Cứ 7 giây lại có một bé gái dưới 15 tuổi phải kết hôn
Cứ 7 giây lại có một bé gái dưới 15 tuổi kết hôn, trong khi nhiều bé gái mới 10 tuổi đã phải lập gia đình với những người đàn ông lớn tuổi tại các nước có xung đột và nghèo đói như Afghanistan, Yemen, Ấn Độ và Somalia.
Đây là nội dung báo cáo do tổ chức "Cứu trợ trẻ em" (Save the Children) có trụ sở tại Anh, công bố nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10).
Nạn tảo hôn không chỉ tước quyền học tập và các cơ hội tận hưởng cuộc sống tốt đẹp của các trẻ em gái, mà còn tăng nguy cơ tử vong hoặc những biến chứng thai sản đối với các em do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện để sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ.
Giám đốc điều hành của tổ chức "Save the Children," ông Helle Thorning-Schmidt nhấn mạnh nạn tảo hôn sẽ sinh ra "vòng tròn luẩn quẩn," lấy đi những quyền lợi cơ bản nhất của các bé gái để được học tập, phát triển và tận hưởng tuổi thơ.
Những bé gái kết hôn quá sớm thường không thể đến trường, đối mặt với nguy cơ cao bị bạo lực gia đình, ngược đãi và hãm hiếp. Các em này thường rất dễ mang thai và dễ bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV.
Báo cáo của "Save the Children" xếp các nước theo thứ tự từ nước có thể bảo vệ quyền lợi của các trẻ em gái tốt nhất đến tồi tệ nhất, dựa trên thực trạng tảo hôn, cơ hội học tập, tình trạng mang thai ở độ tuổi thiếu niên, tử vong do thai sản và số lượng các nữ nghị sỹ quốc hội.
Niger, CH Chad, CH Trung Phi, Mali và Somalia là những quốc gia nằm ở cuối bảng xếp hạng chỉ số.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định xung đột, nghèo đói và khủng hoảng nhân đạo là những yếu tố chính đẩy các em gái vào tình trạng tảo hôn. Cụ thể, việc đóng cửa hàng loạt trường học do dịch Ebola bùng phát đã khiến khoảng 14.000 trẻ em gái tại Sierra Leone mang thai sớm trong suốt đợt bùng phát dịch.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đưa ra ước tính số trẻ em gái tảo hôn sẽ tăng từ mức 700 triệu em hiện nay lên khoảng 950 triệu em vào năm 2030.
Báo cáo này của Liên hợp quốc được công bố đúng Ngày Quốc tế trẻ em gái, được chính tổ chức này đưa ra hồi năm 2011 để công nhận quyền của 1,1 tỷ bé gái trên toàn thế giới, cũng như những thách thức mà các em phải đối mặt./.