Chồng lười vợ phải làm sao?

Ngọc Hải,
Chia sẻ

Không phân biệt nông thôn hay thành phố, người giàu hay kẻ nghèo, chuyện vợ quần quật kiếm tiền trong khi chồng “vểnh râu” vô lo, vô nghĩ vẫn là “Chuyện thường ở huyện”.

Xưa kia có Tế Xương hiểu và thương nỗi nhọc nhằn vất vả của vợ khi phải thay chồng gánh lấy gánh nặng gia đình. Ngày nay còn rất nhiều “đức ông chồng” không đảm nhiệm được vai trò trụ cột của gia đình mà lại còn lười biếng, không biết thương, đỡ đần vợ. Một số khác còn kiếm cớ đánh đập, hành hạ vợ con.

Vợ kiếm đồng nào chồng xào đồng ấy

Chị Hương (Hà Nội) ở chợ Trung Kính nổi tiếng đảm đang, khéo léo. Nhà gần chợ nên ngày nắng cũng như ngày mưa chị luôn dậy sớm ra chợ đầu mối mua rau về bán. Lấy chồng được 5 năm, con chị đã tròn 3 tuổi mà 2 vợ chồng chị vẫn chưa tích góp được đồng nào. Căn nhà bố mẹ anh để lại cho hai vợ chồng trống hoác và chẳng có gì có giá trị ngoài chiếc xe dream tàu để sáng sáng chị đi lấy hàng. Mỗi ngày chị đi chợ cũng được vài trăm nghìn nhưng mỗi khi con ốm là chị lại phải chạy vạy khắp nơi để lo cho con.

Chồng chị bảo làm xe ôm nhưng không chịu đi khách mà tối ngày mải mê bên chiếu bạc ở chợ. Hết tiền anh lại bắt chị đưa tiền chơi tiếp. Càng thua anh càng cay cú muốn gỡ, thắng được một đồng thì anh lại chơi ba đồng nên lúc nào trong nhà cũng chỉ đủ tiền đi chợ kiếm vài đồng cho 2 bữa cơm. Khuyên bảo anh không được, tìm đến sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng bên nội bên ngoại mà vẫn không thể thay đổi được anh, vì yêu anh nên chị đành chấp nhận gò lưng kiếm tiền nuôi chồng và đáp ứng máu cờ bạc của anh.
 
Chồng tối ngày mải mê bên chiếu bạc

Hẩm hiu hơn nữa là hoàn cảnh của chị Hoài (Hải Dương), 2 thằng con trai đã lớn cả nhưng cũng giống bố không biết giúp đỡ mẹ trong công việc đồng áng, một mình chị phải lo hết toàn bộ việc nhà cũng như việc đồng nên chị gần như đã kiệt sức. Thấy mọi người trong làng đua nhau đi xuất khẩu lao động làm osin bên Đài Loan, vợ chồng chị cũng vay mượn để cho chị đi.

Với đức tính thật thà, chăm chỉ chị được chủ nhà rất quý mến và tin tưởng. Tuy nhiên chị vẫn liều lĩnh giấu chủ nhà lén lút nhận việc làm tại nhà với hy vọng có chút vốn liếng để sớm được về nhà với chồng với con. Sau 3 năm trở về, gian nhà trống trơn, chồng con mỗi người một ngả. Bao nhiêu tiền chị gửi về thì chồng chị đều mang cho gái. Xót xa trước sự phản bội của chồng nhưng chị đành phải bỏ qua, quyết định ở nhà làm ruộng để giữ chồng.

Quần quật tối ngày vẫn bị đánh đập

Từ khi lấy chồng đến lúc có 4 mặt con, chị Hường (Hưng Yên) lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Gia đình chồng chị không phải chỉ có một mình anh, anh cũng không phải là con út, nhưng được nuông chiều từ nhỏ nên anh không chịu làm bất cứ việc gì.

