Cột nhà bất đắc dĩ
Sau hơn 3 năm ở nhà, Nghĩa không còn ý định đi làm nữa. Mặc Vân giục giã tìm việc nọ việc kia, anh ấy vẫn bình chân như vại.
Vân và chồng yêu nhau từ thời học trung học, mối tình học trò trong sáng lớn dần qua những năm tháng đại học và đơm hoa kết trái khi họ ra trường có công việc ổn định.
Nghĩa hơn cô một tuổi, trắng trẻo đẹp trai, gia đình cơ bản, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải. Vân cũng ưa nhìn, ra trường với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ và nhanh chóng xin được việc ở một công ty Đài Loan khá lớn.
Lúc họ kết hôn, Nghĩa làm kỹ sư ở một công ty xây dựng và hay phải đi công tác xa nhà.
Trái với chồng, Vân ổn định công việc khá nhanh, vững vàng vị trí ở công ty sau khoảng 1 năm công tác.
Rồi bé Bống ra đời trong niềm hạnh phúc của cả hai vợ chồng. Thấm thoát, sắp đến ngày Vân đi làm lại sau thời gian nghỉ đẻ. Ông bà nội ngoại lại bận cháu nhỏ của anh chị, chẳng thể lên đỡ đần.
Chị nói, nhưng anh đều gạt đi, đơn giản anh chẳng muốn đi làm (Ảnh minh họa)
Thấy công việc của Nghĩa vừa vất vả, lương lại chẳng đủ để thuê người giúp việc, cô thuyết phục anh nghỉ ở nhà trông con giúp mình một thời gian.
Thương vợ thương con, Nghĩa đồng ý. Thế là ngày Vân đi làm lại, cũng là ngày Nghĩa chính thức nghỉ việc ở nhà.
Nhưng cô chẳng ngờ được rằng đó là quyết định sai lầm nhất của mình.
Chẳng phải nói thì ai cũng biết nuôi trẻ con tốn thế nào. Hơn nữa, hai vợ chồng đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp nên tiền thuê nhà cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ.
Nghĩa nghỉ, mọi chi phí đều một mình Vân cáng đáng. Mệt mỏi, quá sức nhưng cô không dám kêu ai bởi chính cô đã đề nghị chồng nghỉ việc.
2 tháng sau họ chuyển tới căn nhà trọ khác, xa trung tâm hơn nhưng rẻ mà có phần rộng hơn. Ngày ngày cô đi làm, anh ở nhà trông con, cơm nước.
Thấm thoát bé Bống đã được 2 tuổi. Vân bàn với Nghĩa cho con đi lớp để anh có thể đi làm nhưng anh gạt đi bảo: “Con hãy còn non, đợi thêm ít lâu đã.”
Ngày Bống được 3 tuổi rưỡi, Vân quyết định cho con đi học, một phần là muốn cho con quen với nề nếp, phần khác là muốn trả tự do cho chồng.
Nhưng hình như sau hơn 3 năm ở nhà, Nghĩa không còn ý định đi làm nữa. Mặc Vân giục giã tìm việc nọ việc kia, anh ấy vẫn bình chân như vại.
Cùng thời gian này, Vân phát hiện ra lúc cô đi làm, Nghĩa rất hay lang thang đến hội tá lả, lúc đầu thì xem cho vui, về sau có lúc lấy cả tiền tiết kiệm để chơi.
Khuyên bảo Nghĩa không được, những trận cãi vã tăng dần, rồi một lần, Nghĩa đánh vợ. Nghe hàng xóm xì xào về ông chồng không có nghề ngỗng lại đánh chửi vợ, Vân cảm thấy chua xót vô cùng.
Chưa dừng ở đấy, tuy không làm ra tiền nhưng Nghĩa rất sĩ diện, cứ mỗi lần về quê là bắt vợ mua sắm đủ thứ biếu người này người kia.
May mà mẹ chồng quá biết tính con trai và thương Vân, bà hay dấm dúi tiền cho cô và bảo: "Mẹ có mỗi mình nó là con trai, cơ ngơi này dành cho vợ chồng con hết, nhưng con trai mẹ nó ỉ lại quá, mẹ chẳng bảo được nó, thôi con chịu khó khuyên chồng tu chí làm ăn. Chồng không làm cột nhà thì mình đành làm, con ạ”. Nghe thế mà nước mắt Vân rơi lã chã.
Bống sắp đi học lớp 1. Nghĩa lại có “công việc” mới là ngày ngày đưa con đi lớp, đưa vợ đi làm rồi lại đón về.
Anh tuyệt nhiên không hề có ý định đi làm lại. Nghĩa năm nay đã 35 tuổi, thời gian thì vùn vụt trôi qua, chẳng mấy chốc đến tuổi tứ tuần, liệu anh còn muốn làm gì không?
Vân buồn và suy nghĩ nhiều lắm, nhất là mỗi lần Bống nũng nịu: “mẹ đẻ em bé cho con”.
"Bống ơi, đẻ em bé mẹ lấy gì mà nuôi em?" Vân nghĩ thầm.