Con yêu mẹ, mẹ chồng của con

Theo VNN,
Chia sẻ

Từ lúc nào, chị nhận ra mình đã coi mẹ chồng như mẹ ruột...

Mỗi khi đọc báo hay nghe những chuyện xung đột giữa mẹ chồng – con dâu, chị lại tự nhủ mình đã may mắn biết bao khi được làm con dâu của mẹ. Chị về làm dâu của mẹ với một chút mặc cảm vì ngoại hình, vì công việc chưa ổn định, cộng với bản tính sống “nội tâm” nên thời gian đầu chị rất rụt rè, ít nói và không cởi mở với mọi người trong gia đình chồng dù trong lòng chị luôn dành cho ba mẹ chồng sự kính trọng. 

Thế nhưng, thời gian qua đi cách đối xử của mẹ chồng đã làm chị thay đổi. Mẹ luôn dành sự quan tâm, lo lắng cho chị như mẹ ruột. Ngày chị sinh con đầu lòng, mẹ là người đưa chị đến bệnh viện.  

Đêm đó, ở bệnh viện, chị đau lắm, nhưng mẹ luôn bên cạnh vỗ về, động viên và cùng chị đi bộ quanh sân để chị dễ sinh. Chị sinh mổ nên 2 ngày đầu chưa ngồi dậy nổi, mẹ ngồi bên cạnh giường, bón cho chị từng muỗng cháo, từng ly sữa… Cứ vài tuần ba mẹ lại khăn gói từ quê lên thăm cháu.
Biết chị bận con nhỏ nên lần nào lên thăm cháu mẹ đều chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo và cả mấy giỏ trái cây vườn nhà. Món nào mẹ nấu chị cũng thấy rất ngon… 
 
Từ lúc nào, chị nhận ra mình đã coi mẹ chồng như mẹ ruột... (Ảnh minh họa)

Mỗi lần lên thành phố khám bệnh (mỗi tháng mẹ phải tái khám 1 lần), mẹ đều tranh thủ mang theo nào là bưởi, dừa, trứng gà... mẹ đã để dành sẵn cho con cháu. Các con chị thấy bà nội lên thì vui mừng ra mặt và suốt ngày cứ quấn quýt bên nội.

Ngày chị mang thai đứa con thứ 2, mẹ rất mừng. Chị biết mẹ mong mỏi có đứa cháu trai, nhưng chưa bao giờ chị thấy mẹ tỏ vẻ thất vọng vì chị lại sinh con gái, mẹ vẫn thường nói “Trai hay gái gì cũng thương vì đều là con cháu của mình”. Nhờ vậy, chị phần nào bớt đi được mặc cảm và áp lực phải sinh “quý tử”.

Mẹ có nghề làm tàu hũ “gia truyền” từ mấy chục năm. Với sạp bán ngoài chợ, ba mẹ đã nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn, đều là những kỹ sư. Chồng chị và các anh chị dù đã thành tài, sống nơi thành phố lớn nhưng mỗi lần về quê vẫn xắn tay áo vào phụ ba mẹ xay đậu, gói tàu hũ và vẫn háo hức được “nhón” một miếng tàu hũ mới “ra lò”, ngồi ngay tại bếp vừa thổi vừa hít hà “ngon quá!”.

Ngày chồng chị quyết định đi du học, chị vừa buồn, vừa lo vì chưa biết sẽ xoay xở thế nào với 2 đứa con, khi mà đứa nhỏ mới vừa tròn 1 tuổi. Chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ngày tiễn anh đi, chị đã khóc thật nhiều. Lúc đó, chị thấy mẹ thật bình tĩnh, mẹ không khóc mà động viên chị. Quả thật lúc đó, chị đã nghĩ sao mẹ lại cứng rắn đến vậy! 

Vài tháng sau, chị đưa 2 con về quê nội chơi. Vừa thấy 3 mẹ con chị, mắt mẹ đỏ hoe. Đó là lần đầu tiên kể từ ngày về làm dâu, chị thấy mẹ khóc. Lúc này chị mới hiểu mẹ đã phải nén lòng như thế nào khi tiễn đứa con trai út (là chồng chị) đi xa, mẹ không khóc là vì không muốn anh phải bận lòng.

Tết năm đó, chị đã chuẩn bị về quê đón Tết nhưng rồi cả chị và đứa con nhỏ bị bệnh. Vừa mệt, vừa tủi thân vì không có chồng ở nhà, chị bật khóc. Sáng mùng 2, mẹ đã đón xe lên thật sớm để lo cho mấy mẹ con chị. Nhìn thấy mẹ, chị mừng muốn khóc và cảm động lắm. Lúc này chị thật sự thấu hiểu tình thương yêu của mẹ. 

Dạo gần đây, sức khỏe mẹ yếu hẳn, bệnh có phần nặng hơn. Tháng rồi vào bệnh viện gặp mẹ khi mẹ đi tái khám, nhìn dáng người gầy yếu của mẹ, chị thấy bất an lắm, nhưng mẹ vẫn giữ được vẻ mặt bình thản, không hề than thở. Lúc nào điện thoại về, mẹ cũng nói “mẹ khỏe rồi”, và căn dặn chị không được nói với chồng chị về bệnh tình của mẹ. Mẹ luôn lo lắng cho con cái theo cách riêng của mẹ, không ồn ào, không bộc lộ ra ngoài nhưng thật là sâu sắc mà không phải ai cũng làm được.

Đôi lúc chị thấy mệt mỏi, mất phương hướng, chị lại điện thoại nói chuyện với mẹ... Mẹ thường động viên chị hãy nghĩ đến tương lai tươi sáng. 
Chia sẻ