Bao nhiêu năm tháng qua, sáng sớm tinh mơ chị lọ mọ dậy ra đồng trong khi chồng và các con đang còn ngon giấc. Từ việc nhỏ như nhổ cỏ, vãi thóc đến việc tát nước, cày bừa,… đều do một mình chị đảm nhiệm. Việc đồng áng xong chị lại về cơm nước phục vụ chồng con. Vậy mà chị cũng không được một cuộc sống an lành. Chồng chị chỉ tối ngày rượu chè, cờ quạt. Khi tỉnh thì anh là một người hiền lành như cục đất, nhưng cũng chỉ ở không. Nhưng mỗi khi anh say rượu đều phá phách, trút giận lên vợ con hoặc quần áo, đồ đạc trong nhà.
 

Đã nhiều lần anh đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà, ném quần áo ra sân rồi châm lửa đốt. Nhưng do bản tính cam chịu, chị và các con vẫn luôn tôn trọng và bỏ qua cho chồng…

Chồng lười vợ phải làm sao?

Áp dụng bao nhiêu kế sách hay lời khuyên của mọi người cũng không có tác dụng với chồng. Chị Dụng (Thanh Hóa) đành phải một tay nuôi 3 đứa con và bỏ ngoài tai bao lời trách móc của bố mẹ, anh chị em và hàng xóm. Ai cũng khuyên chị nên bỏ chồng cho rảnh nợ. Anh nhu mì và yếu đuối biết bao nhiêu khiến chị không thể nào dứt áo.

Thỉnh thoảng anh ôm chị thì thầm: “Mẹ nó à, tôi không đi đâu hết, không có mẹ nó tôi không sống được. Mẹ nó bảo gì tôi làm đấy, chứ đừng bắt tôi phải dời xa mẹ nó”. Khi đó chị đi xin việc cho anh nhưng lúc nào anh cũng tìm được lý do chính đáng để từ chối. Đi phụ hồ thì anh chê nặng nhọc, làm mộc thì anh chê độc hại, chị xin cho anh làm bảo vệ cho một công ty thì anh kêu công việc nhàm chán… chị hỏi anh: “Chứ mình làm được việc gì để tôi tìm” thì anh im lặng không nói gì.

Cũng như những bà vợ khác, chị lại phải lẳng lặng đi kiếm tiền về trang trải cuộc sống.

Bỏ thì thương, vương thì tội

Nhiều lúc chán nản, chị Hương muốn ly hôn nhưng chồng chị đã có lần quỳ xuống xin vợ tha thứ, rồi anh hứa: “nốt ngày hôm nay”, “nốt tháng này”, rồi “nốt năm nay”… tuy nhiên, anh vẫn chứng nào tật nấy, nhưng thương con nên chị vẫn cố bỏ qua cho gia đình yên ấm chứ chị biết anh vẫn không thể bỏ được cờ bạc mà tu tỉnh làm ăn.

Thương con bao nhiêu chị Dụng lại thương chồng bấy nhiêu. Chị sợ anh yếu đuối không thể sống một mình. Có lần anh ôm vợ khóc lóc: “Mẹ nó ạ, mẹ nó hãy thông cảm cho tôi, tôi sẽ chăm sóc mẹ nó suốt đời. Tôi không để cho mẹ nó phải đi một mình đâu, nếu mẹ nó đi trước, tôi cũng sẽ uống thuốc để đi cùng mẹ nó. Tôi cũng không để mẹ nó phải ở lại một mình cô đơn đâu. Còn cái nhà này, chúng nó không về ở thì chỉ một quả mìn là xong thôi”…

Chuyện vợ kiếm tiền nuôi gia đình mà chồng còn hạch sách, đánh đập và coi đó là chuyện hiển nhiên vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn nước ta. Ở họ không chỉ là sự nhu mì và cam chịu, mà ẩn sâu trong đó là nét đẹp của phụ nữ Việt Nam: đảm đang, phúc hậu, tần tảo và vị tha vô cùng!!!

Chia sẻ