Con trai mượn đồ chơi của bạn không trả, mẹ cho rằng chuyện vặt vãnh nên xua tay bỏ qua, mấy năm sau hối hận thì đã quá muộn
Con thường xuyên lấy đồ chơi của bạn không trả nhưng bà mẹ lại xua tay bỏ qua, cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ.
Không ít trẻ nhỏ có một thói quen rất xấu, đó là thói ăn cắp vặt. Chẳng hạn như sang nhà bạn bè, họ hàng chơi, thấy những món đồ ưng ý, trẻ không hỏi xin mà lén cầm về nhà.
Vì đó hầu hết là những món đồ nhỏ nhặt như một cuốn truyện tranh hay con búp bê, con lật đật bé xinh nên người lớn thường xua tay cho qua, coi như không có chuyện gì to tát.
Nhưng người lớn không biết rằng, chính từ sự dửng dưng, dễ dãi đó mà trẻ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu.
Ai đã dám ăn cắp một quả trứng thì sẽ dám ăn cắp cả một con bò!
Nếu chúng ta không sớm uốn nắn trẻ sống ngay thẳng thì khi trưởng thành, trẻ sẽ gặp phải những hệ lụy từ chính thói quen xấu lúc nhỏ.
Câu chuyện sau đây chính là minh chứng rõ ràng cho chuyện này:
Một bà mẹ rất lấy làm lạ khi mỗi lần con trai chơi đồ chơi với cậu hàng xóm thì lại có một thứ biến mất. Vì hai đứa trẻ bằng tuổi nhau, lại gần nhà nên chị thường cho hai trẻ cùng chơi. Như vậy thì chị vừa có thời gian rảnh làm việc nhà, mà con thì lại có bạn.
Nhưng sau một vài lần quan sát, bà mẹ cảm thấy bối rối khi phát hiện cậu bé hàng xóm có tật tắt mắt. Cậu bé thường lấy đồ chơi của con chị mang về nhà mình. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài.
Một lần trong lúc đi chợ, chị vô tình gặp mẹ của cậu bé hàng xóm. Nghĩ vấn đề tắt mắt cần được giải quyết nên chị mới thủ thỉ bảo bà mẹ kia:
"Chị này, tôi muốn nói với chị một chuyện tế nhị, mong là chị sẽ không giận tôi và bảo ban cháu nhà mình tốt hơn. Chuyện là con chị thường hay sang nhà tôi chơi rồi lấy luôn đồ chơi mang về".
Chị cứ ngỡ bà mẹ hàng xóm sẽ giật mình xin lỗi rồi hứa về giáo huấn lại con. Ai ngờ, cậu trả lời của bà mẹ kia khiến chị sững sờ vô cùng.
"Chẳng qua chỉ là mấy thứ đồ chơi trẻ con thôi mà, chị cứ làm quá lên, để cho nó chơi vài bữa rồi nó mang sang trả, chị không cần phải quá lo mấy chuyện vặt vãnh như thế này đâu".
Nói vậy nhưng cậu bé hàng xóm luôn cầm đồ chơi về nhà và không bao giờ trả lại. Mấy món đồ chơi nhỏ, bà mẹ trẻ không tiếc gì với bạn của con. Nhưng việc cậu bé kia thường xuyên tắt mắt, lấy mà không hỏi han, xin phép ai thì biết đâu một ngày, thói xấu sẽ ngấm vào máu. Cậu bé sẽ còn dám lấy những thứ to tát hơn.
Chưa kể là bà mẹ hàng xóm không hề biết cách dạy con. Bà mẹ hồn nhiên đi khoe với người khác là mình chẳng cần mua mà con vẫn có đồ để chơi.
Bà mẹ cho rằng, con mình như vậy là khôn!
Thời gian cứ thế trôi đi, những tưởng chuyện tắt mắt lặt vặt hồi bé đã trôi vào dĩ vãng. Nhưng ai ngờ, sự việc đã qua nhưng dư âm thì vẫn còn. Năm 19 tuổi, cậu ta vì hoàn cảnh túng quẫn mà đi ăn trộm đồ rồi bị cảnh sát bắt được và phải ngồi tù.
19 tuổi, mang trên mình 1 tiền án, tương lai phía trước của cậu bé hàng xóm năm nào trở nên mù mịt.
Người lớn chúng ta đôi khi vì yêu thương mà dung túng cho những hành vi xấu của trẻ.
Có thể chúng ta đã không ít lần nghe qua câu: "Thôi, con búp bê ấy đáng gì. Em nó trót cầm thì cho em nó luôn cũng được" của người lớn.
Có một điều chúng ta cần phải ghi nhớ. Thói quen xấu nhỏ có thể tích tụ thành thói quen xấu lớn.
Việc người lớn cần làm không phải là cái xua tay, xuề xòa cho qua mà phải ngay lập tức chỉ cho trẻ biết, hành vi tắt mắt là sai. Nếu muốn thứ gì, trẻ cần phải xin phép trước, được sự đồng ý thì mới có thể cầm.
Chúng ta đừng bao giờ dễ dãi với thói hư tật xấu của con trẻ. Bởi như vậy sẽ khiến con bạn trở thành một phiên bản khác của cậu bé hàng xóm kia!