tận hưởng tuổi già một cách thong dong.