Vô duyên lấy phải chồng lười

,
Chia sẻ

Thêm một ngày chủ nhật trôi qua, cũng là thêm một tuần anh không về nhà với chị và hai con.

Chị điện thoại, chỉ được nghe tiếng càu nhàu của chồng; hoặc bị chị chồng, cha chồng mắng nhiếc. Bên cạnh chị, đứa con trai đầu lòng mới ba tuổi tròn xoe mắt gọi “ba”. Trên tay chị, đứa con gái 10 tháng tuổi vẫn chưa chịu ngủ sau khi được lót dạ bằng ít cháo chan nước tương. Mới 30 tuổi mà sao cuộc sống của mình ra thế này? - nhiều lần chị tự hỏi.

Sáu năm trước, chị là một cô gái xinh xắn và nhanh nhẹn nhất, nhì nhóm nhân viên bán hàng mỹ phẩm tại một trung tâm thương mại. Một hôm, người đàn ông ấy xuất hiện ở quầy hàng của chị để chọn mỹ phẩm cho… mẹ đang đi cùng với anh. Tuần sau, người đàn ông ấy quay lại, hỏi thăm công dụng của một số loại mỹ phẩm. Tuần sau nữa, anh đợi chị cho đến hết giờ làm việc để mời chị ăn tối. Ba tháng sau, họ kết hôn. Anh là con trai trưởng một gia đình có của ăn, của để ở Sài Gòn. Ngày rước dâu, nhà trai kéo một đoàn đông về quê chị ở Quảng Ngãi, “bạo tay” đãi tiệc một tuần cho họ hàng nhà gái, bạn bè cô dâu khiến làng xóm cứ tấm tắc chị tốt số lấy được chồng giàu.

Ai đó đùa, hết trăng mật là đến... dập mật, nghĩ lại thật đúng với chị. Ngay sau khi kết hôn, anh bắt chị nghỉ việc để quán xuyến nhà chồng cho đúng phận dâu trưởng, chuyện cơm áo anh vỗ ngực: “tôi lo”. Nhưng, công việc quay camera phục vụ đám cưới của anh “bữa đực, bữa cái” khiến hai vợ chồng cùng thành kẻ ăn bám nhà chồng. Bấy giờ, chị mới phát hiện, nhiều năm qua, người chồng hơn mình 10 tuổi ấy chẳng hề ngượng ngùng khi dựa dẫm cha mẹ và gia đình anh dường như cũng quá quen với điều này. Đến khi có thêm hai nhân khẩu là chị và đứa con trai mới chào đời thì chị thành chướng ngại vật của họ.

Lấy lý do có nhiều nhà để trống, cha mẹ chồng cho vợ chồng chị ra riêng, kỳ thực là tạm giữ nhà cho những thành viên trong gia đình đang buôn bán bất động sản ấy. Vì vậy, ở chưa ấm chỗ nơi này, họ lại được “thuyên chuyển” sang nơi khác. Hai năm nay, việc mua bán bất động sản không như ý, nhà chồng bỏ mặc vợ chồng chị thuê phòng trọ bên ngoài, thay vì cho ở chung như buổi đầu chị mới làm dâu. Chua xót hơn, chồng chị có lúc không cáng đáng nổi tiền thuê nhà, cha mẹ chồng phải tài trợ, nên chị trở thành nơi trút giận của gia đình chồng. Thiếu trước, hụt sau nhưng chồng chị vẫn cứ... hồn nhiên. Hôm nào hết tiền mua thức ăn, anh ăn chực, nằm chờ ở nhà cha mẹ ruột, bỏ mặc vợ con. Rồi khi có ít tiền, anh lại xuất hiện, ra dáng “trụ cột” gia đình, buộc chị phục vụ. Nhà chồng của chị cũng lạ, những khi có đám giỗ hay tiệc tùng, họ nhớ ngay đến con dâu trưởng, bảo chị về phục dịch mọi việc. Đến khi thấy chồng chị lười nhác, họ lại mắng chửi chị là vợ đoảng, con dâu vô tích sự… Khi con trai được gần hai tuổi, chị đòi đi làm để chuẩn bị cho con đến trường, thì bị chồng nện cho một trận, cất hết giấy tờ tùy thân của chị và nhiếc móc “trông cô ngon lành thế này, đi bán hàng để liếc mắt đưa tình hả”. Lúc chị có thai đứa con thứ hai, cha chồng mượn chiếc xe máy của chị để thuận tiện đi lại và giữ giùm… luôn đến nay. Đã có lúc, chị nghĩ đến chuyện đơn phương ly hôn, nhưng lại sợ chẳng biết sẽ lấy gì nuôi con.

Giờ con trai đã ba tuổi, vào mẫu giáo, nhà chồng đồng ý lo tiền học cho cháu đích tôn. Kể từ đó, anh như mất hút tăm hơi, mặc mẹ con chị bữa rau, bữa cháo. Để tự cứu mình, một tuần nay, chị xin được công việc vô bao sản phẩm cho một xưởng sản xuất gần nhà, gửi đứa con 10 tháng tuổi cho bà chủ phòng trọ. Với đồng lương 1,7 triệu/tháng, chị và con vẫn phải ăn cơm hoặc cháo với nước mắm, nước tương, nhưng chị đã lờ mờ thấy ánh sáng tự do cho chính mình.

Hồng Anh (Q.Bình Tân)
Theo PNO
Chia sẻ